Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

  • 10:24 | Thứ Hai, 25/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp (SXNN) được huyện Bố Trạch xác định là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, thời gian qua, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển SXNN theo hướng bền vững.
 
Liên kết SX theo chuỗi giá trị
 
Hiện nay, cây lúa vẫn là một trong những cây trồng chủ lực trong SXNN trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng. Tuy nhiên, đa phần việc SX của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ. Để phát triển SX lúa bền vững, huyện Bố Trạch đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đến việc thực hiện SX theo chuỗi.
Liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao giá trị cây lúa.
Liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần giúp nông dân ổn định sản xuất, nâng cao giá trị cây lúa.
Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, huyện đã tổ chức xây dựng liên kết SX theo chuỗi giá trị cho 285ha lúa với sản lượng đạt 1.700 tấn, giá trị ước đạt 12,8 tỷ đồng; với sự tham gia của hơn 2.800 hộ dân trên địa bàn 7 xã. Việc liên kết SX theo chuỗi nhằm góp phần giúp nông dân ổn định SX, nâng cao giá trị cây lúa.
 
Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nấm sạch và rượu Xuân Hưng chia sẻ: “Từ vụ đông-xuân 2022-2023, HTX chúng tôi triển khai chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gạo ST25. Diện tích lúa thu mua là 35ha, trồng trên địa bàn xã Mỹ Trạch. Sau khi thu mua, HTX áp dụng các loại máy móc, kỹ thuật tiên tiến để chế biến gạo, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tính thẩm mỹ của sản phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Với chất lượng gạo thơm ngon, gạo ST25 do HTX SX được nhiều khách hàng tin dùng, góp phần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP”.
Chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gạo ST25 đang được HTX Sản xuất nấm sạch và rượu Xuân Hưng triển khai hiệu quả.
Chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gạo ST25 đang được HTX Sản xuất nấm sạch và rượu Xuân Hưng triển khai hiệu quả.
Hiện, toàn huyện có 6 doanh nghiệp (DN), HTX có hợp đồng và liên kết thường xuyên với hơn 150 tàu cá xa bờ và hơn 50 tàu cá gần bờ để thu mua các loại hải sản đánh bắt. Một trong những DN đó là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung QB. Công ty có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hải sản với khoảng 15 tàu cá mỗi năm, sản lượng tầm 300 tấn (mực, cá cơm, cá hố, cá nục…). Ngoài ra, công ty cũng thu mua hải sản của nhiều tàu cá các tỉnh bạn. Các loại hải sản này sau khi tiêu thụ sẽ được công ty đưa vào chế biến làm nước mắm; sơ chế, đóng gói sản phẩm hải sản đông lạnh xuất bán cho thị trường.
 
Phó Giám đốc công ty Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Việc hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tàu cá giúp công ty chúng tôi bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, tươi ngon phục vụ cho việc chế biến sản phẩm. Hiện, công ty đã có sản phẩm nước mắm Ngọc Biển đạt OCOP 4 sao và nhiều sản phẩm cá, mực đông lạnh chất lượng. Mỗi năm, công ty đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 500-1.000 tấn hải sản cho khách trong tỉnh và các tỉnh bạn (Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…)”.
 
Tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 về tái cơ cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện đã ban hành đề án phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021-2025. Đây là một đề án toàn diện trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương; đồng thời, góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành trong nhiều năm qua, nhất là tình trạng SX nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, hợp tác trong SX; chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa cao, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường… 
Sản phẩm OCOP 4 sao nước mắm Ngọc Biển của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung QB được đánh giá cao về chất lượng.
Sản phẩm OCOP 4 sao nước mắm Ngọc Biển của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung QB được đánh giá cao về chất lượng.
Sau hơn 2 năm triển khai, với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng sự vào cuộc của các địa phương, DN và người dân, đề án đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều cây trồng, vật nuôi thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, các chuỗi sắn, keo, lợn, nấm, dược liệu có tỷ lệ tham gia liên kết cao nhất, chiếm trên 30% sản lượng.
 
Tuy vậy, việc thực hiện đề án vẫn gặp một số khó khăn, như: Nhiều địa phương chưa chủ động trong tìm kiếm các đối tác liên kết chuỗi, nhất là các HTX, DN bao tiêu sản phẩm để xây dựng các vùng SX liên kết; năng lực của một số DN, HTX đầu mối trong chuỗi liên kết SX-tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn bị động; các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ…
 
Đề án phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị được xác định là hướng đi bền vững, là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp huyện. Để hoàn thành các mục tiêu đề án, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, UBND huyện đã đưa ra các giải pháp chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện.
Nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tàu cá, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung QB bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tàu cá, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung QB bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể, huyện tăng cường sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện đề án tại địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, HTX, DN để họ nhận thấy lợi ích của việc tham gia các hình thức liên kết, cùng hợp tác phát triển.
 
Đến nay, huyện Bố Trạch có 26 chuỗi liên kết SX theo chuỗi giá trị. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt 8 chuỗi, chăn nuôi 10 chuỗi, thủy hải sản 7 chuỗi, lâm nghiệp 1 chuỗi. Các hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa DN với HTX/THT và hộ nông dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa DN với HTX/THT và hộ nông dân; liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, HTX, DN xây dựng dự án phù hợp để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao. Huyện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong đầu tư SX, cải cách hành chính để tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên thu hút đầu tư đối với các DN có thực hiện chuỗi liên kết với nông dân trên địa bàn huyện, chế biến nông sản theo hướng chuyên sâu, bền vững.

Việc liên kết phải có hợp đồng thể hiện rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia, làm căn cứ thực hiện và xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng. Huyện cũng khuyến khích hộ cá thể liên kết SX thành tổ hợp tác (THT), HTX theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ về THT và Luật HTX 2012; tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế; hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, đăng ký thương hiệu, thông tin, tìm kiếm thị trường…
Lê Mai

tin liên quan

"Làn gió" mới từ OCOP

(QBĐT) - Hiệu quả từ thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn huyện Lệ Thủy thời gian qua được đánh giá khá rõ nét, qua đó, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao sản phẩm chủ lực của địa phương, đem lại doanh thu cao cho nhiều sản phẩm OCOP…

Tiết kiệm nước-thích ứng với biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Ứng dụng công nghệ phun, tưới nhỏ giọt của Israel trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, người nông dân sẽ tiết kiệm được nguồn nước, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...  

Truyền thông bảo vệ rừng, động vật hoang dã và môi trường

(QBĐT) - Ngày 24/3, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế và UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh) tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng, động vật hoang dã và môi trường tại các bản Trung Sơn, Cây Cà, Cổ Tràng thuộc xã Trường Sơn.