Liên kết "3 nhà" trong đào tạo nhân lực du lịch

  • 07:45 | Thứ Ba, 19/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phục hồi trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong muôn vàn khó khăn phải đối mặt, việc thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề khiến ngành Du lịch (DL) Quảng Bình đau đầu tìm cách vượt khó và gỡ khó. Từ thực tế chất lượng đào tạo ngành DL đến nhu cầu, đòi hỏi đáp ứng sự phát triển của ngành là cả một khoảng cách vời vợi và còn nhiều chỗ trống cần được lấp đầy bởi chính sự nỗ lực của mối liên kết 3 nhà: Nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp (DN).
 
Bài toán muôn thuở
 
Với ngành DL Quảng Bình, nhân lực vẫn luôn là bài toán không hề dễ dàng. Câu chuyện bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo luôn được nhắc đến trong mỗi diễn đàn kết nối DL giữa các cấp, ngành, địa phương và DN DL. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, như rất nhiều tỉnh, thành khác, Quảng Bình đối diện với một thách thức không nhỏ là thiếu hụt nguồn nhân lực DL. Bởi một số lượng nguồn nhân lực đã chuyển sang các ngành, nghề khác. Bài toán nhân lực vốn không dễ dàng nay càng khó khăn hơn.
 
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, phần lớn nguồn nhân lực DL chỉ qua các khóa học “cấp tốc”, ngắn hạn nên kỹ năng nghề còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo. Trong đó, rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành DL mà chủ yếu từ các ngành khác, như: Ngoại ngữ, khoa học xã hội và tự nhiên. DN DL của Quảng Bình có quy mô vừa và nhỏ. Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, DN thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chất lượng lao động không cao. Chưa kể, chế độ lương, thưởng thấp nên chưa có sự động viên, khuyến khích lao động gắn bó lâu dài với DN.
Đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn phục vụ du lịch tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9.
Đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn phục vụ du lịch tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9.
DL Quảng Bình vẫn nặng tính mùa vụ. Điều này cũng khiến cho người lao động không mấy mặn mà với công việc đảm nhận nên xảy ra tình trạng nghỉ việc, nhảy việc vào mùa thấp điểm. Khi mùa cao điểm bắt đầu cũng là lúc các DN loay hoay tìm kiếm nhân sự. Công tác đào tạo lại diễn ra chóng vánh, vội vàng. Chất lượng phục vụ vì thế cũng không thể đáp ứng được yêu cầu trong ngày 1, ngày 2.
 
Không ai đứng ngoài cuộc
 
Đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023, Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen Spa&Resort (Lệ Thủy) hiện đang tạo việc làm cho gần 250 lao động, trong đó có gần 40 lao động là đồng bào Bru-Vân Kiều. Tuy nhiên, việc đào tạo gặp nhiều khó khăn do lực lượng lao động chủ yếu là người dân địa phương, tốt nghiệp trái ngành, nghề. Song song với quá trình xây dựng, hoàn thiện dịch vụ, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh-chủ đầu tư dự án đã luôn chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là khâu then chốt quyết định đến chất lượng dịch vụ. Công tác tuyển dụng nhân sự được triển khai từ tháng 3/2021.
 
“Suốt nhiều tháng trời, để tạo điều kiện cho người lao động, hàng ngày, đơn vị bố trí xe chở họ từ Lệ Thủy xuống Sunspa Resort (TP. Đồng Hới) để đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Khi Bang Onsen Spa&Resort đi vào vận hành, công tác này càng được chú trọng, quan tâm. Hai tháng nay, chúng tôi thuê 7 chuyên gia từ Nhật Bản đến chuyển giao công nghệ và trực tiếp đào tạo cho đội ngũ nhân viên”, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Bang Onsen Spa&Resort chia sẻ.
 
Theo số liệu từ Sở DL, tính đến hết tháng 10/2023, Quảng Bình có khoảng 15.300 lao động trong lĩnh vực DL, gồm 4.500 lao động trực tiếp và khoảng 10.800 lao động gián tiếp. Tổng số hướng dẫn viên DL được cấp thẻ đang hoạt động là 351 người, trong đó có 176 hướng dẫn viên quốc tế, 175 hướng dẫn viên DL nội địa.

Đào tạo hay đào tạo lại trở thành câu chuyện chung của nhiều DN kinh doanh DL trên địa bàn. Với các DN lớn, khai thác các sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực, việc đào tạo cho đội ngũ nhân sự phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Tại Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis), thời điểm đóng tour để hệ sinh thái trong các hang động phục hồi cũng là cơ hội để đơn vị tập huấn thêm nhiều kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, poster, trợ lý an toàn…

Tại hội nghị kết nối DL năm 2023 vừa được Sở DL tổ chức, bà Ngô Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường cao đẳng DL Sài Gòn khẳng định, với một địa phương nhiều lợi thế và ưu tiên phát triển DL như Quảng Bình, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải luôn được quan tâm đầu tư. Thời gian tới, Trường cao đẳng DL Sài Gòn sẽ hỗ trợ Oxalis trong việc đào tạo cho bà con làm DL tại xã Tân Hóa (Minh Hóa). “Chúng tôi hy vọng điều này không chỉ nâng cao kỹ năng cho bà con trong phục vụ du khách mà còn góp phần phát triển DL cộng đồng, từ đó phát triển DL bền vững tại địa phương”, bà Xuân khẳng định.

Đa dạng phương thức đào tạo
 
Tại ngày hội tư vấn giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho học sinh THPT vừa diễn ra tại huyện Tuyên Hóa, đại diện Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh chia sẻ, trong số các DN đăng ký tham gia tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm, các ngành, nghề thuộc lĩnh vực DL dịch vụ chiếm đến 32%. Cũng tại ngày hội này, các em học sinh đã dành nhiều sự quan tâm với các ngành, nghề DL. Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường lao động, nhất là với địa phương định hướng phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Quảng Bình, nhu cầu về nhân lực DL luôn luôn ở mức cao.
 
Là một trong những ngành, nghề “hot”, được quan tâm nhất nên các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cho công tác đào tạo, chú trọng các mã ngành: Kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, buồng phòng, tiếng Anh giao tiếp… Cùng với việc đầu tư chương trình giảng dạy với hơn 70% thời lượng dành cho thực hành, các trường kết nối với nhiều DN DL để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có môi trường thực hành, thực tập chuyên nghiệp và có được việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp.
Đội ngũ nhân viên của Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa&Resort được các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đào tạo.
Đội ngũ nhân viên của Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa&Resort được các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đào tạo.
Xác định nhân lực DL có vai trò then chốt, Sở DL đã ban hành kế hoạch hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực DL dựa trên nhu cầu của các đơn vị hoạt động DL trên địa bàn. Sở đã phối hợp với các trung tâm GDNN trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn nghề DL theo tiêu chuẩn DL Việt Nam (VTOS) cho nhân viên các đơn vị hoạt động DL; lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp và các nghiệp vụ cơ bản về phát triển DL cộng đồng cho người dân ở các địa bàn trọng điểm.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở DL để góp phần phát triển các sản phẩm DL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sở đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Bru-Vân Kiều tại xã Trường Xuân (Quảng Ninh) hay các lớp truyền thông, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tổng số học viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ DL do sở chủ trì, phối hợp tổ chức trong năm 2023 là 395 người.
 
Thực tế chất lượng nguồn nhân lực DL hiện nay đòi hỏi công tác đào tạo nhân lực ngành nghề này phải vừa bảo đảm số lượng nhưng cũng đồng thời chú trọng đến chất lượng, theo phương châm: Vừa đào tạo dài hạn chuyên ngành mang tính tập trung, bài bản, vừa phải đào tạo theo hình thức truyền nghề, thiếu gì bù đó. Muốn vậy, song song với việc DN tự đào tạo, các địa phương, đơn vị, các trung tâm GDNN cần tập trung các khóa đào tạo bài bản, chuyên sâu. Và cũng như nhiều ngành, nghề khác, đào tạo nhân lực DL cần thiết phải có sự kết nối chặt chẽ giữa “3 nhà”: Nhà nước, nhà trường và nhà DN.
Diệu Hương

tin liên quan

Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

(QBĐT) - Ngày 18/12, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

 

Quảng Ninh: Triển khai hiệu quả chính sách, giải pháp giảm nghèo

(QBĐT) - Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp, công tác giảm nghèo ở huyện Quảng Ninh đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

Hỗ trợ kinh phí cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh

(QBĐT) - Chiều 18/12, đại diện lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cấp ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh năm 2023 đã trao kinh phí hỗ trợ cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh.