Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cải xoong Phong Hóa

  • 12:12 | Thứ Ba, 19/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
 
(QBĐB) - Từ xa xưa, người dân xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) đã biết đến một con suối đặc biệt, chứa loài rau mọc tự nhiên quý hiếm, cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trong vùng. Những năm gần đây, một số hộ dân mở rộng diện tích trồng loại rau này, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
 
Suối cải xoong
 
Cải xoong (hay còn gọi là xà lách xoong) hiện được người dân ở nhiều địa phương canh tác và cung cấp ra thị trường làm thực phẩm. Tuy nhiên, thứ cải xoong có nguồn gốc tự nhiên, thơm, giòn đặc trưng như ở xã Phong Hóa thì không phải đâu cũng có.
 
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Phong Hóa, chúng tôi tìm đến thôn Sảo Phong, nơi được biết đến có nguồn cải xoong duy nhất ở huyện Tuyên Hóa. Thôn Sảo Phong nằm ở bờ Nam sông Gianh, đoạn có đường sắt Bắc-Nam tiếp giáp với hang Minh Cầm, gần phía ga Lạc Sơn (thuộc địa phận xã Châu Hóa). Được một số người dân dẫn đường, chúng tôi đi ngược lên phía triền núi chừng 200m thì gặp một con suối nhỏ, nước chảy róc rách mát lạnh. Người dân cho biết đây chính là suối cải xoong, nguồn thực phẩm sạch của thôn.
Một vị trí ở thôn Sảo Phong có nước mạch tự nhiên được người dân sử dụng để trồng cải xoong và đào ao nuôi cá.
Một vị trí ở thôn Sảo Phong có nước mạch tự nhiên được người dân sử dụng để trồng cải xoong và đào ao nuôi cá.
Chúng tôi tiếp tục hướng về đầu nguồn con suối, qua những bậc đá gập ghềnh đến một đoạn suối tương đối bằng phẳng, những đám cải xoong xanh mướt chen giữa các phiến đá lớn, nhỏ bắt đầu hiện ra. Dọc theo dòng suối khoảng vài trăm mét, người dân sử dụng đất, đá ngăn lại thành nhiều khoảng ruộng có hình dạng khác nhau. Ở đó, rau cải xoong mọc thành từng đám xanh rì, non mơn mởn, nguồn nước trong veo, mát lạnh tuôn trào từ trong các khe đá.
 
Người dân cho biết, nay đã gần cuối vụ, những ruộng rau phía ngoài làng đã trở nên già cỗi, sắp tàn. Thế nhưng ở đầu con suối này, do nguồn nước và khí hậu mát mẻ nên cây cải xoong vẫn phát triển tốt. Đây cũng là nơi sẽ lưu giữ giống rau quý này cho những vụ sau.
Con suối chứa nguồn cải xoong tự nhiên ở thôn Sảo Phong có tên là suối Đồng Lèn. Nơi đây có nguồn nước mát chảy quanh năm, lòng suối có đất sình pha cát xen lẫn giữa những phiến đá, là môi trường lý tưởng để loại rau thủy sinh này phát triển.
 
Theo người dân địa phương, rau cải xoong ở Phong Hóa có nguồn gốc từ lâu đời. Trước đây, do người Pháp mang đến trồng ở suối Rau, gần hầm đường sắt Minh Cầm để làm thực phẩm (thực dân Pháp trước đây xây đồn đóng quân ở thôn Minh Cầm Nội, xã Phong Hóa), về sau người dân đưa giống về suối Đồng Lèn trồng và tồn tại đến ngày nay. Điều lạ lùng là ngoài suối Rau, suối Đồng Lèn và một vị trí khác ở thôn Sảo Phong, người dân cũng đưa giống cải xoong đi trồng ở nhiều nơi nhưng không nơi nào phát triển được.
Vợ chồng ông Nguyễn Anh Dung thu hoạch cải xoong.
Vợ chồng ông Nguyễn Anh Dũng thu hoạch cải xoong.
“Thứ quyết định ở đây là do nguồn nước, chỉ có nguồn nước nơi đây mới phù hợp với cải xoong”, ông Nguyễn Ngọc Thương, thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa khẳng định.
 
Ông Thương cho biết thêm: Cây cải xoong có mặt ở suối Đồng Lèn từ rất lâu rồi. Trước đây, cứ đến mùa là người dân lại chia nhau từng đoạn lòng suối, quây bờ làm đất cho thật nhuyễn rồi hái những cây rau còn tồn lưu bên bờ suối dặm dần ra tạo thành nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Hiện nay, một số hộ có đất ruộng ở gần suối Đồng Lèn đã dẫn nước về để đào ao thả cá và mở rộng diện tích cải xoong bán ra thị trường.
 
Thu nhập tiền triệu từ cải xoong
 
Xuôi theo dòng suối để trở về, chúng tôi tình cờ gặp chị Hồ Thị Lý đang hái rau cải xoong ở đầu làng. Cũng tại đây, nguồn nước suối Đồng Lèn được người dân ngăn lại rồi làm mương dẫn sang một hướng khác phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt. Gia đình chị Hồ Thị Lý là một trong những hộ có diện tích trồng cải xoong lớn nhất vùng với hơn 500m2. Do nguồn nước không lớn nên chị Lý cũng như các hộ dân khác chỉ chọn những khoảng ruộng nhỏ, dọc theo mương dẫn nước để trồng rau. 
Chị Hồ Thị Lý đang hái cải xoong trên đám ruộng của gia đình.
Chị Hồ Thị Lý đang hái cải xoong trên đám ruộng của gia đình.
Chị Hồ Thị Lý cho biết: Cây cải xoong có đặc điểm rất kén nước, nguồn nước phải bảo đảm sạch, mát mẻ vào mùa hè và ấm vào mùa đông, không bị nhiễm bẩn thì rau mới phát triển được. Thời điểm trồng cải xoong bắt đầu từ khoảng tháng 9 cho đến tháng 3 năm sau. Thời tiết càng mưa rét thì cải xoong càng phát triển.
 
Chị Lý cũng cho biết, để trồng cải xoong trước hết phải chọn những mảnh đất phù hợp, có độ ẩm cao và có thể dẫn nước từ suối về. Sau đó làm đất thật nhuyễn rồi đưa cây giống (cải xoong được nhân giống bằng thân, cành lấy từ suối Đồng Lèn) về rải trên mặt ruộng, tiếp đó cho nước vào là cây tự bén rễ và phát triển. Đầu vụ, mỗi hộ chỉ trồng một khoảng nhỏ sau đó nhân dần lên tùy nhu cầu và diện tích của mỗi gia đình.
 
Gia đình chị Lý có hơn 10 năm trồng rau cải xoong, mỗi vụ rau chị thu về vài chục triệu đồng. Cứ mỗi tuần chị Lý cắt bán khoảng 70-100 mớ rau, mỗi mớ giao bán từ 10-15.000 đồng, tính ra mỗi tháng chị cũng thu được từ 3-5 triệu đồng. Chị Lý cho biết, trước đây chị cũng chỉ trồng rau phục vụ gia đình nhưng hiện nay nhu cầu thị trường cần đến, nhiều người biết đến nguồn rau sạch tại Phong Hóa và đặt hàng mua nên gia đình chị đã mở rộng diện tích. Hiện tại, gia đình chị chủ yếu gửi rau vào bán cho các mối và người quen ở TP. Đồng Hới.
 
Theo Đông y, cải xoong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau thanh phế quản. Cải xoong không những được dùng làm thức ăn mà còn được dùng làm thuốc chữa ho, viêm phế quản, có tác dụng thanh nhiệt cho phổi và dạ dày, tốt cho người bệnh tiểu đường và một số bệnh ngoài da. Chính vì vậy, việc đưa cải xoong vào thức đơn bữa ăn hàng ngày là sự lựa chọn của nhiều người nội trợ. Tuy nhiên, cải xoong có nguồn gốc tự nhiên như ở thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa rất hiếm nên không phải ai, khi nào cũng có thể mua được.

Cách nhà chị Hồ Thị Lý khoảng 200m, gia đình ông Nguyễn Anh Dũng cũng thường xuyên trồng rau cải xoong để bán. Hiện gia đình ông trồng khoảng 200m2, mỗi vụ rau cải xoong cho thu nhật từ 10-15 triệu đồng.

Ông Dũng tâm sự: “Trồng cải xoong không mất công chăm sóc. Chỉ có làm đất ban đầu sau đó xuống giống và tạo nguồn nước chảy thường xuyên là cây rau cứ thế phát triển. “Rau chúng tôi trồng không hề bón một thứ phân gì, vì bón phân rau sẽ hư, chúng chỉ sống bằng phù du và dưỡng chất có tự nhiên trong nguồn nước”, ông Dũng cho biết thêm.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hóa Phạm Thanh Hoàn chia sẻ: “Cải xoong là loài rau rất kén đất, ở xã Phong Hóa chỉ có thôn Sảo Phong là trồng được. Ở đây thừa hưởng nguồn nước suối và nước mạch tự nhiên trong mát, vùng đất trồng cải xoong có dạng sình nhưng không nhiễm phèn. Rau hợp nước sạch nhưng nguồn nước trồng phải thông chảy thường xuyên, không tù đọng thì mới phát triển được. Rau cải xoong ở Sảo Phong có màu xanh nhạt, mùi thơm và giòn hơn so với các nơi khác. Hiện nay, toàn thôn Sảo Phong có khoảng 15 hộ trồng rau cải xoong để sử dụng và bán ra thị trường, thu nhập tăng đáng kể. Tuy nhiên, diện tích trồng cải xoong toàn thôn chỉ trên 3.000m2 nên lượng rau cung cấp ra thị trường không đáng kể. Hội Nông dân xã khuyến khích các hộ dân có đất phù hợp tiếp tục mở rộng diện tích, duy trì và phát triển loại rau quý này”.
Văn Trần

tin liên quan

Đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại

(QBĐT) - Một tour du lịch hơn cả một trải nghiệm khi ở đó, những cựu chiến binh (CCB) đã từng đi qua khói lửa chiến tranh như được tìm về với ký ức, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã khuất. Tour du lịch này còn được kỳ vọng sẽ góp phần "đánh thức" một vùng biên cương vốn heo hút, khó nghèo.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Quảng Bình sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, là nơi ước đến, chốn mong về.

Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

(QBĐT) - Việc khai thác quá mức, bất hợp pháp dẫn đến sự suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên biển cũng như vùng nước nội đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác, chế biến thủy sản (TS) và đời sống ngư dân.