Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những mùa xuân biên giới

  • 08:09 | Thứ Năm, 01/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi viết dòng này khi dư âm của những giai điệu mùa xuân, những ánh mắt, nụ cười ấm áp hãy còn ngân nga trong trái tim và tâm trí. Và có lẽ không chỉ riêng tôi, mà trong đêm biên giới ấy, mọi trái tim đều ngân rung những nhịp đập ngọt ngào bởi một tình yêu thuần khiết, trong trẻo và dài theo năm tháng…
 
"Đêm trên Cha Lo"
 
Lần đầu tiên nghe bài hát "Đêm trên Cha Lo" cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân đến “nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc” vào mùa đông năm 1998 sau hành trình gần hai ngày ròng rã từ TP. Đồng Hới (lúc bấy giờ là thị xã). Chiếc xe GAZ 66 của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đưa chúng tôi vượt qua những chặng đường gian khó, nhất là đoạn bắt đầu từ thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa).
 
Có những đoạn chiếc xe gầm rú, bánh xe quay tít mù và bùn đỏ bắn lên thùng xe, nơi chúng tôi ngồi. Nhiều đoạn khác, thùng xe không còn hành khách vì tất cả đều phải xuống để giảm tải và đẩy xe, chỉ còn những thùng phuy xăng là “khách ưu tiên”. Xuất phát từ 5 giờ sáng, xế chiều, chúng tôi có mặt tại Đồn BP Cà Xèng.
 
Hơn một phần tư thế kỷ đã đi qua, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện những người lính trẻ, trẻ hơn cả những đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chúng tôi lúc bấy giờ. Ở nơi núi rừng xa ngái và hiểm trở, đi lại khó khăn, nhiệm vụ nặng nề, nhiều người trong số họ đã nhiều tháng không gặp gia đình. Họ kết nối với người thân qua những lá thư hoặc lời nhắn nhủ và các món quà đồng đội mang giúp trong những lần nghỉ phép.
 
Khi chuẩn bị bữa cơm đón khách trong cái lạnh se sắt chiều cuối đông, ánh mắt người lính trẻ năm đầu tiên nhập ngũ rưng rưng, cậu bảo: "Năm mô em cũng gói bánh chưng cho mẹ, năm ni mẹ phải tự gói rồi!". Câu chuyện diễn ra ngắn ngủi bởi cậu còn bận rộn cùng những anh nuôi chuẩn bị bữa cơm chiều. Tôi nhìn theo bóng dáng người lính trẻ, thấy một chút ngây thơ của cậu học trò vừa rời ghế nhà trường, một chút nỗi niềm thương nhớ của người con trai gửi về mẹ. Và hơn hết là sự vững chãi, rắn rỏi, cả những đảm đang, vén khéo của người lính biên phòng nơi biên giới nhiều gian khó.
Qua 4 năm đồng hành, chương trình “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản” đã mang lại niềm vui cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên biên giới.
Qua 4 năm đồng hành, chương trình “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản” đã mang lại niềm vui cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên biên giới.
Hôm sau, sau bữa sáng “chắc bụng”, tạm biệt Đồn BP Cà Xèng đầy lưu luyến, chúng tôi đi về phía Cha Lo. Sau quãng đường không dài nhưng rất đỗi gian nan, trong khoảnh khắc, không khí mùa xuân chợt tràn đầy khi đón chúng tôi ở cổng Đồn BP Cha Lo là những ánh mắt nụ cười rạng rỡ của lính BP cùng hai cây đào phai nở rộ trong ánh nắng hiếm hoi ngày cuối đông.
 
Cho đến bây giờ, ký ức về đêm giao lưu văn nghệ đơn sơ giản dị của lính BP và những ĐVTN đến từ Đồng Hới vẫn vẹn nguyên trong tôi. Ngoại trừ đội văn nghệ của BĐBP tỉnh trình diễn các tiết mục với sự chuyên nghiệp thì hầu hết các thành viên đều hát với cả tấm lòng và sự mộc mạc, chân thành. Tôi nhớ mình cũng đã góp vui bằng bài thơ “Hoa sữa” trong sự bối rối và nhận được tràng vỗ tay nhiệt thành của những người lính, đó là lần hiếm hoi tôi đứng trên “sân khấu” với rất nhiều khán giả. Rồi khi bài ca “Đêm trên Cha Lo” được cất lên, dường như tất cả chúng tôi đều lặng đi để rồi sau đó trái tim chợt “bừng sáng lung linh một vì sao”.
 
Từ giây phút ấy, Cha Lo trở nên đặc biệt trong tôi, để sau hơn một phần tư thế kỷ và rất nhiều lần trở lại nơi này, gặp gỡ những người lính và được nghe giai điệu quen thuộc, vùng đất phía Tây quê hương mỗi ngày một thân thuộc hơn. Sau hành trình rất dài, bây giờ đường đến Cha Lo đã gần hơn rất nhiều, từ TP. Đồng Hới lên đây chỉ hơn hai tiếng đồng hồ. Và những người lính trẻ chúng tôi gặp ngày ấy bây giờ đã trưởng thành, nhiều người đã đảm nhận trọng trách lớn, nhưng họ, vẫn mãi mãi như ngày đầu, gắn bó với biên giới, với đồng bào cùng lời thề son sắt “Có chúng tôi đây, vững vàng trên miền Tây!”.
 
Xuân biên phòng
 
Tôi đã may mắn đi hết dải biên giới miền Tây Quảng Bình, đến tất cả các đồn BP cùng nhiều trạm, tổ bảo vệ BP trong những ngày vui và cả những thời khắc gian nan do thiên tai, dịch bệnh. Qua mỗi chuyến đi, được gặp gỡ bà con dân bản, chứng kiến lính BP đi tuần tra, gặt lúa, dạy chữ cho đồng bào, hay giản đơn là trồng rau, nuôi lợn gà để cải thiện bữa ăn, niềm tin và tình yêu cuộc sống trong tôi được làm đầy hơn.
 
Và tôi tin đó cũng là cảm giác của những đồng nghiệp ở Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình qua những hành trình đến miền biên viễn. Đặc biệt, 4 năm qua, họ đã sát cánh cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tạo nên “thương hiệu” “Xuân BP-Ấm lòng dân bản”. Song hành cùng mùa xuân của đất trời, đã có 4 mùa xuân được mang đến cho đồng bào biên giới từ trách nhiệm và tình yêu thương của những người lính BP, sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và cá nhân hảo tâm.
Niềm vui, sự háo hức của đồng bào trong đêm “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản”.
Niềm vui, sự háo hức của đồng bào trong đêm “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản”.

Cùng với “Đêm trên Cha Lo” là những đêm mùa đông lạnh se sắt nhưng tràn đầy sắc xuân ở Trường Sơn (Quảng Ninh), Kim Thủy (Lệ Thủy), Hóa Sơn (Minh Hóa)… Tặng nhà “Đại đoàn kết”, công trình “Ánh sáng vùng biên”, tặng quà cho bà con dân bản; tổ chức “Phiên chợ 0 đồng”, “Bữa cơm cho em”; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; mô hình “Tay kéo BP", lễ hội “Bánh chưng xanh” và các trò chơi dân gian mang bản sắc văn hóa địa phương... là những hoạt động thường niên của các chương trình.

Nhiều nhân vật và những câu chuyện đời thường cảm động của đồng bào và người lính BP đã được kể lại trong những đêm xuân biên phòng không chỉ làm “ấm lòng dân bản” mà còn mang đến niềm hạnh phúc, tin cậy, lan tỏa yêu thương đến mọi người.

4 mùa xuân qua, cùng chung vui với đồng bào, chiến sĩ là các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương. Trao tặng đồng bào những chiếc bánh chưng xanh ủ đầy hơi ấm, nhận những cành đào mùa xuân tươi thắm, cán bộ, đồng bào, chiến sĩ cùng nắm tay nhau hát quanh đống lửa hồng, khung cảnh đẹp tựa bức tranh xuân chan hòa và ấm áp!
 
Khi trên sân khấu ngân vang những lời ca tha thiết của tiết mục cuối cùng: “Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở…” cũng là lúc mọi người bịn rịn chia tay với lời hẹn gặp lại ở xuân biên phòng năm tới. Những đôi mắt đồng bào vừa háo hức, say mê theo dõi từng tiết mục của chương trình, giờ lưu luyến trông theo như muốn níu chân người ở lại!
 
Và chúng tôi, trên hành trình qua bao núi đồi xuôi về thành phố, khi đêm đã rất khuya và người mệt nhoài, nhưng dư âm của những giai điệu mùa xuân và nụ cười hồn hậu của chiến sĩ, đồng bào cùng lời hẹn sẽ gặp lại nhau trong mùa xuân tới cứ vương vấn mãi trong tim!
 
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: "Với mong muốn mang lại những mùa xuân ấm áp cho đồng bào trên tuyến biên giới, 4 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình “Xuân BP-Ấm lòng dân bản”. Nhờ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, của tỉnh, sự chung tay góp sức của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, vai trò đồng hành của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, chương trình đã tạo những dấu ấn đẹp trong lòng cán bộ, nhân dân tỉnh nhà. Qua mỗi mùa xuân, tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào nơi biên giới càng gắn bó hơn, góp phần chung tay xây dựng biên giới vững mạnh, ổn định và phát triển!".

Ghi chép của Ngọc Mai

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người! 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Trên cánh đồng vụ đông-xuân, bầu không khí rộn rã và ngập tràn hương thơm của lúa mới gieo.