Chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông-xuân

  • 10:57 | Thứ Ba, 12/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Quảng Ninh gieo trồng 5.200ha lúa, 200ha ngô, 100ha khoai lang, 290ha lạc, 360ha sắn... Những ngày này, nông dân huyện Quảng Ninh ra đồng làm cỏ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
 
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị Nguyễn Thị Thao, thôn Nam Cổ Hiền, xã Hiền Ninh ra đồng làm cỏ, chăm sóc những luống ngô của gia đình. Chị Thao cho biết, từ ra Tết đến nay, ngày nào chị cũng ra đồng làm cỏ cho vườn ngô và các loại rau màu. Ngoài trồng lúa, gia đình chị còn làm thêm 5 sào ngô và các loại rau màu khác như ớt, mướp đắng… Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, diện tích ngô và rau màu của gia đình chị phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn những năm trước.
 
Trên cánh đồng thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, người dân đang tập trung ra đồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Bà Phan Thị Thu, thôn Tả Phan cho biết, vụ đông-xuân này bà làm 5 sào lúa P6. Hiện tại, cây lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng, đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, chuột phá hại nếu không kịp thời thăm đồng để phòng trừ sẽ ảnh hưởng đến năng suất vào cuối vụ. 
Nông dân chăm sóc lúa vụ đông-xuân.
Nông dân chăm sóc lúa vụ đông-xuân.
Để bảo đảm năng suất, sản lượng vụ đông-xuân, các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các đơn vị chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân tập trung chăm sóc cây lúa, điều tiết nước hợp lý, phù hợp với sự sinh trưởng phát triển, bón phân kết hợp làm cỏ, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, sớm phát hiện, xử lý kịp thời khi có sâu bệnh gây hại bảo đảm năng suất cây trồng.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Lê Hoài Vũ cho biết, vụ đông-xuân 2023-2024, xã gieo trồng 270ha lúa. Hiện tại, diện tích lúa trên địa bàn xã sinh trưởng và phát triển tốt. Năm nay, xã phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện mô hình liên kết sản xuất 25ha lúa (giống Hưng Long 555) tại thôn Đồng Tư. Mô hình liên kết theo hình thức cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.
 
Vụ đông-xuân này, từ nguồn ngân sách, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con nông dân về giống, kỹ thuật với tổng trị giá trên 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, để cây lúa phát triển tốt, địa phương đã tích cực vận động người dân nạo vét kênh mương, chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng của lúa; chú trọng việc bón phân, chăm sóc lúa đúng kỹ thuật; đồng thời khuyến cáo bà con tích cực thăm đồng, theo dõi sự sinh trưởng của lúa để có cách chăm sóc đúng quy định và kịp thời phát hiện sâu bệnh.
 
Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Quảng Ninh gieo trồng 5.200ha lúa, dự ước năng suất lúa đạt 62 tạ/ha, sản lượng lương thực ước đạt hơn 32.000 tấn. Để bảo đảm năng suất, sản lượng vụ đông-xuân đạt kế hoạch, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn và các địa phương hướng dẫn người dân bảo đảm khung thời vụ; quan tâm cải tạo, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất.
 
Cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, huyện chú trọng triển khai giải pháp chuyển dịch cơ cấu giống; đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chân đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%; mỗi xã chỉ cơ cấu 3-4 loại giống, tránh tình trạng phân tán, manh mún tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư thâm canh, hạn chế khả năng lây lan của các loại sâu bệnh và dịch hại trên đồng ruộng. Ưu tiên cơ cấu các giống trung và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, như: P6, TBR1, VNR20, lúa lai... vào sản xuất nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra, nhất là diện tích thấp trũng các xã: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh.
 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, để bảo đảm toàn bộ diện tích lúa vụ đông-xuân trên địa bàn sinh trưởng, phát triển thuận lợi, phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại lúa đến bà con nông dân.
 
Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Quảng Ninh liên kết với Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình và Công ty TNHH MTV Cây giống Bắc Trung Nam thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 850ha, tập trung vào các giống lúa, như: P6, DV108, HL555, PC6, QS88...

Hiện nay, lúa đông-xuân trà chính vụ đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, bắt đầu đứng cái làm đòng, trà muộn đang dặm tỉa. Các loại cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Thời gian gần đây, điều kiện thời tiết nắng nóng, sáng sớm có sương mù thuận lợi cho các loại sâu bệnh trên cây trồng phát sinh gây hại. Trên địa bàn huyện hiện có 60ha lúa bị chuột gây hại, 35ha nhiễm bọ trĩ, 25ha nhiễm rệp muỗi, 45ha nhiễm bệnh đạo ôn, 25ha nhiễm bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng. Ngoài ra, ở nhiều địa phương cũng đã xuất hiện bệnh sâu ăn lá trên cây rau, sâu cắn nõn và sâu keo mùa thu trên cây ngô…

Dự báo thời gian tới, chuột và bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục phát sinh gây hại. Trên lúa trà muộn, bệnh bọ trĩ, rệp muội, bệnh tuyến trùng rễ có khả năng sẽ tiếp tục phát sinh nếu không chủ động phòng trừ kịp thời. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã tích cực hướng dẫn các địa phương chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng; thực hiện tốt công tác dự báo tình hình phát sinh và lây lan của các loại dịch hại, thông báo, hướng dẫn để nông dân có biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo vệ an toàn cho sản xuất.
Lan Chi

tin liên quan

Quảng Ninh: Phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

(QBĐT) - Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp, ngành và ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận cao của tầng lớp nhân dân nên việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã mang lại hiệu quả cao. 

Nâng cao chất lượng hoạt động HTX tiểu thủ công nghiệp

(QBĐT) - Thông tin từ Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 46 hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với 368 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động gần 52 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 5 triệu đồng/tháng.
 

Từng bước thay đổi "bức tranh" nông nghiệp

(QBĐT) - Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản xuất (SX), qua đó, từng bước góp phần làm thay đổi "bức tranh" nông nghiệp…