Để những đặc sản OCOP của Đồng Hới "lên ngôi"

  • 08:01 | Thứ Năm, 21/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù TP. Đồng Hới đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả tích cực trong triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, các sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Vì vậy, thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ đối với việc phát triển các sản phẩm OCOP mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của địa phương.
 
OCOP, đặc sản riêng có
 
Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, Đồng Hới đã có 17 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao; trong đó, có 14 sản phẩm 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao. Nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP thì thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. Các sản phẩm OCOP mang tính đặc sản riêng có từ thủy hải sản đạt tiêu chuẩn 4 sao như của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Mai Thịnh (Công ty Mai Thịnh); các loại hải sản khô, tươi của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám. Một số sản phẩm OCOP cùng chủng loại, như khoai deo Linh Huệ của Công ty TNHH Linh Huệ từ 3 sao thăng hạng 4 sao cũng “sánh vai” cùng các sản phẩm của địa phương khác.
TP. Đồng Hới tạo mọi điều kiện để các sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
TP. Đồng Hới tạo mọi điều kiện để các sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Theo lời chia sẻ của chị Trương Thị Huệ (Công ty TNHH Linh Huệ), sau khi đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất khoai deo bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm, công ty đã sản xuất 3-4 tấn khoai thành phẩm/tháng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh; giải quyết việc làm cho 15 lao động, với mức thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng/người.
 
Nhìn chung các sản phẩm OCOP trên địa bàn Đồng Hới đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của thành phố.
 
Anh Trần Mạnh Thịnh, Giám đốc Công ty Mai Thịnh cho biết, cùng với các sản phẩm hải sản khác, sản phẩm “cá chình thăng hoa” của công ty là kết quả của sự liên kết từ đầu vào đến đầu ra, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nông dân-doanh nghiệp và thị trường. Sản phẩm cá chình được chế biến từ cá chình nguyên con, cắt thành lát, ướp các loại gia vị phù hợp và sấy bằng công nghệ “làm khô lạnh” để thuận tiện trong quá trình vận chuyển, cũng như giữ được chất lượng của sản phẩm.
 
Sản phẩm OCOP 4 sao “Cá chình thăng hoa” cũng được khách hàng đánh giá, sớm hay muộn cũng sẽ tiếp cận với nhiều đối tượng các khách hàng, trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày cũng như là món ăn đặc biệt tại các bữa tiệc trong các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và các địa bàn lân cận.
 
Hiện, Công ty Mai Thịnh cung cấp ra thị trường bình quân 10 tấn hải sản các loại/tháng; giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, tạo việc làm cho 50 lao động mùa vụ là các hộ gia đình, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
 
Để đặc sản của địa phương "lên ngôi"
 
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Đồng Hới, để đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, thời gian qua, thành phố đã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, thông tin về chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ quản lý điều hành cấp xã, phường và các chủ thể tham gia chương trình; xây dựng kế hoạch, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; tập huấn các nội dung và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hỗ trợ cho cán bộ quản lý, điều hành để tuân thủ quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt hiệu quả, chất lượng, rõ ràng, minh bạch.
Sản phẩm
Sản phẩm "Cá chình thắng hoa" bảo quản bằng công nghệ “làm khô lạnh”.
Nhờ đó, thành phố vừa có thêm 3 sản phẩm OCOP mới của HTX Nông nghiệp số Quảng Bình, gồm: Chả gà nấm hương, ram bò Luyến Huệ và bánh biscotti lá gai, được xem là các “mỹ vị” được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
“Các sản phẩm vừa đạt tiêu chuẩn OCOP của HTX hiện nay, ngoài sự cố gắng của mỗi cá nhân chủ thể còn được sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ thành phố trong suốt quá trình hoàn thiện các thủ tục, hướng dẫn hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng. HTX sẽ tiếp tục giữ vững thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh bền vững trên thị trường”, Giám đốc HTX Nông nghiệp số Quảng Bình Ngô Thị Huệ cho hay.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Ngoài ra, quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và thương hiệu OCOP của thành phố…
 
TP. Đồng Hới phấn đấu xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 30% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; có ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu, số hóa 100% hồ sơ, tài liệu sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng sản phẩm.

Theo Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, nhằm sớm nâng cao hiệu quả, gia tăng về số lượng, chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, Đồng Hới sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, marketing cho các cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; chú trọng đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP; quan tâm công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, tăng cường kết nối sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử...

“Và để những đặc sản OCOP của địa phương “lên ngôi”, có chỗ đứng trên thị trường, ngoài những nỗ lực trên, thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP, đặc biệt là hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của các địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm...”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan khẳng định thêm.
Hương Trà

tin liên quan

Minh Hóa: Chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để phát triển các sản phẩm OCOP.

Thủ tướng yêu cầu có ngay giải pháp bình ổn thị trường vàng

Thị trường vàng thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước đang biến động mạnh. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Nâng cao chất lượng thủy sản nhờ hầm công nghệ CPF

(QBĐT) - Giảm hao hụt đá lạnh, kéo dài thời gian khai thác, chất lượng thủy sản nâng cao… đó là những ưu điểm của hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thực hiện.