Hấp dẫn sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ

  • 07:13 | Thứ Ba, 26/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội thi “Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công chức, viên chức, lao động” được Công đoàn ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) phát động từ tháng 3/2023 thu hút 33 công đoàn cơ sở (CĐCS) với hơn 1.000 cán bộ, nhà giáo, người lao động (CB, NG, NLĐ) tham gia.
 
Để hưởng ứng cuộc thi, các CĐCS đã phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) trong đội ngũ CB, NG, NLĐ và học sinh. Ngoài việc duy trì các môn thể thao quen thuộc (bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông), các đơn vị còn thành lập câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ, dân vũ, tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao, vận động CB, NG, NLĐ luyện tập TDTT thường xuyên để giữ gìn sức khỏe.
Sân trường là bối cảnh chính để các đơn vị trường học thực hiện video clip thể dục giữa giờ.
Sân trường là bối cảnh chính để các đơn vị trường học thực hiện video clip thể dục giữa giờ.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu luyện tập, lựa chọn trang phục và cách thể hiện. Đa số video clip dự thi được quay ngay tại khuôn viên trường học, chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt, trang phục đẹp. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh trường, lớp xanh, sạch, đẹp đến với người xem. Các bài tập đều đề cao tính đồng đội, có sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa động tác cùng nhạc nền, tạo không khí vui tươi, lôi cuốn người xem.
 
Với hình thức, như: Thể dục nhịp điệu, dân vũ, khiêu vũ..., các video clip đều thể hiện đúng mục tiêu của hội thi, bảo đảm yêu cầu về thời lượng (không quá 5 phút), biểu diễn đúng nhạc nền, vũ điệu, động tác và trang phục đẹp, phù hợp. Nhiều tác phẩm có sự sáng tạo trong xây dựng kịch bản, giới thiệu về đơn vị, kết hợp nhiều góc quay, hình ảnh để người xem được chứng kiến môi trường học đường an toàn, thân thiện của các đơn vị.
 
Với nhiều CB, NG, NLĐ, việc thể hiện các động tác thể dục nhịp điệu hay các vũ điệu disco, cha cha cha, bachata... là điều không dễ, bởi trước đó họ chưa từng biết đến dân vũ, khiêu vũ, bộ môn có sự kết hợp giữa thể thao và nghệ thuật. Song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, thành viên trong các đội thi đã tập luyện kỹ lưỡng, xây dựng các video clip đặc sắc thể hiện sự uyển chuyển, khỏe khoắn… mang đến hội thi những màn trình diễn đẹp mắt, đúng thể lệ của hội thi. Trong quá trình xây dựng bài tập, nhận thấy những lợi ích từ việc luyện tập các môn thể thao mới như cơ thể linh hoạt, tinh thần thoải mái, thể lực được cải thiện, nhiều đơn vị đã thành lập mô hình CLB để duy trì hình thức luyện tập thường xuyên.
 
Những năm gần đây, hoạt động thể dục giữa giờ được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học. GV các cấp học luôn tổ chức cho học sinh vận động tại chỗ sau mỗi tiết học bằng các bài tập đơn giản, tạo cho học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, nhảy múa trong giờ ra chơi nhằm giải tỏa căng thẳng, chống mệt mỏi, tạo không khí vui tươi, tinh thần thoải mái khi bước vào bài học mới. Từ đó, hình thành thói quen, ý thức luyện tập TDTT trong mỗi học sinh.

Một trong những yếu tố mang lại sự thành công cho các video clip là sử dụng những ca khúc nổi tiếng ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, như: Hãy đến với con người Việt Nam tôi (Xuân Nghĩa), Việt Nam ơi (Minh Beta), Gặp nhau giữa rừng mơ (Bảo Chung), Vào hạ (Lê Hựu Hà), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Tình ca Tây bắc (Bùi Đức Hạnh), Tổ quốc gọi tên mình (thơ: Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc: Đinh Trung Cẩn)… làm nhạc nền cho các bài tập.

Mỗi video clip mang một sắc màu, nhịp điều riêng. Nếu như Trường THCS-THPT Dương Văn An (Lệ Thủy) tạo bất ngờ cho người xem khi thể hiện vũ điệu cha cha cha (đôi nam nữ) với những bước nhảy sôi động, cuốn hút thì CB, giáo viên (GV), nhân viên (NV) Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh với trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số, áo dài… thể hiện những động tác đơn giản, vui nhộn và chuyển tải nhiều thông điệp về lợi ích của việc luyện tập TDTT.

Hay như CB, GV, NV Trường THPT Lê Hồng Phong (TX. Ba Đồn) tự tin sải bước trên nền nhạc ca khúc “Chiếc khăn piêu", nhạc sĩ Doãn Nho). "Sôi động, đặc sắc" là nhận xét của nhiều người khi xem các video clip dân vũ, khiêu vũ của những đơn vị có phong trào luyện tập TDTT phát triển mạnh, như: Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới), Trường THPT Lệ Thủy (Lệ Thủy)…

Hấp dẫn, cuốn hút người xem nhất là sản phẩm dự thi của Trường THPT Quang Trung (Quảng Trạch) với vũ điệu disco sôi động. Không chỉ có cảnh quay đẹp, thể hiện tốt vũ điệu, Công đoàn Trường THPT Quang Trung còn lồng ghép tuyên truyền tác dụng của việc luyện tập TDTT đối với sức khỏe và phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT của trường. Nhờ chú trọng hoạt động TDTT đã tạo động lực để mỗi CB, GV, NV, học sinh của trường thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”.

Sân trường là bối cảnh chính để các đơn vị trường học thực hiện video clip thể dục giữa giờ.
Sân trường là bối cảnh chính để các đơn vị trường học thực hiện video clip thể dục giữa giờ.

Không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp, các video clip còn lan tỏa nhiều thông điệp tích cực, như: “GV thời đại mới cần có sức khỏe để thực hiện tốt trách nhiệm của bản thân, gia đình xã hội, đất nước (Trường THPT Lệ Thủy), “Khỏe để thi đua dạy tốt-học tốt. Khỏe để làm tốt vai trò của người chiến sĩ văn hóa trên sự nghiệp trồng người” (Trường THPT Lê Quý Đôn, Bố Trạch), “Khỏe để xây dựng trường học hạnh phúc” (Trường THPT Quang Trung, Quảng Trạch), “TDTT vui, khỏe, đẹp” (Trường THPT Lê Hồng Phong, TX. Ba Đồn)…

Bà Đỗ Thị Quế, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT Quảng Bình cho biết: Thành công của hội thi là thu hút rất đông đoàn viên trong các tổ chức công đoàn tham gia, từ các đồng chí giữ cương vị hiệu trưởng, hiệu phó đến các GV, NV, NLĐ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, xây dựng tinh thần đoàn kết trong các đơn vị trường học, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với chương trình “Sức khỏe Việt Nam” và phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng môi trường làm việc văn minh, lành mạnh.

Hội thi đã lan tỏa những lợi ích tích cực, hình thành thói quen luyện tập TDTT nhằm giữ gìn sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, tạo niềm vui, sự phấn khởi để mỗi CB, NG, NV, học sinh làm việc, giảng dạy học tập tốt hơn. Qua đó, duy trì nền nếp, thói quen tập TDTT trong đội ngũ CB, NG, NLĐ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần lan tỏa hình ảnh về hoạt động của các trường học, cơ sở giáo dục và những đóng góp của CB, NG, NLĐ trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Nh.V

tin liên quan