Ka Tang-Nơi tình người còn mãi

  • 09:01 | Thứ Bảy, 07/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đầu thu năm 2023, tại Di tích lịch sử trận địa pháo Bắc Ka Tang diễn ra một cuộc gặp gỡ xúc động: Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Oánh đại diện cho các chiến sĩ Đại đội 10, pháo cao xạ 37 ly, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 280, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân (PK-KQ) chiến đấu tại Ka Tang những năm 1968, 1969 từ Hà Tĩnh vào, chị Trần Thị Lý tác giả bài thơ  “Khẩu đội ơi” trong Quảng Trị ra và nhạc sĩ Bình Sơn phổ nhạc ca khúc cùng tên từ TP. Đồng Hới lên. Họ là những người chưa từng quen biết nhưng đã gặp nhau ở tình cảm biết ơn sâu nặng đối với các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng tại Ka Tang.
 
Trong ký ức chưa bao giờ phai nhạt của CCB Nguyễn Xuân Oánh, những năm cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, cầu Ka Tang nằm trên tuyến đường chiến lược 15A thuộc xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Hoa Kỳ. Nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong đã đến đây chiến đấu bảo vệ cầu để mạch máu giao thông của quân ta luôn luôn thông suốt, trong đó có đơn vị của CCB Nguyễn Xuân Oánh.
 
Đó là những tháng ngày vô cùng ác liệt. Chỉ một dấu hiệu nhỏ chứng tỏ có hoạt động của bộ đội ta: Một đoạn nước suối đổi màu, một vạt lá ngụy trang ngả úa, một vệt bánh xe đi, một làn khói mỏng… đều ngay lập tức trở thành tọa độ dội bom của quân thù. Hố bom nối tiếp hố bom. Hy sinh, thương vong của bộ đội, thanh niên xung phong ập đến liên tục.
 
Đỉnh điểm thương đau xảy ra ngày 9/1/1968, 9 chiến sĩ thuộc Đại đội 10, pháo cao xạ 37 ly, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 280, Bộ Tư lệnh PK-KQ đang chiến đấu tại trận địa pháo Bắc Ka Tang đã hy sinh sau một loạt bom bất ngờ. Chỉ có hai chiến sĩ thi thể còn nguyên vẹn. Bảy chiến sĩ khác tan hòa vào đất đai sông núi Trường Sơn. Tất cả họ đang thanh xuân rạo rực, mười tám, đôi mươi.
 
“Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, bộ đội, thanh niên xung phong vẫn tiếp tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cơn lốc chiến tranh cuốn họ đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, trận địa này sang trận địa khác. Chỉ những người hy sinh là vẫn lặng lẽ nằm lại với rừng già. 9 chiến sĩ pháo binh ngã xuống ở Ka Tang năm ấy cũng lặng lẽ như thế suốt gần 50 năm. Chỉ đến khi đồng đội của họ tìm về…
 
Tháng 8/2015, nhân kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ và 47 năm ngày hy sinh của 9 đồng đội, các CCB Đại đội 10, pháo cao xạ 37 ly, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 280, Bộ Tư lệnh PK-KQ trở về Lâm Hóa thăm chiến trường xưa. Đó là lần đầu tiên sau chiến tranh, các chiến sĩ pháo binh hy sinh anh dũng ở Ka Tang được nhớ lại. Không ai bị lãng quên! Ngày 2/2/2018, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 409/QĐ-UBND công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với trận địa pháo Bắc Ka Tang. Trên địa bàn xã Lâm Hóa, thêm một địa chỉ đỏ của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và niềm tri ân sâu sắc đối với nhân dân khắp mọi miền.
Chị Trần Thị Lý, nhạc sĩ Bình Sơn và CCB Nguyễn Xuân Oánh bên hố bom nơi các chiến sĩ pháo binh hy sinh.
Chị Trần Thị Lý, nhạc sĩ Bình Sơn và CCB Nguyễn Xuân Oánh bên hố bom nơi các chiến sĩ pháo binh hy sinh.

Di tích lịch sử trên đồi cao, nơi năm xưa các anh chiến đấu nay đã bình yên, hố bom nơi các anh ngã xuống cây cối cũng lên xanh, câu chuyện hơn 50 năm trước đang được những người sống hôm nay kể mãi với niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn. Chị Trần Thị Lý là giáo viên ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chị chưa đến Ka Tang, chỉ biết đến nơi này qua câu chuyện cảm động từ những người cựu chiến binh nhưng đã viết bài thơ “Khẩu đội ơi!” vô cùng xúc động.

Bài thơ hiện được treo tại Đài tưởng niệm khu Di tích lịch sử trận địa pháo Bắc Ka Tang: “Tôi đã nghe tiếng thì thầm trong đất/Chiều Ka Tang lặng lẽ bước chân về/Lê gót dài, lòng bỗng thấy tái tê/Đốt nén nhang xót thương những người lính trẻ/Lệ nhạt nhòa, ruột gan đau như xé/ Đồng đội tôi về có kịp chiều nay?/Ký ức một thời như hãy còn đây/Nghe đạn réo, bom gầm xưa vọng lại./Sáng hôm ấy tôi vẫn còn nhớ mãi/Trận địa bom vùi, nhiều đồng chí hy sinh/ Đất dưới chân sao bỗng lặng im/Nước mắt tuôn trào, hai môi mím chặt/Giây phút bàng hoàng, lòng đau như cắt/Khẩu đội chín người mãi mãi ra đi/Các bạn tôi đang độ xuân thì/Tuổi hai mươi tân binh còn rất trẻ…”.

Bài thơ của chị Trần Thị Lý đã chuyển tải được tình cảm của nhân dân đối với các anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc nói chung và các chiến sĩ trẻ hy sinh ở Ka Tang nói riêng nên nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Trong đó có nghệ sĩ Mạnh Hùng. Bài thơ “Khẩu đội ơi!” đã vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ngâm da diết của ông: “Chiều Ka Tang còn đó nỗi đau/Lòng tiếc thương những anh hùng liệt sỹ/Khẩu đội tôi giờ đây yên nghỉ/Hố bom kia vẫn lấy đó làm nhà/Những linh hồn xanh mãi với cỏ hoa…”.
 
Bài thơ còn được tiếp tục chấp cánh bởi duyên gặp gỡ giữa nhạc sĩ Bình Sơn và tác giả Trần Thị Lý. Trong chuyến thực tế sáng tác đến Ka Tang, nhạc sĩ Bình Sơn ngay lập tức bị bài thơ thu hút bởi sự đồng điệu về cảm xúc, bài thơ đã nói hộ tiếng lòng của ông. Nhạc sĩ nói rằng, sau khi nghe cán bộ Đảng ủy xã Lâm Hóa nói về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ pháo cao xạ tại Ka Tang và đọc bài thơ chị Lý sáng tác, ông gần như mất ăn mất ngủ.
 
Những tiếng bom đang gầm rú. Hình ảnh các anh ngã xuống. Và lặng lẽ ở lại giữa núi rừng Tuyên Hóa gần 50 năm. Diễn biến đó ám ảnh ông, cho đến khi những nốt nhạc bật ra:  “Linh thiêng nơi này, tôi đã nghe tiếng thì thầm trong đất /Chiều Ka Tang lặng lẽ bước chân về/Lê gót dài, lòng bỗng thấy tái tê/Đốt nén nhang xót thương những người lính trẻ/Lệ nhạt nhòa, ruột gan đau như xé/Đồng đội tôi về có kịp chiều nay?”.
 
Ca khúc vang lên lần đầu tiên tại khu Di tích lịch sử trận địa pháo Bắc Ka Tang. Đó là buổi lễ tưởng niệm khác biệt nhưng vô cùng linh thiêng và cảm xúc. Nhạc nghi lễ “Chiêu hồn tử sỹ” được thay bằng bài hát “Khẩu đội ơi!” diết da và sâu thẳm. Trong khói hương nồng ấm, giữa bảng lảng mây trời Ka Tang, ca khúc “Khẩu đội ơi” là thông điệp kết nối giữa các anh hùng liệt sỹ với anh em đồng đội đang sống, giữa những tấm lòng với những tấm lòng. Luôn đầy biết ơn và ngưỡng vọng của bao người đang sống hôm nay!
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Trước biển Vũng Chùa

(QBĐT) - Biển ở đâu sóng cũng vỗ về bờ
Đi trăm nơi vẫn nhớ miền quê mẹ
Cả dân tộc biết đến Vũng Chùa-Đảo Yến
Từ khi ĐẠI TƯỚNG về đây yên nghỉ 
                                                    vĩnh hằng

Hóa trời xuân

(QBĐT) - Lớn lên sông núi gặp gian nan
Thế kỷ theo người những trở trăn
Bao dáng đoàn quân bao ánh mắt
Mỗi miền Tổ quốc mỗi đường nhăn
"Văn lo vận nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn"
Trăm lẻ ba xuân về đất mẹ
Linh hồn Đại tướng hóa trời xuân!

Quảng Bình có 2 món ăn được công nhận là món ăn tiêu biểu Việt Nam

(QBĐT) - Sáng 29/9, tại TP. Hà Nội diễn ra lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022 và công bố giai đoạn II-2023 Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia"'.