Để người dân vươn lên làm giàu

  • 07:32 | Thứ Sáu, 29/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) đã giúp nhiều hộ dân có cơ hội đầu tư, mở rộng phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Từ các mô hình này, người dân có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương.
 
Với mong muốn nâng cao kinh tế cho gia đình, năm 2020, chị Trần Thị Hoa, xã Phù Hóa (Quảng Trạch) cùng chồng tìm hiểu các mô hình nuôi tôm trên địa bàn xã. Chị Hoa cho biết, thời điểm đó, vợ chồng chị đang làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng, tuy nhiên, công việc không thuận lợi nên muốn chuyển nghề. Thấy nhiều hộ trên địa bàn xã có nuôi tôm nên vợ chồng chị cũng muốn học hỏi để thử sức.
 
Tham quan tìm hiểu, vợ chồng chị thấy hầu hết các hộ nuôi theo mô hình truyền thống nên tiềm ẩn rủi ro cao, tôm dễ bị bệnh. Qua internet và sách báo, vợ chồng chị tính đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao bởi mô hình này không chỉ hạn chế được bệnh cho tôm mà còn mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế. Vậy nhưng, để xây dựng được mô hình này cần có nguồn vốn lớn, trong khi số vốn trong tay của vợ chồng chị quá ít. 
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang về thu nhập khá cho gia đình chị Trần Thị Hoa.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang về thu nhập khá cho gia đình chị Trần Thị Hoa.
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phù Hóa giới thiệu gói vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị Hoa đã mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ gói vay GQVL. Cùng với số vốn vay mượn thêm của người thân, vợ chồng chị bắt tay đầu tư xây dựng 6 hồ nuôi theo mô hình công nghệ cao, mỗi hồ có diện tích từ 200-250m2.
 
“Nuôi tôm dễ nhưng cũng rất khó. Nếu không bảo đảm quy trình nuôi và chăm sóc thì tôm rất dễ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, gia đình tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt 3 yếu tố là tôm giống phải sạch bệnh, đáy ao và nguồn nước dẫn vào ao nuôi phải xử lý sạch”, chị Trần Thị Hoa chia sẻ. Hiện tại, gia đình chị vẫn đang duy trì nuôi xen kẽ 6 hồ. Nhờ thực hiện nghiêm quy trình nuôi nên các vụ tôm đều cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã cho gia đình chị lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
 
Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi GQVL từ NHCSXH, gia đình chị Lê Thị Tằm, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) đã xây dựng được thương hiệu bánh lọc Tùng Tằm.
 
Chị Tằm cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chị phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên khá chật vật. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, những lúc nông nhàn, gia đình chị làm thêm bánh bột lọc để bán. Chất lượng bảo đảm, ngon nên dần dần, bánh của gia đình chị được nhiều người biết đến. Được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ gói vay GQVL, chị đã đầu tư mua máy nhồi bột, máy cắt thịt để phục vụ làm bánh.
 
Chương trình vay vốn GQVL đã phát huy hiệu quả khi không chỉ tạo việc làm ổn định mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện, toàn tỉnh có 16.062 khách hàng được vay vốn GQVL, với dư nợ đạt 832,7 tỷ đồng.

“Nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên bánh làm ra nhanh hơn, chất lượng bánh cũng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hơn nên được nhiều người ưa chuộng. Bánh không chỉ tiêu thụ trong địa bàn xã, huyện mà còn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2023, cơ sở sản xuất bánh lọc mang về lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Vừa qua, được sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, bánh lọc Tùng Tằm đã đăng ký thương hiệu, phấn đấu xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương”, chị Lê Thị Tằm cho hay.

Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, hiện, cơ sở sản xuất bánh lọc của chị cũng đang giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
 
Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Xác định chương trình vay GQVL là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, NHCSXH đã tập trung giải ngân và tạo điều kiện để người dân được tiếp cận gói vay nhanh chóng, kịp thời. Nhờ đó, đã hỗ trợ đắc lực cho các hộ vay duy trì, phát triển đa ngành nghề và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Để nguồn vốn vay GQVL phát huy hiệu quả, hướng tới mục tiêu mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động, thời gian tới, NHCSXH sẽ phối hợp với tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định cho vay, bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đ.N

tin liên quan

Quy định mới về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân áp dụng từ 15/5

Từ 15/5, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất (quy định cũ 6 tháng).

Đại hội thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Chiều 28/3, tại TP. Đồng Hới diễn ra Đại hội thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2024-2029. 

Khi công nghiệp về làng

(QBĐT) - Vốn là những vùng quê thuần nông, nhưng từ lúc có khu công nghiệp ra đời, người dân ở các địa phương này được hưởng lợi bởi có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều người "bôn ba xứ người" nay cũng trở về quê hương và vào làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy. Cuộc sống họ đang được cải thiện ngay trên chính quê hương mình.