Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vĩnh hằng giữa lòng đất mẹ - Bài 2: Mẹ ơi! Chúng con đã về

  • 07:03 | Thứ Năm, 04/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) một sáng chớm đông lạnh, mưa phùn nhàn nhạt. Trong ngôi nhà ông Lê Quốc Trương (SN 1957), em trai kế liệt sỹ Lê Thị Lương hiện diện nhiều vị khách phương xa. Họ là đồng đội, đồng chí của liệt sỹ Lương. Ngồi nơi chiếc ghế tại phòng khách, cụ Lê Thị Ngoạn (SN 1928), mẹ liệt sỹ Lương hỏi con trai: “Ai vào nhà mình thế?”. Ông Vũ Hữu Đại thay lời: “Thưa mẹ, chúng con về thăm mẹ!”.
 
 
Cụ Lê Thị Ngoạn năm nay đã 96 tuổi. Vợ chồng cụ Ngoạn sinh được 6 người con gồm 4 trai, 2 gái. Liệt sỹ Lê Thị Lương là con thứ ba, trường hợp duy nhất trong 8 liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) quê huyện Hoằng Hóa có mẹ vẫn còn sống.
 
Trong ký ức người mẹ liệt sỹ, chị Lê Thị Lương ngoan lắm, đẹp người, đẹp nết. Ngày xung phong đi chiến trường, chị Lương dặn mẹ không phải lo lắng gì cho con, vào đó con có đồng đội, đồng chí, đồng hương. Đợt này, huyện Hoằng Hóa xung phong vào Nam nhiều lắm. Con bảo vậy thì mẹ nghe vậy, chứ lòng mẹ ai chẳng thương con, nhất là thân gái ra nơi “hòn tên, mũi đạn”. Khi chị Lê Thị Lương bám trụ trên đường 20 Quyết Thắng, cụ Ngoạn nhớ: “Có gửi cho con hai mét vải phíp... Chả biết con có nhận được không, kịp may vá gì không, không ai biết! Con biên thư về nói... mẹ đừng quan tâm gì đến con nhiều”.
Ông Nguyễn Đức Thắng và chị Nguyễn Thị Thanh con gái đồng đội mình là liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ trên đường 20 Quyết Thắng.
Ông Nguyễn Đức Thắng và chị Nguyễn Thị Thanh con gái đồng đội mình là liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ trên đường 20 Quyết Thắng.
Cùng tham gia lực lượng TNXP năm 1971 với liệt sỹ Lê Thị Lương, huyện Hoằng Hóa có 4 đại đội, mỗi đại đội từ 180-200 người. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chính trị viên, Đại đội trưởng C217, N25, P31, Ban xây dựng 67, thủ trưởng của 8 liệt sỹ TNXP đồng hương Hoằng Hóa kể lại với gia đình liệt sỹ Lê Thị Lương: Đơn vị đi từ Thanh Hóa vào Nghệ An bằng tàu hỏa. Sau khi ở Nghệ An khoảng một tuần thì tiếp tục hành quân vào Quảng Bình bằng ô tô theo đường Hồ Chí Minh. Đến đường 20 Quyết Thắng thì tập kết tại Km4, biên chế thành 4 đại đội mang các phiên hiệu: C216, C217, C218 và C219. Mỗi đại đội đảm nhận 7-10km đường 20, từ Km0-Km34.
 
Theo lời ông Nguyễn Đức Thắng: “Chị Lê Thị Lương và 7 TNXP đồng hương huyện Hoằng Hóa khác là các anh chị: Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Trần Thị Tơ, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Mai thuộc C217 phụ trách đoạn thuộc Km23, đường 20 Quyết Thắng. Nhiệm vụ được Ban chỉ huy C217 giao cho 8 TNXP vào ngày 14/11/1972 là nhiệm vụ cuối cùng, sau đó họ được ra quân, trở về quê hương luôn. Vì thế, khi hành quân từ Km23 ra phà Xuân Sơn thì tất cả đều mang theo hết quân tư trang để xong việc thì ra Bắc. Họ di chuyển đến hang đá Km16+500 thì tạm nghỉ ngơi ở đó. Không ngờ gặp phải trận bom Mỹ kinh hoàng khiến cả 8 người và 5 bộ đội Đoàn 5043 pháo binh mãi mãi nằm lại với đường 20 Quyết Thắng”.
 
Ông Lê Quốc Trương, thay mặt gia đình liệt sỹ Lê Thị Lương chia sẻ: “Lịch sử không thể quay ngược trở lại được nữa. Chị tôi và hàng nghìn liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cho đến nay vẫn chưa thể trở về với người thân, gia đình, quê hương. Đây là nỗi đau lớn nhất mà mẹ tôi và bao người canh cánh, chắc chắn cho đến lúc khuất núi. Bây giờ thì gia đình cũng không còn hy vọng được đón chị tôi về nữa. Chị nằm lại ở đâu cũng là trên đất nước Việt Nam này”.

Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hoằng Hóa ở tại trung tâm thị trấn Bút Sơn. Tại đây có 8 phần mộ của 8 liệt sỹ TNXP hy sinh nơi hang đá Km16+500, đường 20 Quyết Thắng chiều ngày 14/11/1972. Hài cốt các liệt sỹ được huyện Hoằng Hóa tiếp nhận từ tỉnh Quảng Bình vào ngày 4/6/1996...

Theo hướng dẫn của ông Lê Quốc Trương, tôi cùng các ông: Nguyễn Đức Thắng, Trần Công Hòa, Vũ Hữu Đại, Đặng Văn Đoàn đi thắp hương cho liệt sỹ Lê Thị Lương. Trên bàn thờ liệt sỹ Lê Thị Lương, phía sau ly hương chỉ có đơn độc tấm bằng Tổ quốc ghi công. Đây cũng là điều đặc biệt với riêng trường hợp liệt sỹ Lê Thị Lương vì trong 13 liệt sỹ hy sinh ngày 14/11/1972 tại hang đá Km16+500 chỉ có mình chị không còn di ảnh để lại.

Lý giải về điều này, ông Lê Quốc Trương bảo: “Thực ra trước khi chị Lương chưa đi chiến trường, vẫn có ảnh. Năm 1971, chị sống, chiến đấu trên đường 20 Quyết Thắng cho đến lúc hy sinh, gia đình vài lần nhận được thư chị gửi về. Kỷ vật của chị, gia đình cất vào một chiếc hộp. Tuy nhiên, tất cả đều bị thất lạc do bom đạn chiến tranh”.

Các cựu chiến binh Đoàn 5043 pháo binh về với cụ Lê Thị Ngoạn, mẹ liệt sỹ Lê Thị Lương.
Các cựu chiến binh Đoàn 5043 pháo binh về với cụ Lê Thị Ngoạn, mẹ liệt sỹ Lê Thị Lương.
Về lại bên cụ Lê Thị Ngoạn, ông Trần Công Hòa nghẹn ngào: “Mẹ ơi! Chị Lê Thị Lương và 12 đồng đội khác thực sự ngã xuống ngay sau trận bom chiều 14/11/1972 rồi, trong đó có những người lính thuộc đơn vị chúng con. Máu xương các anh chị hòa trộn cùng sông núi trên tuyến đường 20 Quyết Thắng ở Quảng Bình. Dù đau xót đến bao nhiêu đi nữa, thì hôm nay, chúng con về bên mẹ, kể lại cho mẹ biết sự thật này”.
 
Cụ Lê Thị Ngoạn ngồi đó, yên lặng bên những nhân chứng một thời sống, chiến đấu trên đường 20 Quyết Thắng, chứng kiến sự kiện bi tráng chiều ngày 14/11/1972. Tôi cảm giác trong lòng người mẹ liệt sỹ có một sự xúc động đang chực trào... Vậy mà, cụ vẫn lặng yên như pho tượng, khóe mắt người già âng ấng nước. Hơn một nửa thế kỷ trôi qua... cụ Lê Thị Ngoạn không nguôi nỗi nhớ đến con.
                                                                                             Ngô Thanh Long
 
Bài 3: Vọng phu thờ chồng

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người!