Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

  • 07:08 | Thứ Tư, 27/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa nắng nóng năm 2024 trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu và được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp do tình trạng El Nino, hạn hán kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Để ngăn chặn “bà hỏa” gây tổn hại đến rừng, ngay từ đầu mùa khô, lực lượng Kiểm lâm cùng các cấp chính quyền, chủ rừng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng phó…
 
Là địa phương có hơn 144 nghìn ha là đất có rừng tự nhiên và rừng trồng đã thành rừng, trong năm 2023, toàn huyện Bố Trạch xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại do “bà hỏa” gây ra trên 10ha rừng (chủ yếu thuộc địa phận xã Thanh Trạch). Bước vào đầu mùa nắng nóng 2024, huyện Bố Trạch sớm chủ động rà soát để xác định vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
 
Ông Trần Tiến Dũng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch cho biết: Ngay từ đầu mùa khô năm 2024, huyện Bố Trạch xác định có 4 vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy cao. Cụ thể, vùng 1 gồm các xã Thanh Trạch, Bắc Trạch, Mỹ Trạch, với khoảng 1.500ha thông nhựa và một số diện tích rừng trồng phi lao ven biển, rừng keo lai; vùng 2 gồm các xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch; vùng 3 gồm các xã Vạn Trạch, Tây Trạch, Phú Định, với hơn 800ha rừng thông nhựa; vùng 4 gồm các xã Xuân Trạch, Lâm Trạch, Phúc Trạch, Liên Trạch, Hưng Trạch, với trên 8.200ha rừng trồng (trong đó có trên 300ha rừng trồng thông nhựa).
Lực lượng Kiểm lâm huyện Bố Trạch thường xuyên kiểm tra phương tiện, dụng cụ để sẵn sàng ứng phó với
Lực lượng Kiểm lâm huyện Bố Trạch thường xuyên kiểm tra phương tiện, dụng cụ để sẵn sàng ứng phó với "giặc lửa".
Trên cơ sở khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, huyện Bố Trạch đã triển khai các kế hoạch, phương án, giải pháp để phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (BCĐ CTPTLNBV) huyện Bố Trạch và củng cố các tổ, đội PCCCR các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCCR; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và túc trực 24/24 giờ để chủ động PCCCR.
 
Mặt khác, Hạt Kiểm lâm huyện còn chỉ đạo, đôn đốc kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng làm tốt công tác xử lý thực bì, vận động người dân trồng lại rừng kinh tế trước mùa khô; bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ để PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; củng cố, xây dựng các đường ranh cản lửa, đường băng trắng…
 
Tương tự, các địa phương có diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng trồng lớn như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy… cũng đã sắp xếp, kiện toàn BCĐ CTPTLNBV, chủ động khoanh vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhằm triển khai công tác PCCCR năm 2024 một cách chủ động, hiệu quả, sát với thực tiễn của từng địa phương.
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết: Huyện hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 127.686,22ha, chiếm 91,61% tổng diện tích tự nhiên (trong đó, diện tích có rừng gần 110 nghìn ha, diện tích chưa thành rừng hơn 18 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 78,33%).
 
Trong năm 2023, địa bàn Minh Hóa không xảy ra cháy rừng. Có được kết quả trên, trong năm, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện còn làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện Minh Hóa, như: Thành lập tổ liên ngành thực hiện kiểm tra công tác PCCCR đối với UBND cấp xã và đơn vị chủ rừng; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét, ngăn chặn, xử lý các hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái pháp luật trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán; phối hợp tổ chức hơn 100 buổi họp dân với hơn 5.000 lượt người tham gia nhằm tuyên truyền, ký cam kết về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR…
 
Phát huy những kết quả đạt được, bước vào mùa khô năm 2024, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục đa dạng hóa các giải pháp BVR và PCCCR một cách hiệu quả, sát với thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương, các chủ rừng, người dân về công tác BVR và PCCCR.
 
Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 650.534,31ha. Phân theo hiện trạng, toàn tỉnh có gần 470 nghìn ha rừng tự nhiên, hơn 79 nghìn ha rừng trồng, gần 42 nghìn ha đất đã trồng chưa thành rừng, hơn 59 nghìn ha đất chưa có rừng và tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,70%. Trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy rừng (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước), với diện tích rừng bị cháy 80,63ha.

Ông Lê Trung Hiền, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: Hiện, tỉnh ta đã lập hồ sơ quản lý rừng đến tận các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng, quản lý việc khai thác rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp; kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng theo quy định pháp luật.

Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giảm số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp và giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra so với năm 2023. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đặt ra, ngay từ đầu mùa khô, BCĐ CTPTLNBV tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai công tác BVR và PCCCR phù hợp với tình hình thực tế và bám sát phương châm “4 tại chỗ” để đối phó với nguy cơ cháy rừng xảy ra. Chủ động thành lập, kiện toàn các BCĐ, tổ, đội về BVR và PCCCR cấp cơ sở; sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn cháy rừng hiệu quả, không chủ quan, lơ là trước mọi tình huống. Lực lượng Kiểm lâm trong tỉnh luôn phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo về cháy rừng, tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt trong rừng, ven rừng dễ cháy và hướng dẫn người dân sử dụng lửa an toàn, có ý thức PCCCR…
Văn Minh

tin liên quan

Ngư dân trúng đậm cá cơm, thu về cả trăm triệu đồng mỗi ngày

Những ngày vừa qua, trung bình mỗi tàu khai thác trở về cảng đều được 7-10 tấn cá cơm, cá biệt có tàu trúng 15-20 tấn, có thu nhập lên đến hơn 100 triệu đồng chỉ sau đêm đánh bắt.

Khơi dậy tiềm năng du lịch phía Nam dãy Hoành Sơn

(QBĐT) - Vùng đất phía Nam dãy Hoành Sơn với nhiều danh lam, thắng cảnh kỳ vĩ, non nước hữu tình gắn với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Với những tiềm năng, lợi thế "trời ban", huyện Quảng Trạch đang mong muốn đưa vùng đất này trở thành trung tâm du lịch phía Bắc của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, huyện rất cần sự quan tâm, giúp đỡ và đồng hành của những nhà đầu tư tâm huyết…

Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết liệt ngay từ đầu năm

(QBĐT) - Thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, bởi đây là nguồn lực hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển. Xác định rõ tầm quan trọng, công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC hàng năm luôn được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai quyết liệt, tuy vậy, vẫn còn gặp không ít khó khăn.