Quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế

  • 13:30 | Thứ Hai, 18/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, cùng với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, ngành Thuế tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế.
 
Nhiều giải pháp thu hồi nợ
 
Để thực hiện tốt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đã tham mưu, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh và phối hợp với các ngành trong việc thu hồi nợ đọng thuế (NĐT); lập kế hoạch và giao chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị trong ngành, gắn trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo các phòng, chi cục Thuế và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế để tổ chức triển khai thực hiện. Hàng tháng, ngành Thuế đã thực hiện công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp (DN) đang còn nợ thuế, nhất là đối với các DN dây dưa, chây ỳ. Trong năm 2023, ngành Thuế đã thực hiện công khai 1.327 lượt người nộp thuế (NNT) với tổng số tiền thuế nợ 8.512 tỷ đồng.
 
Ngành Thuế tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành có liên quan tăng cường thu NĐT đối với hoạt động khai thác khoáng sản và thuê đất trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách, xử lý và thu hồi NĐT; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo, đoàn chống thất thu trên các địa bàn; rà soát, phân loại nợ theo đúng đối tượng xử lý nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ... bảo đảm chính xác, đúng đối tượng. 
Thị trường bất động sản “đóng băng” khiến công tác thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Thị trường bất động sản “đóng băng” khiến công tác thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu NĐT qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu nợ qua việc thẩm định hồ sơ dự án và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 
Hàng tháng, ngành Thuế ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp tiền thuế gửi đến từng DN nợ thuế. Năm 2023, toàn ngành đã ban hành 301.004 lượt thông báo để đôn đốc thu nợ thuế, ban hành 1.002 quyết định cưỡng chế thuế.
 
Nợ thuế còn ở mức cao
 
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 31/12/2023, tổng nợ thuế toàn tỉnh là 1.118,9 tỷ đồng, tăng 108,9 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, nợ khó thu (không có khả năng thu) là 82,4 tỷ đồng và nợ có khả năng thu là 1.036,5 tỷ đồng.
 
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ngô Văn Thuận cho biết, nguyên nhân dẫn đến NĐT là do nhiều DN gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD), thu hồi công nợ, khả năng thanh toán thấp dẫn đến nợ thuế, như: Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco I là 75,3 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình 37 tỷ đồng, Công ty TNHH Việt Hà 9,1 tỷ đồng... Một số DN đầu tư vào lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản, khu nghỉ dưỡng chậm triển khai làm phát sinh khoản nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp, như: Công ty CP bột đá chất lượng cao Linh Thành 133,1 tỷ đồng, Công ty CP Cosevco 6 trên 17 tỷ đồng, Công ty CP du lịch Sài Gòn Quảng Bình 12,3 tỷ đồng...
 
Nhiều DN có số nợ lớn về thuế bảo vệ môi trường, như: Công ty TNHH sản xuất-thương mại Hưng Phát 31,6 tỷ đồng, Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm 6 tỷ đồng. Số NĐT tăng do nhiều DN phát sinh số nợ lớn trong năm về tiền thuê mặt đất thu một lần cho cả thời gian thuê, như: Công ty CP tập đoàn FLC 277,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Sơn Hải Riverside 53,7 tỷ đồng, Công ty CP Việt Group Central 21,7 tỷ đồng… Đặc biệt, năm 2023 có phát sinh tiền sử dụng đất của Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến 64,6 tỷ đồng.
 
Quyết liệt giảm nợ thuế
 
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ngô Văn Thuận, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, song song với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, ngành Thuế tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu hồi NĐT, không để phát sinh nợ mới theo đúng quy định; thực hiện rà soát tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2024 cho từng Chi cục Thuế, từng phòng. Các chi cục thuế, các phòng thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đội thuế, từng công chức thuế, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, bảo đảm đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra; thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để có giải pháp đôn đốc thu nợ; tổ chức các đoàn công tác địa phương kiểm tra công tác quản lý nợ, đôn đốc xử lý NĐT tại một số DN có nợ thuế lớn.
 
Tính đến hết tháng 12/2023, bằng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đã thu được 611 tỷ đồng (thu bằng biện pháp quản lý nợ là 538 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 73 tỷ đồng); trong đó, thu nợ năm 2022 chuyển qua 206,5 tỷ đồng.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong việc thu hồi NĐT, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tích cực tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho NNT để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tự nguyện, tự giác của NNT trong việc thực hiện các quy định nộp thuế; phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước thực hiện thu tiền nợ thuế và khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật khi nhà nước đẩy mạnh thanh toán vốn đầu tư công theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tập trung rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra;... nhằm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản và thu khác vào NSNN.

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tích cực phối hợp với các ngành thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới, kích cầu và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh SXKD, nhất là các DN sản xuất có quy mô lớn nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Lan Chi

tin liên quan

Khó khăn đường về đích nông thôn mới - Bài 1: Xuất phát điểm thấp

(QBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, nhiều địa phương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để cố gắng về đích NTM, NTM nâng cao. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí huy động xây dựng NTM hạn chế nên không ít xã phải nhiều lần gia hạn và "lỡ hẹn" với NTM, NTM nâng cao.

Quảng Bình tham gia chuỗi hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2024

(QBĐT) - Tối 16/3, tại tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia-Điện Biên, lễ hội Hoa Ban 2024.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

(QBĐT) - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Từ ngày 15-17/3, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.