Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Rộng mở "đường tàu mùa xuân"!

  • 06:13 | Thứ Ba, 13/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, ngược lên hai huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa để lần theo "dấu tích" của một tuyến đường sắt từng được người Pháp triển khai xây dựng cách đây chừng 100 năm trước. Được chính quyền, người dân chia sẻ về chiến lược xây dựng, phát triển quê hương khi có thêm một tuyến đường sắt mới, dự kiến sắp sửa được khởi công và đưa vào sử dụng trong tương lai không xa, chúng tôi thêm tin tưởng và kỳ vọng...
 
Lần theo dấu tích
 
Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, ngược lên hai huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa để lần theo “dấu tích” của một tuyến đường sắt từng được người Pháp triển khai xây dựng cách đây chừng 100 năm trước. Được chính quyền, người dân chia sẻ về chiến lược xây dựng, phát triển quê hương khi có thêm một tuyến đường sắt mới, dự kiến sắp sửa được khởi công và đưa vào sử dụng trong tương lai không xa, chúng tôi thêm tin tưởng và kỳ vọng...
 
Mãi cho đến tận bây giờ, không ít người vẫn chưa thực sự tin rằng, cách đây chừng một thế kỷ, tại hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa đã từng có một tuyến đường sắt trên cao được xây dựng tương tự cáp treo nhằm vận chuyển hàng hóa, các goòng tàu, nên thường được gọi là “đường sắt trên không” hay “không trung thiết lộ”.
 
Theo cuốn sách “Đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam” (tác giả Frédéric Hulot, Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và “Lịch sử ngành Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình (giai đoạn 1885-1999)”, tuyến đường sắt nói trên được người Pháp tính toán sẽ xây dựng dài 187km, khởi đầu ở ga Tân Ấp (xã Hương Hóa, Tuyên Hóa) đến thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muồn (Lào). Công trình đường sắt này được khởi công xây dựng từ những năm 1929 và đưa vào sử dụng dần dần theo từng đoạn đã hoàn thành.
Dấu tích tuyến đường sắt trên cao ở xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Dấu tích tuyến đường sắt trên cao ở xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Tuy nhiên, trên thực tế, người Pháp chỉ xây dựng được tuyến đường sắt nối từ ga Tân Ấp đi qua ga Thanh Lạng, hầm Thanh Lạng, cầu Trập, hầm Trệng và đến ga Cha Mac (thuộc các xã Thanh Hóa và Lâm Hóa, Tuyên Hóa) được đưa vào khai thác từ ngày 13/9/1933, với khởi điểm 1 toa khách và 2 toa hàng, dài 18km.
 
Kể từ ga Cha Mac, do núi đèo hiểm trở nên người Pháp cho làm thêm một tuyến đường cáp treo trên núi (ngang qua 7 trạm dừng trung gian, gồm: Khe Ve, Cha Mac, Xóm Môn, Bãi Dinh, Pou-Toc-Vou, Mụ Giạ, Banaphao), còn gọi là “không trung thiết lộ” sang đến Lào, dài 42km.
 
Tuyến đường cáp treo này có 2 dây cáp kéo phi 11m/m và dây cáp chở toa xe phi 22m/m, tất cả đều được đỡ bằng những cột tháp kim loại, sức kéo được bảo đảm với các động cơ đi-ê-zen có công suất 45 mã lực và những toa thùng có sức chứa 150L, sức chở 200kg, có thể ghép đôi để chở các thanh kim loại dài không quá 6m. Ở trạm cuối cùng Banaphao, hầu hết hàng hóa của đường sắt chở đến đây đều được vận chuyển bằng đường bộ đến thị xã Thà Khẹt (Lào) rồi tiếp tục chuyển đến các nơi khác…
 
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Hóa Cao Thanh Luyện cho biết: “Thuở nhỏ, bản thân tôi từng được nghe những người lớn trong làng kể rằng, mục đích của thực dân Pháp khi xây dựng tuyến đường sắt này là nhằm vơ vét, khai thác tài nguyên của thuộc địa. Để xây dựng tuyến đường sắt, Pháp đã thực hiện chế độ bóc lột rất hà khắc, bắt nhân dân phải đi làm phu phen trong điều kiện vô cùng khổ cực, nguy hiểm. Vì thế, số người chết trong quá trình xây dựng, vận hành tuyến đường sắt này nhiều vô kể. Hiện nay, dấu tích tuyến đường sắt trên cao vẫn còn ở xã Thanh Hóa, gồm hai trụ và một mố cầu Sập, hầm Thanh Lạng, hầm Trệng; dấu tích tại địa phận xã Lâm Hóa hiện có, các trụ đỡ gần cầu Ka Tang, những mảng bê tông và giếng nước ở khu vực ga Cha Mac… Chính những dấu tích này, sẽ góp phần giáo dục, nhắc nhở hậu thế không được quên về một thời lịch sử mà cha ông đã từng bị đày ải làm phu phen, từng đánh đổi bằng xương máu để giải phóng dân tộc”.
 
Hầm Thanh Lạng ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).
Hầm Thanh Lạng ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).

Kỳ vọng về "đường tàu mùa xuân" 

Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1769/QĐ-TTg về việc quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó chấp thuận phê duyệt tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam-Lào (đèo Mụ Giạ), với đường đơn, khổ 1.435mm, chiều dài khoảng 103km, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Như vậy, kỳ vọng về tuyến “đường tàu mùa xuân” ngang qua địa bàn hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa là có cơ sở, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-du lịch, quốc phòng-an ninh của các địa phương này.
 
Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam cho hay, hiện nay, các xã vùng cao phía Tây của huyện Tuyên Hóa có khá nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, như: Hang Lèn Hà, cầu Ka Tang, di tích Bãi Đức, trận địa pháo Bắc Ka Tang… Ngoài ra, khu vực này còn có thêm một số danh thắng, nhất là hệ thống hang động vừa được phát hiện trên địa bàn xã Lâm Hóa tuyệt đẹp.
 
Đặc biệt, tại khu vực này có những làng bản của người Mã Liềng rất đặc trưng, giàu bản sắc. Trong tương lai, khi dự án đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ được khởi công và đưa vào sử dụng, đây sẽ là những địa điểm về du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng rất hấp dẫn của huyện Tuyên Hóa đối với du khách thập phương…
"Được sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất này, từ thuở nhỏ, bản thân tôi đã chứng kiến tuyến đường sắt này hoạt động cho tới thời điểm sau năm 1975 thì… "xóa sổ". Thời điểm còn học cấp 2, tôi thường đi tàu trên tuyến đường sắt này để về tới cầu Đò Vàng (xã Kim Hóa, Tuyên Hóa), rồi tiếp tục đi bộ đến thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) theo học chữ. Hồi đó, các chuyến tàu mà tôi từng đi đều chạy bằng than đá, hơi nước, khá chậm chạp...", cụ Lê Viết Lộc (86 tuổi), ở thôn 1 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) tâm sự.

Được biết, với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thời gian qua, các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa luôn tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai khảo sát, đánh giá để xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch của địa phương mình. Trên cơ sở đó, 2 huyện đã từng bước lồng ghép xúc tiến du lịch với xúc tiến đầu tư, thương mại trong các hoạt động xúc tiến của tỉnh; chú trọng mời gọi đầu tư hệ thống hạ tầng để khai thác hiệu quả các điểm, tour, tuyến mới quy hoạch về du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch nhằm huy động tối đa sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

“Trong tương lai, khi tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ được khởi công và đưa vào sử dụng, huyện Minh Hóa sẽ tận dụng tối đa lợi thế này để tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch về lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng, hang động, mạo hiểm hiện có của địa phương. Huyện sẽ tập trung khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế này và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương về hình ảnh quê hương, con người Minh Hóa mến thương…”, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh. 
Văn Minh

 

tin liên quan

Đường xuân khát vọng

(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong của Ban Xây dựng 67, một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Trên cánh đồng vụ đông-xuân, bầu không khí rộn rã và ngập tràn hương thơm của lúa mới gieo.

Chiến công trên bầu trời Đồng Hới

(QBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cánh chiếc máy bay của giặc Mỹ năm xưa vẫn hiện diện giữa Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình như nhắc nhớ về những chiến công vang dội ngày ấy.