Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trên tuyến đường 12A

  • 10:40 | Chủ Nhật, 07/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi là người tham gia biên soạn sách truyền thống của ngành Giao thông vận tải (GTVT). Vì thế, tôi biết một số nhân chứng lịch sử của GTVT Quảng Bình, trước khi gặp mặt. Họ để lại trong tôi nhiều ấn tượng về cốt cách, cảm xúc về một giai đoạn lịch sử hào hùng trên quê hương “Hai giỏi”.
 
Còn nhớ, sáng mùa hè năm 2014, tôi đi tàu SE1 vào TP. Đồng Hới, do tàu trễ 15 phút nên nhảy xuống ga là đi xe ôm thẳng về phòng tọa đàm lịch sử GTVT Quảng Bình. Tại đó, tôi gặp nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Ông dong dỏng, mắt sáng, giọng nói nhẹ nhàng, đôn hậu.
 
Có thể nói, những năm tháng “tuyến lửa” đã sinh ra nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Dẫu trên dải đất đặc biệt là Quảng Bình, nhất là tuyến đường 12A là nơi “hội tụ” nhiều anh hùng và văn nghệ sĩ tên tuổi của đất nước. Đối với Nguyễn Khắc Phê, ông coi việc có mặt năm 1963 trên tuyến đường này như một sự may mắn đối với người cầm bút.
 
Trong dòng hồi ức xúc động, nhà văn không quên được Tết Đinh Mùi, năm 1967. Ông kể lại: “Còn nhớ những ngày đầu năm 1967, biết tôi hàng đêm tranh thủ lúc rỗi công việc, phải dùng chăn, nilon chắn sáng ngọn đèn dầu trong một góc phòng, ngồi viết những trang đầu tiên của tập ký sự về đường 12A, đồng chí Lại Văn Ly đã cho tôi ra Hà Nội để có điều kiện hoàn thành tập sách, kết hợp giải quyết hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng” (Nguyễn Khắc Phê: Đường 12A đỉnh cao anh hùng, tương lai rộng mở).
Đường 12A, đoạn qua xã Phong Hóa (Tuyên Hóa).Lê Đức Thành
Đường 12A, đoạn qua xã Phong Hóa (Tuyên Hóa). Ảnh: Lê Đức Thành
Đây là giai đoạn cuối của chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (2/3/1965-1/11/1968) mà người Mỹ gọi là “Chiến dịch Sấm Rền”. Mặc dù vậy, trên đường đi xuống Gianh, ông bảo vẫn nhìn thấy những cặp máy bay C.130 lượn lờ phía biển thăm dò, máy bay trinh sát địch thi thoảng vẫn xuất hiện nhòm ngó. Mọi con đường thời đó nham nhở hố bom.
 
Khi nhà văn Nguyễn Khắc Phê có mặt ở phà Bến Thủy qua sông Lam là thời điểm Bác Hồ đọc thơ chúc Tết: “Xuân về xin có một bài ca/Gửi chúc đồng bào cả nước ta/Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/Tin mừng thắng trận nở như hoa”.
 
Đường 12A ngày càng trở thành nơi thử thách chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu vì “mạch máu” con đường, ngày một căng thẳng. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê, gần như trên 100km của tuyến, ngày nào cũng vậy đều có báo cáo “khẩn cấp”,“tối mật” của các C từ Ka Tang, Tân Đức... gửi về.
 
Lạ thay, trong chiến đấu, giữa làn ranh sống chết, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” càng lay động, truyền cảm, nhân lên sức mạnh. Nhiều thanh niên xung phong (TNXP) làm thơ.
 
Giao thừa thức suốt canh thâu/Con nghe thơ Bác từng câu từng vần/Ngoài trời nặng hạt mưa xuân/Tiếng xe hỏa tuyến khi gần khi xa”. Tác giả mấy câu thơ này là một đồng đội của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, có tên Lê Rực thuộc đơn vị C.751.
 
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê từng sống trên “chiến trường” đường 12A ròng rã 4 năm, từ năm 1963-1966. Con đường vượt Trường Sơn ấy với những địa danh, như: Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời, Cha Lo, Mụ Giạ, đồi 37, đồi Cha Quang... một thời ngút trời bom đạn sống mãi trong ông.
 
Tôi bồi hồi xúc động. Con đường in dấu chân biết bao thế hệ, in dấu dân bao người. Thời Tôn Thất Thuyết hộ tống vua Hàm Nghi đã hình thành nên con đường mòn, rồi có tên, thành quốc lộ. Năm 1957, Bộ GTVT đã cho khôi phục đường 12A. Hồi đó, đường 12A từ ngã ba Khe Ve (Minh Hóa) đến đèo Mụ Giạ (biên giới Việt-Lào) dài 44km.
 
Thực ra, trong “hệ thống” đường 12A, còn có nhánh 12B nối từ đèo Mụ Giạ tới ngã ba Lằng Khằng; từ đó rẽ xuống nối với đường 9, gọi là đường 129 (đường 12 + đường 9); rồi 12C từ Đồng Lê đi Vũng Áng (Hà Tĩnh). Từ cuối năm 1964, quân và dân Quảng Bình thực sự bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với kẻ thù trên tuyến đường 12A. Đó là con đường bi hùng.
 
Đúng như nhà văn Nguyễn Khắc Phê dự báo khi ông viết tập ký sự về đường 12A, tương lai con đường thời phát triển kinh tế, ngày càng rộng mở.
 
Năm 1993, để phục vụ cho sự phát triển của Quảng Bình, theo quyết định của Bộ GTVT, đường 12A được tính từ TX. Ba Đồn hiện nay tới tận đèo Mụ Giạ; trong đó có 28km trùng với tuyến đường 15, đoạn Pheo-Khe Ve.
Cổng Trời.
Cổng Trời.
Năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, cũng là 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi và nhà thơ Mai Nam Thắng có trở lại đường 12A. Chúng tôi đi từ Ba Đồn lên tận Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo, qua hầu hết các “địa chỉ đỏ” trên tuyến đường. Trên đường đi, chúng tôi có ghé xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) thăm nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế.
 
Sau chiến tranh, dù có nhiều vất vả, do chồng mất sớm, nuôi các con trai trưởng thành, thương tật trong người nhưng bà luôn tự hào khi nhớ lại những lần được gặp Bác, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đặc biệt là những năm tháng bà cùng tiểu đội đảm nhiệm bảo đảm giao thông tuyến 12A đoạn từ Khe Tang tới Cổng Trời.
 
Bây giờ thay đổi quá trời. Không chỉ chị em còn sống mà chắc linh hồn những người đã hy sinh vì tuyến đường, đều rất vui”, đôi mắt bà ngân ngấn. Nhà bà cạnh đường, hàng ngày đều được nhìn những chuyến xe hàng hóa từ xuôi lên hay từ Cha Lo về. Nó là biểu hiện của giao thương kinh tế, rộn ràng cả đời sống.
 
Tính ra, đường 12A từ con đường lịch sử đến con đường hội nhập mới được mở rộng, nâng cấp từ năm 2008. Tuy nhiên, do nguồn lực nên phải phân kỳ, chia làm 3 giai đoạn, sau Đại hội X của Đảng mới xong.
 
Năm 2019, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế (KKT) Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ở đây có ba khái niệm “KKT cửa khẩu”, “hành lang kinh tế”, “KKT tế cảng biển”.
 
Tuyến đường 12A qua CKQT Cha Lo đến cảng biển Hòn La dần trở thành đầu mối trung chuyển quan trọng trong khu vực, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế trục từ Đông sang Tây, kết nối KKT Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo với các nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar qua CKQT Cha Lo.
 
Trên con đường hội nhập, bước đầu Quảng Bình đã lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng tại khu trung tâm cửa khẩu, khu vực Bãi Dinh, ngã ba Khe Ve và các điểm dịch vụ dọc Quốc lộ 12A; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn thiện khu trung tâm cửa khẩu, hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan và một số điểm dịch vụ dọc Quốc lộ 12A.
 
Khi tôi và nhà thơ Mai Nam Thắng đến CKQT Cha Lo thì 16 giờ. Nắng chiều đã nhạt, gió ở cửa khẩu mát lành. Trước mắt chúng tôi, nhiều đoàn xe biển số nước bạn Lào chở hàng từ Thái Lan sang. Những chuyến xe giao thương trên con đường xuyên Á mang lại nhiều cảm xúc hội nhập.
 
Năm 1999, nghĩa là sau hơn 30 năm, cựu TNXP, nhà văn Nguyễn Khắc Phê mới được trở lại đường 12A. Ông cũng được đi đến tận điểm CKQT Cha Lo và choáng ngợp vì sự thay đổi. Từ đó đến nay đã bao nhiêu thời gian. Nếu được trở lại, chắc ông sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác...
Ngô Đức Hành

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người! 

Chiến công trên bầu trời Đồng Hới

(QBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cánh chiếc máy bay của giặc Mỹ năm xưa vẫn hiện diện giữa Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình như nhắc nhớ về những chiến công vang dội ngày ấy.