Công nghệ tưới thông minh hỗ trợ nông nghiệp thời 4.0

  • 08:40 | Chủ Nhật, 24/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất (SX) trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm (TTK) (tưới béc phun, tưới nhỏ giọt… theo công nghệ Israel) trong sản xuất nông nghiệp (SXNN). Đây được đánh giá là xu hướng phát triển mới, đem lại nhiều hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới xây dựng nền NN thông minh.
 
Tưới cây "nhấn nút"
 
Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, chúng tôi đến thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao của anh Lê Chí Thanh ở thôn Cồn Mít, xã Tây Trạch. Giữa triền đồi cằn cỗi sỏi đá là vườn tiêu xanh ngát với những luống tiêu trĩu hạt. Không còn hình ảnh người nông dân phải vất vả kéo ống nước đi khắp khu vườn để tưới từng gốc tiêu. Nay, chỉ cần một động tác vặn khóa là có thể tưới cho cả vườn cây.
 
Cách đây 8 năm, anh Thanh có dịp vào miền Nam học hỏi mô hình làm NN công nghệ cao. Tình cờ biết đến hệ thống béc tưới phun sương theo công nghệ Israel, anh đã nhanh chóng học hỏi và làm theo. Trên diện tích 1ha tiêu, anh đầu tư lắp hệ thống phun sương trị giá gần 100 triệu đồng. “Từ khi lắp đặt hệ thống tưới, việc chăm sóc vườn tiêu trở nên nhàn hơn. Trước đây phải mất vài ngày để tưới 1ha tiêu nhưng nay chỉ cần vài tiếng đồng hồ là đã tưới xong. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, tôi có thể chủ động trong việc tưới nước, hạ nhiệt cho cây, từ đó năng suất cây trồng cũng được nâng cao”, anh Thanh cho hay.
Ứng dụng công nghệ béc tưới phun sương trên cây tiêu của anh Lê Chí Thanh, xã Tây Trạch (Bố Trạch).
Ứng dụng công nghệ béc tưới phun sương trên cây tiêu của anh Lê Chí Thanh, xã Tây Trạch (Bố Trạch).
Tưới cây chỉ cần “nhấn nút” đã không còn xa lạ với người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành nhiều mô hình tưới nhỏ giọt trên cây trồng được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao.
 
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, anh Nguyễn Văn Ngọ ở thôn Hương Thi, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1ha cam. Đưa chúng tôi đến “mục sở thị” hệ thống điều khiển tự động trong nhà, anh Ngọ chỉ cần nhấn công tắc, hệ thống tưới sẽ tự hoạt động và không cần phải giám sát.
 
Anh Ngọ cho biết, diện tích cam được trồng trên vùng gò đồi, không có hệ thống thủy lợi, nguồn nước tưới cho cây phụ thuộc hoàn toàn vào giếng khoan. Năm nào khô hạn thì phải TTK, nếu không sẽ không đủ nước tưới cho cây. Từ khi lắp hệ thống tưới nhỏ giọt thì chỉ cần khởi động máy, nước sẽ tỏa đều đến từng gốc cam trong cả khu vườn bằng đường ống dẫn và có thể tưới bất kỳ thời gian nào trong ngày. Nhờ có lượng nước thường xuyên cung cấp đủ ẩm nên phân bón dễ hòa tan và thấm từ từ làm dinh dưỡng cho cây. Việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cam đã khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu hụt nước tưới vào mùa khô.
 
Từ hiệu quả của mô hình, anh Ngọ đã đầu tư lắp hệ thống tưới cho 2,5ha cây các loại, như: Cam, bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ. “Nhờ tận dụng được nguồn nước và chăm sóc đúng quy trình, năng suất và chất lượng cây trồng ngày càng được nâng cao. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán hơn 11 tấn cam, bưởi các loại, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm”, anh Ngọ cho hay.
 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định, trên địa bàn huyện hiện có 35 mô hình áp dụng công nghệ TTK. Khi áp dụng hệ thống tưới này, các hộ dân vừa tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí vì có thể hòa phân bón, các loại thuốc vi sinh cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng thông qua hệ thống tưới. Nhờ đó, năng suất, chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn tăng lên rõ rệt, thu nhập của người dân cũng được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ TTK vào SX còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng nguồn nước hợp lý, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì SX ổn định theo hướng bền vững.
 
Kỳ vọng và thách thức
 
Nhiều năm trở lại đây, hoạt động SXNN trên địa bàn tỉnh đang chịu tác động trực tiếp do biến đổi khí hậu. Trong đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước SX đang được đánh giá ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Nguyễn Văn Ngọ, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) phát triển tốt nhờ công nghệ công nghệ tưới nhỏ giọt.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Nguyễn Văn Ngọ, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) phát triển tốt nhờ công nghệ công nghệ tưới nhỏ giọt.
Để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân phòng, chống hạn hán. Trong đó, việc sử dụng công nghệ TTK trên cây trồng cạn được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển SX, ngành NN đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tưới Israel trên địa bàn.
 
Theo số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT, tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2.852ha diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, TTK. Việc ứng dụng công nghệ TTK đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo ra sự chuyển biến, hiệu ứng tích cực trong tư duy, nhận thức và phương pháp tổ chức SX của các hộ SX cũng như các cấp chính quyền đối với việc áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ trong SXNN.
 
Tuy nhiên, hiện nay, việc nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ TTK trong SX còn gặp nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ TTK cao hơn so với đầu tư tưới theo phương pháp truyền thống. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân để thúc đẩy ứng dụng công nghệ TTK cho các loại cây trồng chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực cho việc áp dụng công nghệ TTK trong SXNN.
 
Năm 2023, có hơn 190ha cây trồng cạn, cây dược liệu, cây ăn quả, hồ tiêu… áp dụng các biện pháp tưới thông minh. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 100 mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, TTK trên các loại cây trồng, như: Cam, ổi, na, mít, măng tây, chà là, hương thảo…

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh, việc ứng dụng công nghệ vào SXNN là xu thế tất yếu, trong đó TTK là một trong những công nghệ cho thấy những ưu điểm vượt trội. Để nhân rộng mô hình TTK, các địa phương cần hướng tới các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cấp nước tưới cho các cây trồng cạn có quy mô SX lớn, như: Hồ tiêu, dưa hấu…; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về TTK nước ở khu vực cần ưu tiên cho các loại cây trồng cạn chủ lực; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích cũng như hiệu quả của công nghệ TTK, đặc biệt là vấn đề giảm áp lực nguồn nước tưới trong bối cảnh hạn hán ngày càng gay gắt do biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Các địa phương cần quy hoạch từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện SX để sử dụng các thiết bị, công nghệ tưới hiệu quả hơn nhằm áp dụng vào thực tiễn một cách bền vững; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo quy mô diện tích SX lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN, hình thành vùng SX hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, TTK nước cho các cây trồng nhằm bảo đảm mục tiêu, định hướng cho phát triển NN trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên địa bàn.
 
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình TTK, nâng cao vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
 Chi Hoa

tin liên quan

Sản lượng điện gió đạt thấp so với cùng kỳ

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Công thương cho biết: Điện gió đạt sản lượng thấp so với cùng kỳ (đạt 118,0 triệu KWh, giảm 28,9%) đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp trong quý I/2024.
 

Lệ Thủy: Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 1.335 tấn

(QBĐT) - Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi, ngư dân các xã biển Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc đã tu sửa tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và các loại máy móc, trang thiết bị để khai thác thủy sản.

 

Bảo đảm quyền của người tiêu dùng

(QBĐT) - Không chỉ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (NTD) còn tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Ở Quảng Bình, vấn đề này ngày càng được quan tâm hơn.