Nông dân Tuyên Hóa tích cực chăm sóc lúa đông-xuân

  • 10:33 | Thứ Sáu, 01/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Tuyên Hóa đang tích cực xuống đồng chăm sóc lúa đông-xuân.
 
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng lúa của huyện Tuyên Hóa, bà con nông dân đang nhanh tay tỉa dặm, làm cỏ, kết hợp bón thúc đợt 1, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Bà Đoàn Thị Hồng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa cho biết, vụ đông-xuân năm nay gia đình bà gieo sạ 3 sào lúa. Sau khi xuống giống gặp phải đợt rét đậm nên tỷ lệ hạt nảy mầm có giảm. Để bảo đảm mật độ, những ngày qua bà Hồng đã tranh thủ nhổ tỉa ở những chân ruộng lúa mọc dày sang dặm những chỗ thưa.
 
Theo bà Đoàn Thị Hồng, những chân ruộng có tỷ lệ lúa nảy mần thấp chủ yếu sử dụng giống mới SV181, còn những giống lúa khác gieo cùng thời điểm vẫn có tỷ lệ nảy mầm cao. “Sau khi tỉa dặm xong, chúng tôi sẽ tiến hành bón thúc để cây lúa phát triển tốt” bà Hồng cho biết thêm.
Gia đình bà Đoàn Thị Hồng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) tích cực tỉa dặm để bảo đảm mật độ, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Gia đình bà Đoàn Thị Hồng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) tích cực tỉa dặm để bảo đảm mật độ, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Trên cánh đồng của thôn Đạm Thủy 1, xã Thạch Hóa, hàng trăm nông dân đang tích cực chăm sóc lúa đông-xuân, người đang tỉa dặm, người đang làm cỏ, người khác thì bón phân thúc lúa đẻ nhánh.
 
Ông Trần Văn Cương, thôn Đạm Thủy 1 cho biết, hiện gia đình đã tỉa dặm xong và đang tiến hành bón phân chuồng để cây lúa phát triển và trong vòng một tuần tới sẽ bón thêm phân lân và đạm. Vụ đông-xuân này gia đình ông Cương gieo sạ 2 sào lúa. Tất cả đều phát triển tốt, không phải tỉa dặm nhiều, tuy nhiên do ốc bươu vàng phát triển mạnh nên phải phun thuốc diệt ốc hai lần.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân huyện Tuyên Hóa xuống đồng chăm sóc lúa đông-xuân.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân huyện Tuyên Hóa xuống đồng chăm sóc lúa đông-xuân.
Cùng với nông dân các xã trên địa bàn huyện, nông dân xã Mai Hóa đã tranh thủ ra đồng từ những ngày sau Tết Nguyên đán để chăm sóc cây lúa. Với diện tích sản xuất lúa đứng tốp đầu của huyện, vụ mùa năm nay, xã Mai Hóa đặt mục tiêu sản lượng lúa đạt 870 tấn, năng suất đạt 60 tạ/ha. Xã đã chỉ đạo bà con nhân dân gieo cấy hết diện tích hơn 145ha. Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo các thôn và 2 hợp tác xã triển khai sản xuất vụ đông-xuân phù hợp với điều kiện thực tế, cơ cấu giống hợp lý, bám sát lịch thời vụ và áp dụng kỹ thuật thâm canh, chăm sóc để cây lúa cho năng suất, chất lượng cao.
 
Xã cũng phối hợp với Chi nhánh Thủy nông huyện Tuyên Hóa xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước đập Bẹ hợp lý, tu sửa hệ thống kênh mương tưới tiêu, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ đông-xuân đạt hiệu quả.
 
Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Tuyên Hóa sản xuất 1.450ha lúa, 1.200ha ngô, 650ha lạc. Các giống lúa chủ lực được ưu tiên lựa chọn, như: VNR20, Nhị Ưu 838, VN20, Hà Phát 3, P6… Ngay sau Tết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình sản xuất, hướng dẫn bà con nhân dân chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh cây lúa, phòng cũng đề nghị các địa phương tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc cây ngô, lạc và các loại cây trồng khác.
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết: “Qua kiểm tra thực tế ở các địa phương cho thấy các loại cây trồng vụ đông-xuân sinh trưởng và phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết sương mù, độ ẩm cao như hiện nay dễ phát sinh các đối tượng dịch hại như bệnh đạo ôn trên lá, rầy nâu, rầy lưng trắng… Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên bám đồng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh để có giải pháp phòng trừ kịp thời. Đồng thời phòng cũng chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ tỉa dặm, làm cỏ, bón thúc cho cây lúa, chăm sóc cây trồng các loại, chủ động diệt chuột, ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công, sinh học”.
Văn Trần

tin liên quan

Giữ màu xanh cho rừng

(QBĐT) - Với những người "gác rừng" ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), giữ màu xanh cho di sản không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao. Ở đây, họ luôn âm thầm, lặng lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn; cùng quyết tâm giữ màu xanh trên những cánh rừng ở di sản…

Vươn lên nhờ tín dụng chính sách

(QBĐT) - Những năm qua, nhờ có sự "tiếp sức" kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh, chị Trần Thị Hằng, thôn Phúc Nhĩ, xã An Ninh đã vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Cùng nông dân phát triển kinh tế

(QBĐT) - Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.