Áo dài truyền thống, nguồn cảm hứng của hội họa

  • 08:29 | Thứ Bảy, 09/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với chiếc áo dài truyền thống, trở thành biểu tượng thẩm mỹ kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại, là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong văn học nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật.
 
Nền hội họa hiện đại Việt Nam có nhiều tác phẩm nổi tiếng về hình tượng người phụ nữ trong tà áo dài mềm mại, thướt tha của các thế hệ họa sĩ. Mỗi giai đoạn lịch sử, các họa sĩ đã thể hiện vẻ đẹp phong phú của chiếc áo dài truyền thống gắn liền với người phụ nữ qua các chất liệu, hình thức khác nhau. Các họa sĩ, như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị… có nhiều tác phẩm thể hiện sự quý phái, nền nã và đài các của những thiếu nữ trong khung cảnh sinh hoạt đời thường xứ Hà thành.
 
Tiêu biểu có thể nói đến tác phẩm tranh sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân (sáng tác năm 1943, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), là vẻ đẹp mơ màng của người thiếu nữ trong chiếc áo dài trắng tinh khôi, hòa quyện cùng dáng điệu mềm mại đang mải mê ngắm những bông hoa huệ. Tác phẩm đã tôn lên vẻ đẹp tinh tế, thuần khiết của người phụ nữ trong giai đoạn xã hội có nhiều biến động.
 
Qua hai cuộc trường chinh vĩ đại chống quân xâm lược cứu nước, phụ nữ Việt Nam là lực lượng có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Hình tượng người phụ nữ trong chiếc áo dài xuất hiện đầy mạnh mẽ, hiên ngang nhưng không mất đi nét dịu dàng, nữ tính. Tác phẩm Hoà bình và hữu nghị bằng chất liệu sơn mài của họa sĩ Nguyễn Khang sáng tác năm 1958, thể hiện sự đoàn kết, chung lòng giữ lấy hòa bình qua hình tượng của ba cô gái đang nâng niu những cánh chim bồ câu tung bay trong vườn hoa và nhịp điệu của những tà áo dài mềm mại uyển chuyển như điệu múa.
 
Để ca ngợi vẻ đẹp của non sông liền một dải, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã thể hiện tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn 540cmx200cm, từ năm 1969-1989, trong tranh là khung cảnh vườn xuân rạng rỡ sắc màu với hình tượng những người phụ nữ trong trang phục áo dài truyền thống đặc trưng ba miền Bắc-Trung-Nam. Bằng sự sáng tạo trên nền chất liệu sơn mài, kết hợp sự lung linh của vàng, bạc đã tạo nên một bản hòa âm đồng điệu của đất nước ngày thống nhất. Tác phẩm vinh dự được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
 
Các họa sĩ thành danh ở nước ngoài, như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu… với các tác phẩm vẽ về người phụ nữ Việt Nam trong tà áo truyền thống đã mang vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè yêu mỹ thuật trên thế giới, góp phần khẳng định những giá trị của vẻ đẹp Việt Nam nói chung, người phụ nữ Việt và chiếc áo dài nói riêng.   
Nàng xuân.
Nàng xuân.
Các thế hệ họa sĩ nối tiếp cũng có rất nhiều người thành công gắn liền với đề tài người phụ nữ và chiếc áo dài như họa sĩ Đỗ Duy Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) với các tác phẩm về người phụ nữ trong trang phục áo dài tím Huế, tranh ông mang nhiều chất hoài niệm và thời gian. Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (TP. Hồ Chí Minh) là những mảng trắng tinh khôi trên trang phục của các nữ sinh. Ông là họa sĩ lựa chọn cách biểu đạt tối giản, trong tranh chúng ta có thể cảm nhận được sự trong trẻo, thanh khiết của lứa tuổi mộng mơ.
 
Cố đô Huế được xem là kinh đô của áo dài (nơi xuất phát của chiếc áo dài dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát-người được xem có công sáng chế chiếc áo ngũ thân-tiền thân của áo dài. Sau đó, họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường là người có công định hình áo hiện đại như ngày nay). Nhiều họa sĩ Huế đã thể hiện thành công vẻ đẹp kiều diễm, kiêu sa mang đậm chất Huế, như: Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Thiện Đức, Lê Văn Nhường…trong đó có nữ họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai rất thành công với các tác phẩm thể hiện sắc tím áo dài cùng những cô gái Huế nhẹ nhàng, thơ mộng.
 
Các họa sĩ trẻ Huế ngày nay cũng tiếp nối mạch nguồn sáng tạo đó, nữ họa sĩ Đặng Thu An có lẽ là người thành công nhất hiện nay ở miền Trung vẽ về đề tài phụ nữ và chiếc áo dài truyền thống. Tranh của nữ họa sĩ trẻ có lối tạo hình mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, vẻ đẹp nền nã của những thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống. Tranh của Đặng Thu An mang chất lãng mạn nhưng cũng đầy suy niệm, thường gắn liền cùng hoa trong không gian bồng bềnh, bảng lảng sương giăng nơi xứ Huế cổ kính. Nhiều họa sĩ trẻ khác hiện nay ở miền Trung và cả nước sáng tác về đề tài này, như: Vũ Duy Tâm, Huỳnh Thị Tường Vân, Lâm Nguyệt Hà (TP. Huế), Lê Thế Anh, Nguỵ Đình Hà (Hà Nội)…
 
Chiếc áo dài qua thời gian đã được điều chỉnh, chắt lọc và hoàn thiện, phát triển để phù hợp thời đại, nhưng vẫn giữ được cốt cách của vẻ đẹp nhẹ nhàng, kín đáo, không kém phần gợi cảm. Điểm chung dễ nhận ra là chiếc áo dài phù hợp với người phụ nữ Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, bởi trong đó là sự kết hợp tài tình của trang phục 3 miền tạo nên một sự thân thuộc của chiếc áo tứ thân Bắc bộ, kết hợp nét duyên dáng của áo bà ba miền Nam…
 
Từ cảm hứng vẽ về tà áo dài gắn liền với hình tượng người phụ nữ, nhiều họa sĩ đã lựa chọn và biến các chất liệu của áo dài trở thành “nền toan” để sáng tác tranh, như hoạ sĩ Phan Quang Tân (TP. Huế) là một họa sĩ chuyên thiết kế trang phục áo dài truyền thống trong các sự kiện, lễ hội lớn. Những năm gần đây, anh có kết hợp khá độc đáo giữa hội họa và thời trang trong sáng tạo của mình.
 
Nhiều tác phẩm hội họa có ngôn ngữ hiện đại được anh trực tiếp vẽ lên áo dài trở thành những tác phẩm độc lập có tính sắp đặt, đương đại, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ thú vị. Xu hướng lựa chọn vẽ trực tiếp lên áo dài để có những tác phẩm “độc bản” đang được yêu thích hiện nay, trở thành một thị hiếu tích cực, góp phần mang hội họa và thời trang đến gần nhau hơn, tạo nên sự phong phú trong đời sống thẩm mỹ hôm nay.
 
Trong cuộc đời sáng tạo của người họa sĩ, có lẽ ít hay nhiều cũng đã từng vẽ về đề tài phụ nữ trong chiếc áo dài truyền thống, bởi trước hết đó là những đối tượng đại diện cho cái đẹp, tạo nên xúc cảm thẩm mỹ và sáng tạo. Việc tiếp tục sáng tác chuyên sâu hay chỉ là chút dạo chơi bằng đường nét màu sắc cũng là những tình cảm chân thành được các họa sĩ gửi gắm sự yêu mến, trân trọng đối với người phụ nữ và chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.
Nguyễn Lương Sáng

tin liên quan

Rạng rỡ áo dài, quảng bá du lịch

(QBĐT) - Hướng tới mục tiêu đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và quảng bá hình ảnh áo dài đến bạn bè bốn phương, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, giải pháp sáng tạo, hiệu quả.

Cho em một nửa giấc mơ

(QBĐT) - Nửa mặt
Em giấu vào đâu
Nửa đôi con mắt
Sắc màu hồn nhiên.

Tình khúc tháng ba

(QBĐT) - Về nghe khúc hát tháng ba
Sóng reo bờ bãi gió đùa xôn xao
Hàng dừa xòe lá vẫy chào
Chiều quê thấp thoáng một màu xanh trong