Vĩnh biệt nhà văn Trần Thúc Hà!

  • 07:16 | Thứ Tư, 27/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn Trần Thúc Hà của chúng ta không còn nữa, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ sáng 23/9/2023 nhằm ngày 9/8 năm Quý Mão, hưởng thọ 87 tuổi. Ông đã gắng gỏi chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, chiến đấu với nhiều bệnh của tuổi già đã hơn bốn năm nay. Ông ra đi đã để lại cho gia đình thân tộc, hàng xóm láng giềng và anh chị em văn nghệ sĩ Đồng Nai nỗi tiếc thương vô hạn.
 
Chúng ta tiễn biệt ông, một nhà văn đáng kính của vùng đất miền Đông Nam bộ (dù ông ở đây chưa nhiều) nhưng đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ, một cá tính sáng tạo hết sức đặc biệt, một khả năng viết khó có ai sánh kịp. Con trai ông- Trần Lâm Trung nói với tôi: "Cả cuộc đời, ba chỉ dành cho công việc viết lách, không được viết văn một ngày là ba ăn không ngon, ngủ không yên, chúng cháu đã dành hết cho ba khoảng thời gian quý giá và đáng trân trọng này!".
Nhà văn Trần Thúc Hà.
Nhà văn Trần Thúc Hà.

Với 12 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết viết cho thiếu nhi, tổng cộng hơn 2.000 trang sách, 3 giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Lưu Trọng Lư (Quảng Bình), 1 giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) và đặc biệt ông có một truyện ngắn lọt vào tốp mười truyện ngắn hay năm 2020 do Báo Văn nghệ bình chọn.

Từng ấy cũng đủ nói lên sức sáng tạo của ông, ông là tấm gương mẫu mực khiêm tốn khiến cho thế hệ đi sau phải ngưỡng mộ noi theo. Những ngày đầu tháng 9, tôi đến thăm, ông yếu đi rất nhiều, tai nặng, mắt mờ, chân chậm, thân thể gầy khô tưởng chừng như không còn sức lực nữa, nhưng ông vẫn ngồi lặng phắc trước bàn viết để hoàn thành cho bằng được truyện ngắn cuối cùng mà tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đang in.

Tiếc và đau buồn đó là tâm trạng của tôi, của nhiều người trong gia quyến, thân tộc, của bà con cô bác xóm giềng, của anh em văn nghệ sĩ Đồng Nai đã sống cùng ông, chia sẻ cùng ông những tháng năm sôi nổi và đầy biến động này. Tôi chỉ biết chúc ông ra đi, đến một nơi nào đó thật thanh thản và bình yên giữa ngày đầu thu tháng tám quá ít nắng và nhiều mưa này.
 
Hơn một chục tác phẩm mà ông để lại cho đời như tập truyện ngắn: Mỹ nhân cổ, Bức ảnh, Ánh mắt, Một tiếng chim rừng, Trăng sáng như băng trời biếc xanh… rồi tiểu thuyết Trên dòng Nhật Lệ... Bóng dáng nhà văn mà ông để lại trên mỗi trang viết còn quá đỗi thân thương, quá đỗi mến yêu, và quá đỗi ấn tượng khiến những người ở lại trên cõi đời này như chúng tôi không thể nào cầm lòng cho được.
 
Khó có thể nói hết hết ra đây những biến động của cuộc đời ông theo những bước thăng trầm của đất nước. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Hải, TX. Đồng Hới (cũ). Năm 15 tuổi, ông đã lên chiến khu tham gia bộ đội Việt Minh chống Pháp. Trong thời gian quân ngũ ông tự học bổ túc cho đến lớp 7. Năm 1957, ông phục viên về Đồng Hới mưu sinh bằng nghề nhiếp ảnh. Đến năm 1968, ông tình nguyện trở lại quân ngũ. Năm 1975, rời tay súng ông về TX. Đồng Hới mở tiệm chụp ảnh. Có lẽ, do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy ông trở thành một nhà văn.
 
Đặc biệt, những trang viết về chiến tranh trong mỗi truyện ngắn của ông hấp dẫn lạ thường, sinh động đến mức ta có thể hình dung được ngay cảnh bom rơi đạn nổ, cảnh tang thương loạn lạc như mới vừa xảy ra trước mắt ta đó thôi. Lạ lùng thay, ông đi học ở trường rất ít, văn hóa bổ túc hồi đó mới đến lớp 7, nhưng với hơn 2.000 trang viết, ông để lại cho đời những áng văn quá đỗi trang trọng, thanh thoát trong từng câu chữ, thậm chí còn tỏ ra rất thông minh, tinh tế, hóm hỉnh khi vận dụng từ ngữ tiếng Việt. Từ đó, ta có thể khẳng định được rằng, thực tế cuộc sống, sự khắc nghiệt của chiến tranh đã cho ông một vốn sống hết sức phong phú, nó phủ đầy lên trang viết của ông toàn những chất liệu hiếm và quý...
 
Về già không đi lại được, ở tuổi 80, Trần Thúc Hà vẫn miệt mài sáng tác và chuyển hướng sang đề tài lịch sử và dường như ông càng viết càng hay. Ông rất thận trọng, kỹ lưỡng khi khai thác tư liệu, những sự kiện, nhân vật được ông dựng lại chân thật và gần gũi khiến người đọc dễ đồng cảm, dù ông viết về thời quá vãng (nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai đánh giá về ông).
 
Nếu đi theo nghề nhiếp ảnh, ông cũng là một tay bấm máy tài ba, cừ khôi. Trong di cảo của ông còn có cả trăm bức ảnh nghệ thuật về chân dung các nhà văn Bình Trị Thiên, ảnh về động Phong Nha, Hoành Sơn quan, đèo Ngang, làng biển Bảo Ninh, sông Gianh, sông Nhật Lệ, rồi mênh mang con nước Kiến Giang… và về vùng đất con người Quảng Bình xưa và nay. Ảnh nghệ thuật của Trần Thúc Hà được in trang trọng ở các sách, báo và tạp chí khắp cả hai miền.
 
Tiệm ảnh của ông ngày đó rất nổi tiếng trên đất Đồng Hới thời sau 1975, thu nhập của gia đình ông tương đối khấm khá. Ông sống hiền lành và hào phóng, trái tim ông chứa đầy tình thương yêu bè bạn, gia đình. Ngôi nhà của vợ chồng ông cũng là nơi đi về, tụ họp của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lương Duy Cán, Hải Bằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên, Hải Kỳ…
 
Chúng ta vẫn biết nghĩa tử là nghĩa tận, quy luật sinh tồn của tạo hóa là không tránh được, sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với gia đình thân tộc, với xóm giềng, với bè bạn gần xa.
 
 Vĩnh biệt ông, xin vĩnh biệt một nhà văn đáng kính!
     Nguyễn Hoài Nhơn

tin liên quan

Hấp dẫn sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ

(QBĐT) - Hội thi "Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công chức, viên chức, lao động" được Công đoàn ngành Giáo dục-Đào tạo phát động từ tháng 3/2023 thu hút 33 công đoàn cơ sở tham gia.

Không gian mở cho tác phẩm văn học nghệ thuật

(QBĐT) - Năm 1997, mạng thông tin toàn cầu internet chính thức có mặt tại Việt Nam, nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước đã bắt kịp xu thế chung lập blog cá nhân để đăng tải tác phẩm của mình. 

Thơ chọn-Lời bình: Uống rượu với mùa thu

(QBĐT) - Một chiều thu, tôi mở tuyển tập thơ Hải Kỳ bắt gặp một bài thơ có cái tên lạ "Uống rượu với mùa thu".