Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa: Nhọc nhằn đường đến đích

  • 07:33 | Thứ Bảy, 09/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2024, huyện Tuyên Hóa đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm: Lê Hóa, Kim Hóa và xã Mai Hóa đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và nguồn lực hỗ trợ từ cấp trên.
 
Lấp đầy "khoảng trống" nguồn lực
 
Tính đến hết năm 2023, huyện Tuyên Hóa có 12 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Châu Hóa, Mai Hóa, Văn Hóa, Tiến Hóa, Phong Hóa, Hương Hóa, Đức Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa, Cao Quảng, Thạch Hóa và Sơn Hóa, trong đó xã Châu Hóa đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đánh giá, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thời gian qua trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng kể. Cụ thể, các địa phương trên địa bàn huyện đã có 314 tiêu chí NTM đạt chuẩn (tăng 25 tiêu chí so với năm 2022) và 103 tiêu chí NTM nâng cao (tăng 15 tiêu chí so với cuối năm 2022).
 
Tuy nhiên, chỉ tính riêng các địa phương đã đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục “chinh phục” mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, số tiêu chí đạt chuẩn vẫn còn thấp. Cụ thể, trong số 10 xã đã đạt chuẩn NTM (2 xã Thạch Hóa, Sơn Hóa vừa mới công nhận đạt chuẩn NTM đầu năm 2024, nên chưa đánh giá-P.V), chỉ có 4/10 xã đạt tiêu chí giao thông, 2/10 xã đạt tiêu chí giáo dục, 2/10 xã đạt tiêu chí văn hóa, 2/10 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thậm chí, chỉ có 1/10 xã đạt chuẩn tiêu chí y tế và môi trường. Như vậy, khoảng cách từ đạt chuẩn NTM đến NTM nâng cao vẫn còn khá xa. 
Năm 2024, huyện Tuyên Hóa dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM hơn 44,4 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp hơn 21,6 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 22,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh gần 3,2 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 19 tỷ đồng). Hiện tại, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã được huyện Tuyên Hóa tiếp nhận và phân bổ cho các địa phương. Riêng, nguồn kinh phí hơn 19 tỷ đồng từ ngân sách huyện còn phải chờ nguồn thu của năm 2024 mới phân bổ được cho các địa phương.
Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề nan giải của nhiều địa phương trên địa bàn huyện.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết, hiện nay, khối lượng nhiệm vụ của các địa phương đạt được các tiêu chí NTM và NTM nâng cao phải thực hiện còn khá nhiều, nhất là một số tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ bản. Nhiều tiêu chí đạt được nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc củng cố các tiêu chí đã đạt được. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do xuất phát điểm của huyện Tuyên Hóa nói chung và các địa phương trên địa bàn huyện còn khá thấp. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn lực của huyện và các địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM và NTM nâng cao chưa đáp ứng yêu cầu. 
 
Ưu tiên nguồn vốn cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM 
 
Theo kế hoạch, năm 2023, xã Mai Hóa sẽ “về đích” NTM nâng cao. Tuy nhiên, do nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, mục tiêu nói trên đã lùi sang năm 2024. Đến nay, qua rà soát, xã Mai Hóa đã đạt 15/19 tiêu chí, với 69/75 chỉ tiêu NTM nâng cao. 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn, gồm: Giáo dục, văn hóa, y tế, môi trường.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Hà Ngọc Thành cho biết: “Trong số 4 tiêu chí chưa đạt, giáo dục là tiêu chí khó có thể hoàn thành trong năm 2024. Hiện trên địa bàn xã có 2 trường tiểu học đã hết hạn công nhận đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 từ tháng 12/2022 và chưa có trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trong đó, Trường tiểu học Xuân Mai thiếu 6 phòng học và nhà đa chức năng phục vụ dạy, học. Nguồn kinh phí đầu tư rất lớn (gần 6 tỷ đồng) nhưng chưa được bố trí nguồn vốn đầu tư. Địa phương cũng chỉ biết chờ đợi. Vì vậy, mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trong năm 2024 là khó có thể đạt được”.
 
Năm 2024, huyện Tuyên Hóa dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM hơn 44,4 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp hơn 21,6 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 22,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh gần 3,2 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 19 tỷ đồng). Hiện tại, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã được huyện Tuyên Hóa tiếp nhận và phân bổ cho các địa phương. Riêng, nguồn kinh phí hơn 19 tỷ đồng từ ngân sách huyện còn phải chờ nguồn thu của năm 2024 mới phân bổ được cho các địa phương.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Vũ Trường Thanh cho biết: “Qua rà soát, xã đã đạt 15/19 tiêu chí. 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, trường học, thu nhập, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Hầu hết các tiêu chí chưa đạt đều “nặng ký”, bởi đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Ngoài các tiêu chí giao thông, trường học đã được huyện bố trí nguồn vốn đầu tư để thực hiện và sẽ hoàn thành trong năm 2024. Riêng tiêu chí thu nhập đạt thấp, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ đạt 39 triệu đồng. Đây cũng là vấn đề nan giải của địa phương, bởi việc tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động chậm, dẫn đến khó nâng cao thu nhập cho người dân. Động lực cho việc nâng cao thu nhập chỉ trông chờ vào xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ các địa phương hoàn thành kế hoạch đã đề ra, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2024; đồng thời, quan tâm xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với các địa phương đã đạt chuẩn NTM, tiếp tục rà soát, bổ sung và có giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí, chủ động huy động, bố trí lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để nâng cao, hoàn thiện các tiêu chí một cách bền vững. Cùng với đó, huyện tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từng bước chuyển dịch lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Quang Binh Discovery Marathon 2024: Cơ hội "vàng" cho du lịch

(QBĐT) - Một giải chạy được tổ chức ngay giữa lòng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Ước tính sẽ có gần 4.500 người, trong đó gần 2.300 vận động viên sẽ về với Di sản thiên nhiên thế giới. Đây được coi là cơ hội "vàng" để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình.

Quảng Trạch: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tín dụng chính sách

(QBĐT) - Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ, nên những năm qua, nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã tiếp cận kịp thời với nguồn vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bố Trạch: Tập trung khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC

(QBĐT) - Để tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), huyện Bố Trạch đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).