Lệ Thủy: Phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn

  • 08:07 | Thứ Sáu, 01/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Lệ Thủy đã chuyển từ trồng rừng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn. Tuy mới được triển khai vài năm, nhưng những khu rừng gỗ lớn đã cho thấy sự phát triển vượt trội, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho bà con.
 
Huyện Lệ Thủy có diện tích đất trồng rừng gần 43.000ha. Các dự án về trồng rừng được triển khai đồng bộ giúp kinh tế rừng trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh mẽ. Trồng rừng đã từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân trên địa bàn được Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ nên đã chuyển từ trồng rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn bằng giống cây keo cấy mô.
 
Câu chuyện trồng rừng gỗ lớn ở Lệ Thủy bắt đầu từ năm 2016. Thời điểm đó, Viện Lâm nghiệp khoa học Việt Nam và nguồn vốn chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ cho người dân trong huyện trồng trên 268ha rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã Trường Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy, Kim Thủy... Trồng mỗi ha rừng gỗ lớn, người dân được hỗ trợ 8-10 triệu đồng. Một số diện tích khác thì được hỗ trợ cây giống, phân bón trong 3 năm đầu. Từ số tiền đó, bà con đã mua giống cây, phân bón, tập huấn kỹ thuật. Còn tiền làm đất, công trồng, chăm sóc, bà con sẽ tự đối ứng (khoảng 7 triệu đồng/ha).
Người dân huyện Lệ Thủy chăm sóc rừng gỗ lớn.
Người dân huyện Lệ Thủy chăm sóc rừng gỗ lớn.
Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy đã trồng được gần 900ha rừng gỗ lớn. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, huyện sẽ phấn đấu trồng được 3.000ha rừng gỗ lớn (gồm cả rừng của người dân và các tổ chức).
 
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng cho biết: “Giống cây trồng rừng gỗ lớn là cây keo cấy mô. Đây là giống cây có rễ cọc, đồng đều, có sức chống chịu với mưa bão tốt hơn các loại giống keo giâm hom. Trung bình mỗi ha rừng gỗ lớn trồng trên 2.000 cây. Đến khi cây khép tán (khoảng 4 năm tuổi) thì tỉa thưa, để lại khoảng 1.000 cây và đến 7 năm tuổi tiếp tục tỉa thưa, chỉ để lại khoảng 700 cây. Khoảng 2 tháng sau khi trồng phải kiểm tra lại, nếu vị trí nào có cây chết thì trồng dặm. Trong quá trình tỉa thưa rừng, bà con có thể bán mỗi ha gỗ nguyên liệu khoảng 30 triệu đồng”.
 
Xã Thái Thủy có trên 3.800ha rừng trồng. Nhờ đẩy mạnh trồng rừng nên nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm các phương tiện, thiết bị đắt tiền. Nhằm phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, năm 2017 xã đã vận động bà con chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 10ha. Đến nay, cả xã đã trồng được hơn 150ha rừng gỗ lớn, riêng năm 2023 trồng được 40ha và phấn đấu đến năm 2025 đạt 400ha.
Khu rừng gỗ lớn của anh Trần Văn Sáng, ở xã Thái Thủy sau khi tỉa thưa.
Khu rừng gỗ lớn của anh Trần Văn Sáng, ở xã Thái Thủy sau khi tỉa thưa.
Anh Trần Văn Sáng, một người dân thôn Minh Tiến (xã Thái Thủy) cho hay: “Trước đây, để trồng rừng nguyên liệu tôi phải đầu tư toàn bộ kinh phí cho khoảng 15 triệu đồng/ha. Nay chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, tôi được hỗ trợ mỗi ha 8 triệu đồng để mua phân bón, giống cây và tập huấn kỹ thuật. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên rừng phát triển tốt, giống keo cấy mô chống chịu gió, bão tốt hơn những giống cây trước đây”. Anh Sáng có 30ha đất trồng rừng, trong đó anh trồng 15ha rừng gỗ lớn đã 4-6 năm tuổi. Mỗi ha anh trồng trên 2.000 cây, mỗi cây cách nhau hơn 2m, hàng cách hàng 2,5m. Hiện đã có 5ha anh tỉa thưa và bán gỗ nguyên liệu được khoảng 30 triệu đồng/ha. Số cây còn lại đều có đường kính từ 15cm-20cm và để thêm 5 năm anh sẽ bán được khoảng 250 triệu đồng/ha.
 
Theo các chuyên gia nông nghiệp, ở các tỉnh khác, trên cùng một đơn vị diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội gấp từ 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Theo chu kỳ khoảng 10 năm, mỗi ha rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu 6 năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 60-70 triệu đồng. Rừng gỗ lớn còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại, giảm thiểu nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất...
Xã Kim Thủy hiện có gần 10.000ha đất trồng rừng. Cũng như các địa phương khác, người dân trong xã chủ yếu trồng keo, tràm để bán gỗ nguyên liệu. Nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất, các chương trình,
dự án và chính quyền đã tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, tỉa thưa rừng nguyên liệu thành rừng gỗ lớn. Đến nay, toàn xã có trên 400ha rừng gỗ lớn, tập trung ở bản Cồn Cùng và thôn An Mã. Tuy thời gian trồng chưa lâu, nhưng những khu rừng gỗ lớn được bón phân, trồng chăm sóc đúng kỹ thuật nên đã phát triển vượt trội so với những khu rừng thông thường, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho bà con.
 
Anh Hồ A Lai, ở bản Cồn Cùng đang có 45ha đất trồng keo, giúp anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thấy anh trồng rừng hiệu quả, năm 2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã hỗ trợ cho anh 200 triệu đồng để cải tạo rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn với diện tích gần 7ha. Thời điểm tỉa thưa, rừng của anh đã được 5 tuổi và số gỗ sau khi tỉa anh bán được hơn 30 triệu đồng/ha. Hiện rừng gỗ lớn của anh đã 7 năm tuổi, đường kính gốc bình quân hơn 20cm và sẽ cho anh thu hoạch đạt khoảng 1,5 tỷ đồng trong 3 năm tới.
Hàng trăm ha rừng gỗ lớn ở xã Kim Thủy phát triển tốt.
Hàng trăm ha rừng gỗ lớn ở xã Kim Thủy phát triển tốt.
Anh Hồ A Lai tâm sự: “Trước khi chuyển đổi rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn tôi cũng băn khoăn lắm, vì thời gian cho thu hoạch lâu, lại lo bão lớn. Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật của huyện, xã đến tuyên truyền vận động, lại được hỗ trợ tiền nên tôi đã đồng ý. Từ khi tỉa thưa, tôi thấy rừng phát triển rất nhanh, cây đều, thẳng. Nếu so với trồng rừng thông thường 5 năm khai thác thì rừng gỗ lớn mất khoảng 10 năm, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần, ít vốn đầu tư, công chăm sóc. Trong năm này, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm một số diện tích và trồng thêm 5ha rừng gỗ lớn”.
 
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng cho biết thêm: “Tuy trồng rừng và chuyển rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả cao, nhưng một số người dân chưa nhận thức được vấn đề này và còn e ngại trồng, chuyển đổi. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trồng thêm rừng gỗ lớn, cải tạo diện tích rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và thu nhập. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, huyện tăng cường liên kết với các nhà sản xuất để thu mua sản phẩm rừng gỗ lớn cho người dân”...
Xuân Vương

tin liên quan

Vươn lên nhờ tín dụng chính sách

(QBĐT) - Những năm qua, nhờ có sự "tiếp sức" kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh, chị Trần Thị Hằng, thôn Phúc Nhĩ, xã An Ninh đã vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Giữ màu xanh cho rừng

(QBĐT) - Với những người "gác rừng" ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), giữ màu xanh cho di sản không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao. Ở đây, họ luôn âm thầm, lặng lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn; cùng quyết tâm giữ màu xanh trên những cánh rừng ở di sản…

Cùng nông dân phát triển kinh tế

(QBĐT) - Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.