Nâng cao chất lượng thủy sản nhờ hầm công nghệ CPF

  • 08:03 | Thứ Tư, 20/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giảm hao hụt đá lạnh, kéo dài thời gian khai thác, chất lượng thủy sản nâng cao… đó là những ưu điểm của hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF (Composite-Polyurethane Foam) do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh thực hiện nhằm giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, tăng lợi nhuận.
 
Quảng Bình hiện có hơn 3.600 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó có 1.168 tàu từ 15m trở lên hoạt động đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng phát triển nghề khai thác hải sản đầu tư chưa đồng bộ, xuống cấp, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chưa nhiều và ngư dân chưa chú trọng khâu bảo quản nên dẫn đến thất thoát sản phẩm, chất lượng chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm, giảm lợi nhuận sau đánh bắt.
 
Nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản sản phẩm sau khai thác và khắc phục được những nhược điểm đối với phương thức bảo quản thông thường bằng xốp, năm 2023, Trung tâm KN-KN tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ CPF trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ.
Ảnh minh họa.
Trung tâm KN-KN tỉnh giám sát việc thi công hầm bảo quản bằng công nghệ CPF.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: Hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF sử dụng vật liệu PU. Đây là loại vật liệu có hệ số truyền nhiệt thấp hơn so với các vật liệu truyền thống như xốp mịn, tấm mút, cùng với đó là khó bắt lửa; có cấu tạo bọt xốp nhỏ, kín, nhẹ và cường độ chịu nén cao, ít thấm nước; có độ bám mạnh vào các vật liệu khác như kim loại, gỗ, thủy tinh. Khi thi công, hầm bảo quản được phun vật liệu PU trực tiếp vào từng vị trí nên đáp ứng được mọi hình dạng, hạn chế được lỗ rỗng trong các mối nối, tạo được kết cấu vững chắc cho tàu cá. Ngoài ra, việc thi công dễ dàng và thời gian thi công được rút ngắn’’.

Thực hiện mô hình, trung tâm đã chọn hộ ông Trần Văn Đại, thôn Trung Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) là chủ tàu QB-92792-TS tham gia thực hiện mô hình, trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí vật liệu thi công hầm, ngư dân đối ứng 50% kinh phí còn lại. Sau khi hoàn tất hầm bảo quản sản phẩm hải sản sau khai thác, đến nay, thuyền ông Đại đã đi được 8 chuyến biển, mỗi chuyến kéo dài từ 15-22 ngày đêm, sản lượng thu được 7-10 tấn/chuyến, doanh thu từ 250-300 triệu đồng/chuyến, lãi hơn 100 triệu đồng/chuyến.

Ông Trần Văn Đại cho biết: Tàu của gia đình ông có công suất hơn 700CV, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và vùng khơi miền Trung. Qua thực tế sử dụng hầm bảo quản bằng công nghệ CPF, tôi thấy hầm bảo quản bằng công nghệ này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với hầm bảo quản lạnh bằng xốp thông thường, như: Tiết kiệm được gần 50% lượng đá hao hụt, bảo quản, làm tăng chất lượng sản phẩm thủy sản lên 30% sau khai thác, không làm cho cá bị trầy, có thể làm nhiều ngăn để phân chia các loại hải sản… Với công nghệ mới này, chúng tôi có thể tăng thời gian bám biển, tăng hiệu quả kinh tế so với trước đây.
 
Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền để ngư dân tiếp cận được các quy trình công nghệ CPF và những lợi ích của công nghệ này để đưa vào sản xuất thực tiễn”, Giám đốc Trung tâm KN-KN Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Để nhân rộng mô hình, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho 35 ngư dân về kỹ thuật bảo quản sản phẩm trước khi xây dựng mô hình hầm bảo quản bằng công nghệ CPF, giúp họ nắm bắt được tác dụng của hầm...

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch Trương Quang An cho hay, mô hình triển khai tại địa phương đã cho thấy hiệu quả cao, nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho ngư dân. Tuy nhiên, công nghệ này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn (từ 150-300 triệu đồng) mới có thể cải hoán được công nghệ bảo quản, nên hiện trên địa bàn mới chỉ có khoảng 10 tàu ứng dụng công nghệ này. Địa phương mong muốn trong thời gian tới, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ và nhân rộng thêm mô hình để ngư dân cải hoán công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm bán được giá, nâng cao thu nhập.

Theo ông Trần Thanh Hải, phương pháp bảo quản mới bằng công nghệ CPF có tính năng giữ nhiệt tốt, tăng thời gian bảo quản sản phẩm trên tàu, nâng cao chất lượng hải sản đánh bắt được của đội tàu khai thác hải sản xa bờ; góp phần đẩy mạnh nghề khai thác hải sản, tăng thời gian bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, thời gian tới các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nhân rộng mô hình nhiều hơn nữa trên địa bàn toàn tỉnh.
 Thanh Hoa

tin liên quan

Khó khăn đường về đích nông thôn mới - Bài 2: "Chiếc áo" rộng

(QBĐT) - Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều xã có tiềm năng được các địa phương lựa chọn để xây dựng NTM nâng cao. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí tăng về nội dung, chất lượng và yêu cầu cao trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu khiến hành trình đạt chuẩn của các xã càng thêm gian nan. 

Cải xoong Phong Hóa

(QBĐB) - Từ xa xưa, người dân xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) đã biết đến một con suối đặc biệt, chứa loài rau mọc tự nhiên quý hiếm, cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trong vùng. Những năm gần đây, một số hộ dân mở rộng diện tích trồng loại rau này, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Đến hết ngày 31/3, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử sẽ bị xử lý

Ngày 18/3, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.