Từng bước thay đổi "bức tranh" nông nghiệp

  • 07:29 | Thứ Hai, 11/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản xuất (SX), qua đó, từng bước góp phần làm thay đổi “bức tranh” nông nghiệp…
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển SX NN theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho nông dân, đặc biệt là thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển SX NN theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, địa phương đã tích cực hỗ trợ phát triển SX, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô SX NN sạch, NN hữu cơ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
 
Năm 2023, đơn vị đã phối hợp cùng các đoàn thể cấp huyện thực hiện 11 mô hình SX trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và sơ chế, chế biến thủy sản; đồng thời phối hợp với Sở NN-PTNT, các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng 2 nhà màng trồng rau quả an toàn tại các xã Quảng Hưng và Liên Trường; thực hiện mô hình chăn nuôi lợn CNC tại xã Quảng Hưng; xây dựng 5 chuỗi SX ở các xã Quảng Kim, Cảnh Dương, Quảng Hưng, Quảng Phương, Quảng Đông. 
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Hưng Loan (Quảng Trạch).
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Hưng Loan (Quảng Trạch).
Bên cạnh đó, thông qua dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) đã hỗ trợ phát triển SX cho Hợp tác xã (HTX) sen ngon Quảng Phương, HTX muối Quảng Phú và hỗ trợ mô hình sinh kế cho HTX chăn nuôi bò Quảng Kim, nuôi chim cút cho HTX Thanh Hương (Quảng Phương)…
 
Mặt khác, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện Quảng Trạch trợ giá các loại giống lúa chất lượng cao; UBND các xã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng bộ giống lúa chất lượng cao đưa vào SX; phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện mô hình liên kết SX và tiêu thụ giống lúa HC4 trên địa bàn các xã: Quảng Châu, Quảng Tùng, Quảng Hưng; đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiên cứu giống lúa khác để khảo nghiệm, tổ chức hội thảo tuyển chọn các giống lúa mới đưa vào cơ cấu bộ giống của huyện.
 
“Hiện, các mô hình được hỗ trợ phát triển SX trong lĩnh vực NN đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình được người dân đầu tư lớn, SX tập trung như mô hình chăn nuôi lợn (quy mô từ 100-300 con/lứa), gia cầm (quy mô từ 1.000 con trở lên). Đặc biệt, một số mô hình đã áp dụng công nghệ, đối tượng nuôi mới, như: Nuôi lươn không bùn, hươu, dúi…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết thêm.
 
Tại huyện Lệ Thủy, nhiều tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng CNC trong trồng trọt đã được áp dụng, như: Thực hiện canh tác lúa cải tiến SRI, công nghệ tưới tiết kiệm nước, chứng nhận SX an toàn VietGAP, công nghệ nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; công nghệ máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng máy móc hiện đại phục vụ SX; áp dụng các giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh…
 
Toàn tỉnh, hiện có hơn 190 cơ sở SX ứng dụng CNC trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tuy nhiên, NN CNC vẫn đứng trước những thách thức, bởi, chưa có chính sách đặc thù riêng, chính sách ban hành nhưng thiếu nguồn lực tài chính nên triển khai gặp nhiều khó khăn…

Hiện, huyện Lệ Thủy có hơn 3.800ha thực hiện canh tác lúa cải tiến SRI; hơn 60ha thực hiện công nghệ tưới tiết kiệm nước; hơn 60ha được chứng nhận SX an toàn VietGAP; 7 nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng; hơn 700ha cây trồng áp dụng công nghệ máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; gần 40ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi trồng sen kết hợp nuôi cá, mía, khoai, môn, cây dược liệu, cây ăn quả cho thu nhập cao. Đặc biệt, mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá, trồng mía cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp 3-4 lần trồng lúa…

“Lệ Thủy sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản; chuyển đổi đất trồng lúa, đất vùng gò đồi kém hiệu quả sang các mô hình khác cho thu nhập cao hơn; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNC trong NN để nâng cao giá trị; triển khai SX theo tiêu chuẩn VietGAP các sản phẩm chủ lực của các xã, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho hay.
 
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng CNC; tưới tiết kiệm nước; quy trình canh tác hữu cơ, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được các địa phương, đơn vị, người dân chú trọng, đầu tư. Hiện, nhiều mô hình SX hiệu quả cao gắn với ứng dụng CNC, xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai, như: SX rau quả trong nhà màng; trồng na Thái, mít ruột đỏ, cam, bưởi, cây dược liệu, dừa xiêm, sen, vừng, lạc, dưa hấu...
Ngọc Hải

tin liên quan

Thu tiền tỷ nhờ bán tín chỉ carbon

(QBĐT) - Giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình sẽ nhận được 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế; qua đó mang lại nguồn thu cho gần 11.000 chủ rừng, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững.

Bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ đông-xuân

(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2023-2024 toàn tỉnh gieo trồng khoảng 29.500ha lúa và hơn 23.000ha cây hoa màu. Đặc biệt, hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, rất cần nước để bón phân thúc đòng, vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang chủ động các phương án nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm

(QBĐT) - Huyện Tuyên Hóa hiện có hơn 97,2 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 86,1% diện tích tự nhiên) phân bố ở hầu khắp địa bàn của 19 xã, thị trấn. Ngay từ đầu năm, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.