"Làn gió" mới từ OCOP

  • 07:45 | Thứ Hai, 25/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiệu quả từ thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Lệ Thủy thời gian qua được đánh giá khá rõ nét, qua đó, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao sản phẩm chủ lực của địa phương, đem lại doanh thu cao cho nhiều sản phẩm OCOP; đặc biệt, địa phương đã tập trung chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ sản phẩm…
 
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn (thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy) được thành lập năm 2020. Từ chỗ chỉ sản xuất tinh bột theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đến nay, HTX đã phát triển về quy mô, mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, như: Tinh bột nghệ, sắn dây, nghệ viên mật ong, sắn dây chanh leo, tinh nghệ đen, viên nghệ đen tẩm mật ong, bánh xoài sắn dây… được người tiêu dùng ưa chuộng và thị trường đánh giá cao.
 
Bà Dương Thị Hiền, Giám đốc HTX cho biết, khi mới bắt vào sản xuất, HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu. Để có nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, hàng ngày, các thành viên của HTX phải rong ruổi trên khắp các xã, thị trấn trong huyện và tỉnh Quảng Trị để thu mua nguyên liệu. Khi quy mô được mở rộng, HTX đã thực hiện quy trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với các bước, như: Hỗ trợ giống, ký cam kết thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Sản xuất gạo sạch tại HTX Xay xát chế biến lúa gạo Nga Hoàng.
Sản xuất gạo sạch tại HTX Xay xát chế biến lúa gạo Nga Hoàng.
“Năm 2023, HTX liên kết với người dân tại các xã Mai Thủy, Kim Thủy trồng gần 2ha nghệ để phục vụ sản xuất và chế biến tinh bột nghệ. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua khoảng 30 tấn củ nghệ, củ mì tinh và 30 tấn củ nghệ đen, gừng, sắn dây. Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, cho lãi hơn 250 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng…”, bà Dương Thị Hiền chia sẻ.
 
Để tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, ngoài thực hiện qua các kênh trực tiếp, như: Zalo, facebook, hội chợ thương mại, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở các địa phương trong tỉnh. HTX đã tiến hành xây dựng một điểm bán hàng, trưng bày sản phẩm OCOP khá khang trang, hiện đại tại thôn Xuân Lai. Ở đây, ngoài trưng bày, mua bán các sản phẩm của HTX, đơn vị còn trưng bày, bán các sản phẩm OCOP của nhiều HTX ở huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, qua đó, giúp kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm.
 
“HTX chúng tôi hiện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao là tinh bột mì tinh, sắn dây và 1 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 4 sao là viên tinh bột nghệ. Để việc thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao hơn nữa, HTX mong muốn có sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương…”, bà Dương Thị Hiền cho hay.
 
Sản phẩm gạo sạch của HTX Xay xát chế biến lúa gạo Nga Hoàng (thôn Đại Phong, xã Phong Thủy) được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2022. Thương hiệu gạo sạch Nga Hoàng được đông đảo người tiêu dùng, thị trường đón nhận, bởi cơ sở đã thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc HTX cho biết, HTX đặc biệt chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn từ nguyên liệu đến thành phẩm. Quy trình sản xuất lúa phải thực hiện theo kỹ thuật canh tác cải tiến, không dùng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời chú trọng đến việc đóng gói, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 31 sản phẩm OCOP, trong đó, có 23 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, 8 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã có thương hiệu và được người tiêu dùng đánh giá cao, như: Dầu gội thảo mộc Hương Xưa; tinh bột nghệ Hiền Thuấn; hương trầm Hưng Phát; tinh bột nghệ đỏ Vân Di; tiêu hạt sấy lạnh, tổ yến chưng đường phèn, tổ yến tinh chế, ếch ăn liền Ngư Nam…

“Mỗi năm, cứ đến vụ mùa, cơ sở tiến hành thu mua hàng trăm tấn lúa tươi, lúa khô của bà con nông dân trên địa bàn huyện để sản xuất gạo sạch Nga Hoàng. Trung bình mỗi năm, cơ sở có lãi trên 500 triệu đồng; đồng thời giải quyết việc làm cho 25 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch đã góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các thành viên và hộ tham gia. Gạo sạch Nga Hoàng hiện đã có mặt tại một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh…”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, cùng với việc đầu tư, xây dựng những sản phẩm OCOP thế mạnh, có tính cạnh tranh cao, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.  Đây được coi là giải pháp quan trọng để tạo đầu ra bền vững cho nông sản hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP của địa phương nói riêng.
 
Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến, góp phần tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc cho nông sản, tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân…
 
“Khó khăn lớn nhất của địa phương trong thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, đó là: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; vùng nguyên liệu chưa được phong phú; chính sách hỗ trợ cho các HTX, cơ sở còn thiếu…”, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết thêm.
Ngọc Hải

tin liên quan

Truyền thông bảo vệ rừng, động vật hoang dã và môi trường

(QBĐT) - Ngày 24/3, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế và UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh) tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng, động vật hoang dã và môi trường tại các bản Trung Sơn, Cây Cà, Cổ Tràng thuộc xã Trường Sơn.

Tiết kiệm nước-thích ứng với biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Ứng dụng công nghệ phun, tưới nhỏ giọt của Israel trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, người nông dân sẽ tiết kiệm được nguồn nước, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...  

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.