Không gian mở cho tác phẩm văn học nghệ thuật

  • 08:38 | Chủ Nhật, 24/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1997, mạng thông tin toàn cầu internet chính thức có mặt tại Việt Nam, nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước đã bắt kịp xu thế chung lập blog cá nhân để đăng tải tác phẩm của mình. Lúc bấy giờ, hoạt động này ở Quảng Bình chưa được phổ biến, đếm đi đếm lại chỉ có vài người. Số công chúng quan tâm cũng không nhiều. Chỉ đến năm 2006, facebook xuất hiện, điều kiện tham gia đơn giản, dễ dàng thì việc quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) trên mạng xã hội này mới thực sự bùng nổ. Facebook được ví như không gian mở cho tác phẩm VHNT.
 
Nếu gửi tác phẩm đến các cơ quan báo chí, tác giả phải mất thời gian chờ đợi trong thấp thỏm, âu lo, không biết được đăng hay không thì việc tự xuất hiện trên facebook là con đường tương tác rất nhanh với bạn bè. Thậm chí, lượng người đọc còn có khả năng cao hơn khi đăng tải trên báo giấy, phát thanh, truyền hình. Chỉ một cú click, tác phẩm sẽ lan tỏa ngay lập tức trong cộng đồng. Thời gian qua, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Bình đã dùng facebook làm phương tiện kết nối tác phẩm với công chúng khá hiệu quả.
 
Trong đó, các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, thơ, nhạc có lợi thế bởi sự ngắn gọn, giao diện trực tiếp. Tác phẩm văn xuôi ít thu hút hơn bởi văn xuôi thường dài. Có một thống kê xã hội học kết luận rằng, con người thời sống vội chỉ thích nhanh gọn, đọc, xem, nghe ngay lập tức, không mất nhiều thời gian. Những bức ảnh đẹp, bài thơ ngăn ngắn đăng trên facebook thường có lượt like và bình luận cao hơn những bài viết dài. Một dẫn chứng rất cụ thể: Nếu các bài thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, Hoàng Thụy Anh… đăng trên facebook lượt like có thể lên đến vài trăm hoặc cao hơn nữa thì những bài bút ký dằng dặc của tôi chỉ chưa đến 50 lượt like. Bên cạnh nguyên nhân chất lượng tác phẩm chắc chắn còn do yếu tố cồng kềnh, mất thời gian của thể loại này.
 
Văn nghệ sĩ Quảng Bình sử dụng facebook để quảng bá tác phẩm VHNT nghiêm túc và có trách nhiệm. Không chỉ những người trẻ, nhiều tác giả tuổi đời đã 70, 80 vẫn hết sức hào hứng với công việc này. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật xem facebook như “cơ quan truyền thông” của mình. Facebook Hoàng Vũ Thuật, thơ và thơ trên mọi góc độ. Tất cả những tác phẩm ông gửi lên đó cho bạn bè biết về quan điểm và xu hướng sáng tác của ông. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vốn được xem là người đi tiên phong trên con đường thơ cách tân nhưng thật ra ông không chỉ theo đuổi thể thơ này.
 
Nhà thơ vẫn đang sáng tác ở nhiều thể dạng khác, tùy theo nội dung, hoàn cảnh và cảm xúc. Ví như bài thơ “Đợi” vừa lên facebook gần đây: “Đợi như là đợi cái ngày xửa xưa/Bồng bềnh nắng dỗi sau mưa/Gió hờn ru gió lưa thưa vô hình/Không bến nước không sân đình/Mình tôi đợi với bóng mình thành hai/Hôm qua sương ướt bờ vai/Bờ vai đẫm ướt cho dài nỗi đêm/Bây giờ lá đỏ lưng thềm/Mây chen trắng tóc mây tìm về đâu/Đợi ai ai đợi ai nào/Mà tôi quanh quẩn ra vào quên tôi”. Có ai bảo truyền thống là không hay?!
Minh họa: Minh quý
Minh họa: Minh Quý
Ông Đỗ Quý Dũng thong thả buông cần câu bên dòng Kiến Giang và làm thơ. Vì facebook của ông luôn luôn sôi động bởi những tác phẩm mới, giàu suy tưởng và chiêm nghiệm: “Ngót thế kỷ mẹ bám vào mặt đất/Nắng cháy rát mặt/Lũ lụt ăn mòn bàn chân/Mẹ cần mẫn chuyển từng giọt nhựa lên cành/Cho hoa kết trái/Ngót thế kỷ mẹ không may áo mới/Mặc lại áo của con đủ ấm lắm rồi/Ngót thế kỷ mẹ ngồi bên nồi/Xới cơm cho các con lắm khi mẹ quên cầm đũa/Thiếu hai năm vừa tròn thế kỷ/Đất lạnh mẹ về để ấm áp lại cho con”.
 
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng với nhiều tác phẩm trên facebook cho biết anh coi thơ là “ khí thở”. Và rất nhiều tác giả khác, facebook là “trang thơ”, như: Văn Tăng, Trần Khởi, Vũ Thắng, Hoàng Hải Vương, Phan Văn Chương, Hoàng Thụy Anh, Lê Minh Thắng, Hoàng Đăng Khoa, Nhung Nhung…
 
Hoạt động trên lĩnh vực văn học và tham gia mạng xã hội, tiếp cận tác phẩm của anh em đồng nghiệp trên nhiều kênh sóng khác nhau, cả thực và ảo, tôi có cảm giác đời sống VHNT trên không gian mạng có khi lại sôi động hơn cả ngoài đời thực. Tác phẩm được báo, đài, tạp chí đăng tải nhiều lúc rơi vào tình trạng ai sáng tác người ấy đọc, người ấy nghe, người ấy xem. Đưa lên mạng thì những người bạn với mình đều thấy. Cảm nhận thế nào tùy mỗi người nhưng họ biết rằng ta đang tồn tại cùng tác phẩm.
 
Bên cạnh chuyên ngành văn học, nhiếp ảnh là loại hình thực sự chiếm ưu thế trên không gian mạng. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Bình: Lê Đức Thành, Thành Vương, Hoàng An, Nguyễn Hải… thường xuyên mang đến cho bạn bè và cộng đồng những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Qua ảnh, công chúng được chiêm ngắm vẻ đẹp đặc biệt, riêng có của quê hương Quảng Bình: Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với hệ thống hang động kỳ vỹ và bí ẩn, các lễ hội truyền thống, nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số, di tích danh thắng, cảnh quan và con người Quảng Bình… Điều này, các cuộc thi, liên hoan ảnh khép kín trong không gian cứng nhắc không thể làm được.
 
Chuyên ngành mỹ thuật cũng vậy, thông qua mạng xã hội người xem biết đến nhiều hơn tác phẩm của các nhà điêu khắc, họa sĩ, như: Nguyễn Lương Sáng, Nguyễn Lương Sao, Nguyễn Xuân Thành, Võ Hải, Nguyễn Thành Trung, Hồ Trọng Lâm… Đây là điểm gặp nhau giữa họ với các nhà sưu tập mỹ thuật, mở ra cơ hội tốt đưa tác phẩm đi muôn nơi trong nước và cả quốc tế. Nếu không, không gian tồn tại của nhiều bức tranh có chất lượng cũng chỉ trong khuôn khổ của triển lãm mỹ thuật khu vực, may hơn được ra toàn quốc, cuối cùng là lưu trữ trong kho cá nhân hoặc Hội VHNT tỉnh mà thôi.
 
Các tác phẩm âm nhạc cũng không ngoại lệ, khi được chia sẻ lên facebook, ca khúc sẽ có đời sống của nó chứ không phải là những nốt nhạc ngủ yên. Khi điều kiện quảng bá trên truyền thông và các sân khấu không nhiều thì mạng xã hội chính là cầu nối để các nhạc sĩ chuyển tải tác phẩm đến người nghe. Để nhiều người biết đến tác phẩm của mình đã là một thành công của văn nghệ sĩ.
 
Bàn về những vấn đề trên đây không có nghĩa là tuyệt đối hóa vai trò quảng bá tác phẩm VHNT của mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng. Mà chỉ để nói rằng, mạng xã hội là môi trường rộng mở để tác phẩm VHNT có thêm một đời sống khác, rộn vui hơn, tỉnh táo hơn và rộng rãi hơn. Đời sống đó dài hay ngắn phụ thuộc vào chất lượng thực chất của tác phẩm chứ không do nhiều lượt like và lời khen có cánh. Không phải bài thơ nào, tấm ảnh nào, bức tranh nào… lên facebook cũng hay, cũng đẹp như những lời khen.
 
Nhưng trong vô số các loại thông tin có thể nói là thượng vàng, hạ cám trên không gian xã hội ảo với đủ mọi thành phần có nhận thức, sở thích, nhu cầu khác nhau, văn nghệ sĩ Quảng Bình đã đóng góp cho mạng xã hội góc neo giữ tinh thần lành mạnh là các tác phẩm VHNT nghiêm túc, có chất lượng, mặc dù những tác phẩm ấy không có hội đồng nghệ thuật nào thẩm định hay kiểm duyệt.
 
Họ đã sáng tác và đăng tải bằng tinh thần trách nhiệm của mình, trước hết là với gương mặt của bản thân, sau đó là với anh em bạn bè trên facebook hoặc hơn thế nữa. Có rất nhiều tác phẩm trong đó, các tòa soạn báo, tạp chí trong nước liên lạc tác giả để được sử dụng (đối với văn học) hoặc người sưu tập, người sử dụng hay nhà sản xuất mua bản quyền (đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc…).
 
Tác phẩm VHNT trên mạng xã hội trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, độc bản. Vậy nên có thể tin rằng, trong số lượt like, "thả tim", khen ngợi chỉ có rất ít "like dạo", "tim dạo" hay lời khen đầu môi. Đối với VHNT, đời thực hay sống ảo đều có sự công bằng và quá trình thanh lọc sòng phẳng giữa văn nghệ sĩ với công chúng. Không có sự bắt ép đọc thơ, nghe nhạc, xem tranh…, không có sự cưỡng cầu khen chê… nếu người ta không thích.                                                      
 Trương Thu Hiền 

tin liên quan