Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • 07:27 | Thứ Tư, 03/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã chú trọng công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT), tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
 
Thực hiện công tác ĐTN cho LĐNT, huyện Tuyên Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ĐTN, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
 
Huyện cũng đã chủ động rà soát số lượng LĐNT đã, đang và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thực hiện tốt đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động.
 
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lê Thị Mười cho biết: “Xác định công tác ĐTN cho LĐNT là việc làm hết sức quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm tại địa phương, huyện đã chủ động áp dụng các mô hình dạy nghề có hiệu quả gắn với các nghề có thế mạnh tại địa bàn để kịp thời đưa ra các giải pháp có tính khả thi, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ đó, công tác ĐTN đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đông đảo người dân trên địa bàn. Số lượng người học nghề cũng ngày càng tăng, chất lượng đào tạo ngày càng đổi mới. Người sau khi được ĐTN cơ bản có việc làm ổn định”…
 
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Tuyên Hóa hướng dẫn nghề nuôi ong cho học viên.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Tuyên Hóa hướng dẫn nghề nuôi ong cho học viên.
Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuyên Hóa đã mở 21 lớp ĐTN cho 701 học viên là LĐNT với tổng kinh phí được phân bổ trên 2,5 tỷ đồng đối với các nghề sơ cấp, gồm: Chế biến món ăn, may công nghiệp, thú y, nuôi ong, trồng cây ăn quả, tin học văn phòng. Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình đào tạo hệ trung cấp nghề chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, hàn công nghệ cao, lái xe hạng A1, B1, B2, C... cho người dân trên địa bàn.
 
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuyên Hóa Trần Trung Chính cho hay: “Thời gian qua, công tác ĐTN trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Các học viên sau khi học nghề cơ bản đã có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập trong gia đình. Một số học viên sau khi được đào tạo đã được trung tâm liên kết với các doanh nghiệp cho học viên vào làm. Không ít học viên học chăn nuôi, trồng trọt đã áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao”…
 
Anh Trần Đức Dũng, ở thị trấn Đồng Lê chia sẻ: “Nhờ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuyên Hóa ĐTN hàn công nghệ cao, tôi đã tìm được việc làm ổn định. Không chỉ có tôi mà các bạn học cùng lớp giờ đây cũng đã tìm được việc làm, có nhiều người còn tự mở xưởng hàn riêng, tạo thêm nhiều việc làm, đào tạo nghề lại cho lao động địa phương”. Trước đây, anh Dũng làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Tuy nhiên, do không không có tay nghề nên anh chỉ lao động phổ thông. Từ khi được ĐTN, anh đã được nhận vào làm công nhân tại một cơ sở hàn trên địa bàn với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng, cuối năm còn có tiền thưởng và có chế độ ngày nghỉ hàng tháng.
 
Nhờ chú trọng công tác ĐTN cho LĐNT, từ năm 2023 đến nay, huyện Tuyên Hóa đã giải quyết việc làm cho 3.598 lao động, đạt 102,8% kế hoạch. Số người lao động được đào tạo chiếm 60,1%, trong đó người được đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,34%.
Đặc biệt, công tác ĐTN đã góp phần phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng hàng năm tại huyện Tuyên Hóa đều vượt kế hoạch đề ra. Toàn huyện có trên 300ha diện tích cây ăn quả có múi, trong đó diện tích cam trên 50ha. Các sản phẩm, như: Gạo sạch, cà gai leo, nuôi ong, cây có múi… đang gắn với xây dựng thương hiệu và sản phẩm OCOP. Sản lượng thủy sản ước đạt 680 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 giảm 1,61%, hộ cận nghèo giảm 1,47% so với đầu năm...
 
“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới”, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lê Thị Mười cho biết thêm.
Việt Hà

tin liên quan

Nỗ lực tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình

(QBĐT) - Để thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm lan tỏa chính sách BHXH đến với người dân.
 

Mua hàng khuyến mại… giá "đau"!

(QBĐT) -  Bố mẹ tôi vừa chở nhau đi xem mặt hàng thực phẩm chức năng của Công ty A. Nghe kể, lần đầu chỉ xem hàng, nghe tư vấn nhưng ai cũng có quà mang về. 

"Điểm tựa" sức khỏe cho người cao tuổi

(QBĐT) - Với thế hệ "cây cao bóng cả", tấm thẻ bảo hiểm y tế có ý nghĩa rất quan trọng, trở thành "điểm tựa" để người cao tuổi và gia đình họ vơi bớt gánh nặng tài chính khi khám chữa bệnh.