Cảo thơm lần giở:

Võ phái Bạch hổ sơn quân trên đất Huế

  • 08:01 | Chủ Nhật, 17/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với lịch sử của vùng đất, võ thuật cổ truyền trên đất Huế gắn liền với cuộc di dân của người Việt, sự du nhập của các võ phái từ Trung Hoa. Đặc biệt, với vai trò là thủ phủ xứ Đàng Trong và kinh đô nhà Nguyễn, Huế từng là nơi quy tụ các nhân tài võ thuật khắp cả nước. Trong số đó, Bạch hổ sơn quân là một trong những võ phái mang đậm dấu ấn “võ ta” mà người sáng lập chính là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
 
Lớn lên trong một gia đình võ quan tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), Nguyễn Hữu Cảnh sớm được cha là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Dật truyền dạy võ nghệ. Tương truyền, khi còn nhỏ, ông thường vào khu Vườn Dầu dưới chân núi An Mã (Quảng Bình), nơi cất giấu binh lương của cha để luyện võ và học binh pháp.
Chân dung Chưởng môn đời thứ 20 Nguyễn Hữu Cẩn của võ phái Bạch hổ sơn quân.
Chân dung Chưởng môn đời thứ 20 Nguyễn Hữu Cẩn của võ phái Bạch hổ sơn quân.
 
Bằng niềm say mê và năng khiếu võ thuật, ông đã sáng lập ra võ phái Bạch hổ sơn quân với nhiều kỹ thuật mô phỏng hình tướng của hổ, đặc biệt là các thủ pháp mô phỏng bàn tay hổ (hổ trảo). Với tính thực dụng cao, võ phái Bạch hổ sơn quân chú trọng cận chiến, tập trung những đòn tấn công nhắm vào chỗ hiểm trên thân thể đối phương bằng quyền pháp, côn pháp, kiếm pháp, đao pháp, đằng bài pháp (phép đánh lăn khiên), đằng tiên pháp (phép đánh roi mây dài trên 2m), phủ việt pháp (phép đánh búa rìu), sam pháp (phép đánh trường côn đầu gắn hai dao nhọn). Tính chất thô sơ của các loại binh khí (lăn khiên, roi mây, cây sam, gậy...) cũng thể hiện tính bản địa, thuần Việt hết sức đậm nét của phái Bạch hổ sơn quân.
 
Ngoài ra, tinh hoa võ thuật của võ phái này còn được thể hiện ở những bài thiệu (ca quyết) ghi lại các tư thế, cách di chuyển trong mỗi bài quyền, bài binh khí, như: Ngọc trản, Phượng hoàng, Thần đồng, Song đao, Siêu đao, Ngũ môn chưởng côn pháp, Đơn kiếm, Lão mai… Mỗi bài có một yêu cầu kỹ thuật, sự công phu tập luyện riêng cũng như bối cảnh vận dụng khác nhau.
 
Đơn cử, với bài “Lão mai”, theo huấn luyện viên Lê Văn Tây: “Để nhuần nhuyễn bài này, tôi phải tập luyện đến 8 tháng và phải tập đánh bằng gân với sự kết hợp nhu, cương, thượng hạ, uyển chuyển như cây mai già trước gió không gãy”. Hay bài “Song đao” lại cần sức mạnh và sự khéo léo của hai tay cùng một lúc. Đặc biệt, bài “Ngọc trản” được xem là bài võ “trấn môn” với các đòn thế đánh ra nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng lại gây tổn thương lớn cho đối phương, được áp dụng trước thế đông của quân địch.
 
Tài năng võ thuật cùng với những người đi theo võ phái do Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập đã giúp ông ghi nhiều công trạng trên chiến trường Trịnh-Nguyễn, dẹp loạn Chiêm Thành, bình định Chân Lạp trong các vai trò Cai cơ, Thống binh, Chưởng cơ. Theo chân của Nguyễn Hữu Cảnh, một nhánh hậu duệ của ngài đã chọn định cư ở làng Mai Xuân bên dòng sông Phổ Lợi (nay thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) và lưu truyền võ thuật của Bạch hổ sơn quân phái.
 
Hiện nay, tổ đường của võ phái này đặt tại tổ dân phố Trung Đông, phường Phú Thượng, TP. Huế. Tuy khá đơn sơ, khiêm tốn nhưng bàn thờ tại ngôi tổ đường rất uy nghiêm với 3 án thờ chính, lần lượt thờ Quan Thánh Đế quân, Cửu Thiên Huyền Nữ và ngài Bạch Hổ. Đáng chú ý là ngày giỗ tổ của võ phái Bạch hổ sơn quân chính là 25 tháng Chạp hàng năm. Đây cũng là ngày mà dân gian vùng miền Trung nói chung làm lễ “đóng cửa rừng” tại miếu ông Cọp. Trong các nghi thức thờ cúng, riêng trên án thờ ngài Bạch Hổ luôn có một đĩa khoai sống và một miếng thịt sống.
Tổ đường võ phái Bạch hổ sơn quân.
Tổ đường võ phái Bạch hổ sơn quân.
Theo truyền thống, võ phái Bạch hổ sơn quân chỉ truyền dạy cho nam giới trong dòng họ Nguyễn Hữu. Chỉ từ đời chưởng môn thứ 19 Nguyễn Hữu Khánh mới bắt đầu cho phép truyền dạy cho con gái trong gia đình và dạy cho người ngoại tộc. Nhờ đó, đến đời chưởng môn thứ 20 Nguyễn Hữu Cẩn, võ phái Bạch hổ sơn quân mới phát triển rất mạnh mẽ.

Vào thời điểm hưng thịnh, võ đường có khi thu hút đến 2.500 võ sinh. Tuy vậy, chức chưởng môn cũng giới hạn trong nội tộc của dòng họ Nguyễn Hữu. Trong trường hợp chưởng môn qua đời đột ngột chưa kịp chỉ định người kế nhiệm thì những người trong võ phái sẽ họp bàn để lựa chọn, gồm đại diện các trưởng lão, đại diện môn đồ và đại diện của những người trong gia tộc Nguyễn Hữu.

Bên cạnh đó, trong lễ tấn phong chưởng môn, trước khi chính thức làm lễ ở tổ đường, các vị trưởng lão cùng người sắp được tấn phong sẽ phải đến từ đường dòng họ Nguyễn Hữu tại làng Mai Xuân để làm lễ cáo tổ tiên. Sau đó, sẽ đến nhà vị cố chưởng môn để làm lễ rước đai (thỉnh đai) về an vị tại tổ đường. Ngày hôm sau, một vị trưởng lão sẽ chính thức thắt đai, thừa nhận địa vị và trách nhiệm của tân chưởng môn.
 
Đặc biệt, đây là chiếc đai được truyền từ vị chưởng môn này sang vị chưởng môn khác, từ đời này sang đời khác nên mang một giá trị tinh thần to lớn. Cũng trong nghi lễ này, ngoài văn tế, vị tân chưởng môn phải đọc thuộc bài Võ kỳ khoa văn như một lời nguyện trung thành, tận tụy với lời di huấn của tổ tiên.
 
Cùng với sự phát triển của võ phái, Bạch hổ sơn quân ở Huế hiện phân thành hơn mười phân đường khác nhau. Võ sư Nguyễn Hữu Trung, hiện là chưởng môn thứ 22 của dòng họ Nguyễn Hữu (em trai của cố chưởng môn đời thứ 21 Nguyễn Hữu Mộng Đàn) cũng đã đưa Bạch hổ sơn quân vào miền Nam với một võ đường nổi tiếng ở Đồng Nai. Tại Huế, võ sư Trần Thiên Việt đại diện cho chưởng môn chăm lo các hoạt động quản lý và lễ nghi cho võ phái.
 
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, con trai của cố chưởng môn Nguyễn Hữu Mộng Đàn cho biết: “Ngoài dòng Bạch hổ sơn quân chính tông, hiện nay, các học trò của võ phái này đã mở ra những phân phái mới, như Võ ta-Bạch hổ, Võ cổ truyền Bạch hổ… Cho dù ở đâu và thuộc phân đường nào thì các võ sư, võ sinh phái Bạch hổ sơn quân vẫn xem tổ đường của võ phái Bạch hổ sơn quân ở tổ dân phố Trung Đông là cái nôi đầu tiên. Và nay, võ đường của Bạch hổ dòng họ Nguyễn Hữu cũng như võ phái Bạch hổ ở Huế vẫn hướng về cội nguồn ở vùng núi An Mã”.
Nguyên Ninh

tin liên quan

Sáng tạo là không thỏa hiệp với cái cũ

(QBĐT) - "Sáng tạo nghệ thuật cần sự tươi mới" là điều luôn trăn trở trong thường trực suy nghĩ đối với những người sáng tạo văn học-nghệ thuật.

Quảng Ninh: Tổng kết lễ hội đua thuyền truyền thống và các hoạt động dịp lễ 2/9

(QBĐT) - Sáng 15/9, huyện Quảng Ninh tổ chức tổng kết lễ hội đua thuyền truyền thống, triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội và các hoạt động dịp lễ 2/9. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Với người nông dân, có lẽ niềm vui lớn nhất là lúc gặt lúa, đưa lúa về nhà. Mặc dù vất vả nhưng ai nấy đều hăng say làm việc vì một vụ mùa đủ đầy.