Dời lưới điện từ rừng về ta luy âm

  • 07:57 | Thứ Năm, 07/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2023, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã giao cho Điện lực Đồng Hới thực hiện 1 công trình đầu tư xây dựng (ĐTXD) và 1 công trình sửa chữa lớn (SCL) với số tiền trên 4,2 tỷ đồng nhằm nâng cấp, cải tạo lưới điện từ thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) lên xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh). Công trình hoàn thành đã giúp cho công tác quản lý, vận hành lưới điện được thuận lợi hơn, giảm sự cố và thời gian mất điện trên địa bàn.
 
Lưới điện trung thế từ thị trấn Nông trường Việt Trung lên xã Trường Sơn dài hơn 90km và 70km đường dây hạ thế, với trên 4.000 khách hàng. Đây là tuyến điện băng qua rừng dài nhất trên địa bàn tỉnh với trên 500 vị trí cột. Tuyến có khoảng 80% cột, dây đều ở trong rừng nguyên sinh và đồi núi cao. Có những vị trí cột cách đường giao thông hàng trăm mét, cột nằm chênh vênh bên vực sâu, cách nhau trên 500m nên công tác quản lý, vận hành vô cùng khó khăn, vất vả.
 
Trước đây, mỗi năm lưới điện xảy ra hàng trăm sự cố do thiên tai, tác động của con người, động vật, như: Cây gãy đổ vào đường dây, rừng trồng va chạm với đường dây, động vật leo trèo lên dây gây sự cố hoặc gặp bão, gió, lốc…
hiều vị trí cột mới đã hoàn thành bên phía ta luy âm.
hiều vị trí cột mới đã hoàn thành bên phía ta luy âm.
Để quản lý vận hành lưới điện hiệu quả, hàng năm, Điện lực Đồng Hới tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp tuyến. Riêng năm 2023, từ nguồn của PC Quảng Bình, đơn vị đã giao cho Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn chủ trì thi công 1 công trình ĐTXD và 1 công trình SCL với số tiền trên 4,2 tỷ đồng, gồm: Dự án sử dụng nguồn vốn ĐTXD chống quá tải, hoàn thiện lưới điện trung hạ áp khu vực Tây Đồng Hới năm 2023, tổng trị giá trên 3,2 tỷ đồng và 1 công trình SCL lưới điện trung thế xuất tuyến 472 NTVT khu vực xã Trường Sơn có tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
 
Đội trưởng Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn Nguyễn Văn Sơn kể: “Trước khi triển khai, đơn vị đã khảo sát những vị trí xung yếu có thể gây sự cố, đoạn vượt sông có khoảng cách cột xa, đoạn trên đồi núi cao để di dời về phía ta luy âm. Khi chọn vị trí chôn cột, chúng tôi phải tính toán, chọn những nơi thuận lợi nhất để cột sau khi chôn xuống phải gần đường để tiện vận chuyển, tập kết vật tư, kéo dây, tránh sạt lở về sau; khoảng cách các vị trí cột phải bảo đảm theo quy chuẩn. Trong quá trình triển khai cũng gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, vật tư từ tổng công ty đưa về chậm, một số hộ dân vẫn cố tình trồng cây dưới đất hành lang lưới điện đã được đền bù. Nhiều diện tích rừng không tìm thấy chủ hoặc chủ nhà không hợp tác gây khó khăn cho việc thi công”…
Điện lực Đồng Hới đang thi công dự án sử nguồn vốn đầu tư xây dựng chống quá tải, hoàn thiện lưới điện trung hạ áp khu vực Tây Đồng Hới năm 2023.
Điện lực Đồng Hới đang thi công dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng chống quá tải, hoàn thiện lưới điện trung hạ áp khu vực Tây Đồng Hới năm 2023.
Công trình thi công từ tháng 6-10/2023 đã hoàn thành. Theo đó, có khoảng 4km đường dây với 40 vị trí cột trên núi được chuyển xuống hai bên đường Quốc lộ 9E. Sau khi chuyển xuống đã nâng độ dài của tuyến thêm khoảng 2km (do đi vòng), trong đó có 76 vị trí cột mới, hơn 60% là cột đôi.
 
Anh Đặng Văn Tự, công nhân quản lý vận hành Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn tâm sự: “Trong quá trình di dời lưới điện từ rừng xuống ta luy âm, chúng tôi phải băng rừng, leo lên núi cao để tháo dây, dỡ cột rất khó khăn, vất vả. Có thời gian anh em phải bám công trường cả tuần, ăn uống buổi trưa tạm bợ trên rừng để thực hiện nhiệm vụ. Qua một thời gian, hàng chục cột điện bằng sắt, bê tông đã được tháo dỡ, thu hồi về nhập kho”.
 
Để giảm thấp nhất thời gian mất điện cho khách hàng trong quá trình thi công, Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn phải làm việc rất cật lực các khâu, như: Đào hố, dựng cột, vận chuyển thiết bị vật tư đến công trường. Sau đó, đề xuất lên Điện lực Đồng Hới và PC Quảng Bình huy động thêm máy móc, nhân lực, phương tiện đến lắp sứ, xà, kéo dây... Trong thời gian thi công, PC Quảng Bình đã 7 lần huy động nhân lực, phương tiện, máy móc toàn đơn vị, lần cao nhất lên đến 70 người cùng những phương tiện hiện đại hỗ trợ.
 
Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (PC Quảng Bình) Nguyễn Hoàng cho biết: “Năm 2022, công ty đã dời 60 vị trí cột thuộc lưới trung thế từ rừng xuống dọc Quốc lộ 9E. Năm 2024, công ty sẽ triển khai thêm 2 dự án ĐTXD tại xã Trường Sơn nhằm cải tạo, di dời 8 đoạn đường dây trung thế từ trên núi xuống mép ta luy âm trên tuyến này (từ Km24+900 đến Km86+640) để hạn chế sự cố do cây đổ vào đường dây, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, thuận tiện trong công tác quản lý vận hành với tổng giá trị trên 6,5 tỷ đồng, chiều dài tuyến đường dây 22kV là trên 5km. Ngoài ra, công ty cũng xây dựng mới các đoạn đường dây hạ thế của các trạm biến áp trên địa bàn xã với tổng giá trị 576 triệu đồng.

Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hới Lý Đình Đức cho biết: “Từ khi di dời hệ thống lưới điện từ thị trấn Nông trường Việt Trung lên Trường Sơn về ta luy âm, các sự cố lưới điện trên tuyến đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng trên tuyến xảy ra 10 sự cố thì từ tháng 10/2023 đến nay chỉ xảy ra 3 sự cố nhỏ. Công tác quản lý, vận hành cũng thuận lợi hơn. Trong năm, đơn vị sẽ xây dựng thêm 1 trạm quản lý, vận hành tại xã Trường Sơn và cử cán bộ, công nhân lên làm việc tại đây nhằm xử lý nhanh các sự cố và trực tiếp thu tiền điện”.

Theo ông Đức, hiện tuyến điện này có khoảng 30% cột, dây dời từ rừng xuống hai bên Quốc lộ 9E. Số vị trí dây, cột còn lại ở trên rừng, vượt sông còn rất nhiều nên vẫn tiềm ẩn xảy ra sự cố. Trong thời gian tới, Điện lực Đồng Hới sẽ đề xuất với công ty tiếp tục đầu tư vốn để di dời thêm các vị trí còn lại, làm cáp ngầm những nơi không thể chôn cột, băng sông; đồng thời tận dụng các nguồn lực để thay thế hệ thống dây trần bằng dây vỏ bọc, bọc cách điện ở đầu các cột, xà, lèo để hạn chế sự cố…
Xuân Vương

tin liên quan

Giữ màu xanh cho rừng

(QBĐT) - Với những người "gác rừng" ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), giữ màu xanh cho di sản không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao. Ở đây, họ luôn âm thầm, lặng lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn; cùng quyết tâm giữ màu xanh trên những cánh rừng ở di sản…

Quảng Trạch: Ngư dân đánh bắt gần bờ trúng đậm cá bè vàng

(QBĐT) - Những ngày qua, thời tiết thuận lợi, vùng biển gần bờ ở huyện Quảng Trạch liên tục xuất hiện luồng cá bè vàng. Nắm bắt cơ hội này, ngư dân các xã Cảnh Dương, Quảng Xuân liên tục dong thuyền ra khơi đánh bắt được hàng chục tấn cá bè vàng, thu tiền triệu/lao động sau mỗi chuyến biển… 

Mở các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Để tăng cường quảng bá và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã quan tâm mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.