Thơ chọn-Lời bình: Bài hát trái dâu da

  • 08:19 | Chủ Nhật, 10/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi về cùng mùa thu
Lặng thinh bên cửa sổ
Người bán dâu ngày xưa
Không còn rao đầu ngõ
 
Ngây ngô tôi đi tìm
Chùm dâu da vàng lịm
Hàng cây xanh, cây xanh
Trách tôi sao quá chậm
 
Nói thế nào em hay
Cù Lao Chàm còn đó
Biển còn dâng sóng đây
Nắng mềm cong mái phố
 
Mùa dâu thì đã qua
Làm sao mà níu lại
Ôi dâu da, dâu da!
Thầm thì tôi gọi mãi...
 
Mai rồi tôi xa em
Bao mùa dâu lại tới
Em còn nhớ hay quên
Người tìm dâu năm ấy?
 
Như cánh chim không tuổi
Tôi bay khắp bầu trời
Cất tiếng ca lảnh lói
Dâu da, dâu da ơi!
Hoàng Vũ Thuật
Bài thơ như có nội dung nào đó ở phần đầu mà nhà thơ chưa nói hoặc nói đúng hơn là không muốn nói. Không nói để bạn đọc suy ngẫm, tự tìm hiểu lấy, có khi lại thú vị hơn! Mở đầu bài thơ, tác giả không kể gì về xuất xứ, lý do tìm mua dâu da; anh hồn nhiên tự giới thiệu về mình là người "về cùng mùa thu" với tâm trạng như đang nhớ ai đó, bần thần, "lặng thinh bên cửa sổ"!
 
Đến hai câu tiếp theo ta ngờ ngợ người mà anh đang đợi là người bán dâu! Sang khổ thứ hai ta mới hiểu ra việc mà thi sĩ quan tâm không phải là "người bán dâu" mà là "dâu"("chùm dâu da vàng lịm").
 
Rõ ràng là anh có ý thức tìm mua một chùm dâu ngon cho mình hoặc theo ý thích của ai đó!? Lấy hàng cây xanh nhân hóa lên trách mình chậm cũng là một cách tự giễu mình "ngây ngô", song nó khách quan hơn.
 
Và đến khổ thứ ba, thì rõ hơn việc thi sĩ tìm mua dâu tặng ai? Người ấy chắc thích dâu da lắm và tuổi đời chắc cũng còn trẻ, chưa trải hết các mùa dâu, nũng nịu thích thi sĩ chiều chuộng! "Nàng thơ" không xuất hiện rõ mà chỉ thấp thoáng qua bài thơ.
 
Trước Cù Lao Chàm (di tích cổ) cùng với nắng (luôn mới) và biển và sóng (những vật cao thượng, hùng vĩ-là những vật chứng), nhà thơ vẫn không thể không băn khoăn khi chưa thực hiện được điều mà "nàng thơ" mong muốn. Biết giải thích thế nào cho em hiểu!
 
"Mùa dâu thì đã qua
Làm sao mà níu lại"
 
Không mua được dâu cho em không phải do anh quên! Anh vẫn đi giữa "nắng mềm cong mái phố" (có nghĩa là nắng trưa gay gắt mới có thể làm cong mái phố!?). Anh không ngủ trưa, thức tìm mua dâu. Hết lòng với em như thế mà em có hiểu cho anh chăng? Ước gì: Không là mùa dâu vẫn mua được dâu cho em!
 
"Ôi dâu da, dâu da!
Thầm thì tôi gọi mãi..."
 
Nhà thơ nhập tâm "dâu da" vào mình như nhập tâm lời em dặn, cứ lo em trách, cứ sợ em giận; mà đã bị trách, bị giận thì... còn đâu tình yêu nồng mặn nữa! Thế mới biết thời cơ trong tình yêu có ý nghĩa cần thiết như thế nào!
 
Mượn vào "trái dâu da" để mà hát, mà nói chuyện tình yêu; chỉ có thi sĩ mới như thế.
 
Nhà thơ chia tay không đành với người mình yêu khi chưa toại nguyện ý thích người yêu, lại còn lo thêm lúc mình đã đi xa thì bao mùa dâu lại tới; khi ấy ai sẽ là người mang dâu đến tặng người đẹp? Hoặc có hoặc không? Theo tôi: "có" hay "không" không quan trọng bằng "nhớ" hay "quên" đối với người làm thơ trong bài thơ này! Anh biết mình bị "mất" mà "không mất", bởi cái anh được, anh cần có là “tiếng ca”:
 
"Như cánh chim không tuổi
Tôi bay khắp bầu trời
Cất tiếng ca lảnh lói
Dâu da, dâu da ơi!"
 
Vâng, tiếng ca ấy là tiếng hát hồn nhiên về tình yêu của thi sĩ.
 
Bài thơ không có cốt truyện mà vẫn có chuyện. Lời thơ giản dị, chân tình, giàu nhạc điệu, để lại được dư âm trong lòng người đọc.
 
 Lý Hoài Xuân

tin liên quan

Cầu dài

(QBĐT) - Chiếc cầu ấy rất dài
Những bước chân tôi tuổi thơ 

Đá Nhảy

(QBĐT) - Vắt vào biển lặng một vai
Thì thào sóng thở ngỡ ai tự tình

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.