Thiếu "điểm hẹn" văn học-nghệ thuật

  • 07:32 | Thứ Ba, 12/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một thực tế là đời sống văn học-nghệ thuật (VHNT) của Quảng Bình trong những năm gần đây tuy có đổi mới, sáng tạo nhất định, nhưng vẫn khá trầm lắng, thiếu sự bứt phá. Bên cạnh một số sự kiện văn hóa, văn nghệ được triển khai với nhiều dấu ấn, góp phần khuấy động “không khí”, đời sống tinh thần của người dân, thì còn thiếu những điểm VHNT theo đúng nghĩa. Để từ đó, Quảng Bình sẽ là mảnh đất dừng chân đầy hứa hẹn của các văn nghệ sĩ (VNS) nổi bật trong cả nước, vừa góp phần quảng bá du lịch, vừa mang lại lợi ích kinh tế.
 
Còn nhớ, những ngày cuối tháng 3/2022, sự kiện “người du ca” nhạc sĩ Trần Tiến dừng chân ở TX. Ba Đồn được ví như một điểm nhấn ấn tượng. Theo đó, Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình đã tổ chức chương trình giao lưu “Nhạc sĩ Trần Tiến với quê hương Quảng Bình”. Chương trình đã thực sự mang lại một “luồng sinh khí” mới với sự quan tâm, mong chờ của đông đảo công chúng toàn tỉnh, không chỉ riêng ở Ba Đồn-Quảng Trạch.
 
Khán giả được thưởng thức các ca khúc nổi tiếng do chính nhạc sĩ trình bày và lắng nghe nhiều tâm sự của ông liên quan đến quá trình sáng tác ca khúc: “Chị tôi”,  “Cô gái Sầm Nưa”… Nhiều người từ xa xôi đã lặn lội về TX. Ba Đồn để được sống trong âm nhạc của Trần Tiến thêm một lần nữa. Nhạc sĩ cùng vợ còn trải nghiệm các đặc sản và tham quan, tìm hiểu một số địa danh nổi tiếng của thị xã. Dư âm của chương trình còn kéo dài mãi sau này và được nhắc đến như một dấu ấn VHNT quan trọng của thị xã bên dòng Gianh.
 
Tiếp nối hoạt động ý nghĩa đưa các học giả, tri thức, người nổi tiếng về với Quảng Trạch-Ba Đồn của chi hội, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cũng đã chọn vùng đất này là điểm đến để chia sẻ suy tư, ngẫm nghĩ về văn chương. Ông đã đến với 4 trường THPT trên địa bàn TX. Ba Đồn và Quảng Trạch để cùng các em học sinh trải nghiệm về chủ đề văn học trong nhà trường.
 
Và đúng như ông đã chia sẻ: “Tôi nói chuyện với các em để khơi dậy niềm hứng khởi học văn và từ đó là niềm đam mê với môn văn, rộng ra là văn chương với cuộc sống. Các em hỏi tôi nhiều câu hỏi sát sườn trong lớp học vừa rộng ra ngoài nhà trường. Ví như: Chương trình môn Văn đổi mới khuyến khích học sinh sáng tạo nhưng nếu bài làm của các em vượt ra ngoài đáp án thì thầy cô sẽ chấm thế nào? Các tác phẩm được giải Nobel văn chương thường khó đọc vậy phải làm sao để đọc chúng? Tác phẩm văn chương được chuyển thể thành phim thì nên đánh giá ra sao?…”. Chương trình giao lưu đã tạo được sức hút và hấp dẫn riêng, góp phần khơi mở tinh thần yêu văn chương trong các bạn trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ảnh minh họa: Getty Images
Sự kiện nhạc sĩ Trần Tiến đến với Quảng Bình đã mang lại một “luồng sinh khí” mới cho đời sống văn học-nghệ thuật tỉnh nhà.

Cũng vào tháng 2 vừa qua, Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn đã long trọng tổ chức Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Bản hòa ca đất nước” tại đình làng Phan Long với các tiết mục được công chúng đánh giá cao. Theo kế hoạch, vào tháng 3 này, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng sẽ đến thị xã bên dòng Gianh để chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.

Chi hội trưởng Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn Phạm Phú Thép cho biết, trong 3 năm qua, chi hội đã nhiều lần gửi lời mời nhưng nhà thơ quá bận rộn nên chưa thể nhận lời. Lần ghé thăm này sẽ là cơ hội để công chúng yêu thơ tiếp cận gần hơn với thần đồng thơ một thời. Trong ba ngày dừng chân ở thị xã, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ nói chuyện với công chúng yêu thơ, giao lưu cùng các VNS…

Chi hội trưởng Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn Phạm Phú Thép cũng chia sẻ, một trong những mục tiêu mà chi hội hướng đến là đưa vùng đất bên sông Gianh trở thành “điểm hẹn” cho các VNS và những người yêu thích văn chương nghệ thuật tìm về. Thực tế cho thấy, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần, ươm mầm sáng tạo trong người dân đóng vai trò quan trọng không kém.
 
Do đó, từ sớm, chi hội đã xác định và nỗ lực đưa những VNS, tri thức, diễn giả… đến với Ba Đồn-Quảng Trạch, từ đó, góp phần lan tỏa, cập nhật tri thức. Ba Đồn-Quảng Trạch dần trở thành “điểm hẹn” của không ít VNS, người nổi tiếng… Một thành công nổi bật khác của chi hội chính là tổ chức thành công ngày hội sách ở đình làng Phan Long nhằm khơi dậy văn hóa đọc trong người dân, nhất là các bạn trẻ. Sắp tới, chi hội kỳ vọng sẽ mở thêm từ 1-2 hội sách tại TX. Ba Đồn, mời một số diễn giả về trò chuyện, khơi mở tri thức…
 
Khó khăn lớn của việc tổ chức các sự kiện này chính là nguồn kinh phí, bởi chi hội chủ trương “tự lực cánh sinh”, không phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy, công việc bộn bề mỗi lần diễn ra sự kiện. Nhưng không vì thế mà chi hội nản lòng, ngược lại, thêm phần quyết tâm để tổ chức thành công rực rỡ nhất. Thời gian tới, vẫn theo định hướng đó, song chi hội sẽ giảm quy mô, tăng chiều sâu, quan tâm đến chất lượng và tính bền vững. Đặc biệt, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động quan trọng.
 
Nỗ lực của Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn là rất đáng ghi nhận bởi nhìn chung, trên địa bàn tỉnh, “giấc mơ” về một “điểm hẹn” VHNT theo đúng nghĩa vẫn khá xa xôi. Tại TP. Đồng Hới, bên cạnh các sự kiện VHNT “xuân thu nhị kỳ” chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng hay các chương trình theo hướng quảng cáo, còn thiếu vắng những sự kiện VHNT thường kỳ, chất lượng, tạo điểm nhấn. Đã lâu lắm rồi kể từ đêm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí (năm 2019), Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, Sở Văn hóa-Thể thao chưa thể là “điểm đến” để một nghệ sĩ hay người nổi tiếng tổ chức các đêm nhạc, chương trình biểu diễn riêng, dù đó là nghệ sĩ trong hay ngoài tỉnh.
 
Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Nguyễn Công Minh cho biết, trung tâm có nhiều hỗ trợ tích cực, cụ thể cho các chương trình biểu diễn của VNS, qua đó, khuyến khích VNS tổ chức đêm nhạc, chương trình biểu diễn… Tuy nhiên, thực tế là với nguồn kinh phí mà các VNS phải bỏ ra khá lớn, việc trở thành một “điểm hẹn” VHNT vẫn còn không ít khó khăn đối với trung tâm. Vừa qua, rạp xiếc Trung ương đã chọn trung tâm làm địa điểm biểu diễn và cả 2 đêm diễn đều thu hút rất đông lượng khán giả đến thưởng thức. Điều này cho thấy, nhu cầu thưởng thức VHNT trong công chúng là rất lớn, chỉ tiếc là chúng ta chưa thể khai phá hết và cũng chưa tìm được hướng đi thích hợp.
 
Nhìn ra tỉnh bạn mới thấy nhiều tiềm năng của Quảng Bình vẫn chưa được khai thác hiệu quả trong việc thu hút các VNS tìm đến. Có thể nhiều người cho rằng đó là sự so sánh khiên cưỡng nhưng đêm nhạc của các ca sĩ: Hà Anh Tuấn ở tỉnh Ninh Bình, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà ở TP. Đà Nẵng… với lượng người hâm mộ đổ về thưởng thức chương trình rất lớn, góp phần không nhỏ trong quảng bá du lịch. Trong khi Quảng Bình có rất nhiều tiềm năng để tổ chức các chuỗi sự kiện với nhiều danh lam thắng cảnh, có biển, có núi, có sông và nhất là giao thông vô cùng thuận lợi với cả đường không, đường bộ và đường sắt, đường thủy. Đặc biệt, du lịch tỉnh nhà cũng đã sẵn sàng đón chờ những sự kiện lớn, mang tầm vóc.
 
Xu hướng du lịch ca nhạc đang được giới trẻ toàn cầu ưa chuộng và mang lại nguồn lợi không nhỏ cho các địa phương được lựa chọn là địa điểm để tổ chức liveshow. Nếu trước đây, các nghệ sĩ thường chọn các thành phố lớn để triển khai liveshow, thì nay nhu cầu đó mở rộng hơn, chú trọng các điểm đến du lịch để khán giả vừa thưởng thức ca nhạc, vừa trải nghiệm du lịch ở địa phương đó. Chính vì vậy, rất cần cái “bắt tay” chặt chẽ từ nhiều phía, trong đó sự năng động, linh hoạt của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa đóng vai trò quan trọng.
Mai Nhân

tin liên quan

Giữ lửa bài chòi

(QBĐT) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh lại nô nức tổ chức hội bài chòi. Không chỉ là trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống, hội bài chòi còn góp phần gắn kết tình cộng đồng ở mỗi làng quê.

Giọt sương

(QBĐT) - Hình như có một giọt sương
muốn tìm chỗ đậu vô thường trong tôi

Mẹ là ca dao

(QBĐT) - Chẳng mơ vút ngọn núi cao
Chẳng mơ
rộng biển dạt dào bao la