Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: "Tôi luôn đau đáu thực hiện một bộ phim về Quảng Bình..."

  • 06:44 | Thứ Bảy, 02/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên con đường khám phá, đến với những nguồn cảm hứng sáng tạo mới, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư đã nhiều lần dừng chân và dành cho mảnh đất quê cha Quảng Bình những tình cảm chân thành, đậm sâu. Là đạo diễn của các bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng, như: Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Hoa cỏ may, Dốc tình, Thương nhớ ở ai…, ông vẫn luôn đau đáu, mải miết ấp ủ kế hoạch về một bộ phim dành riêng cho con người và mảnh đất “gió Lào cát trắng”. Trên hành trình chinh phục đó, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có dịp trao đổi, chia sẻ cùng ông.
 
- P.V: Thưa đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đây là lần thứ mấy ông trở lại Quảng Bình?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi không nhớ rõ đây là lần thứ mấy mình quay trở lại Quảng Bình. Bởi trước đó, tôi rất nhiều lần đến với mảnh đất này, mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những xúc cảm và kỷ niệm sâu sắc. Chỉ tiếc là do nhiều lý do khách quan, tôi chưa lần nào được trở lại Quảng Bình cùng bố tôi, nhà thơ Lưu Trọng Lư. Đó có lẽ là một trong những điều khiến tôi tiếc nuối nhất.
 
- P.V: Vậy chắc hẳn ký ức về lần đầu tiên trở về mảnh đất quê cha vẫn chưa phai mờ trong ông?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đúng vậy, thời điểm đó tôi mới chỉ là một cậu thanh niên trẻ trung, mong muốn về với mảnh đất Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) luôn tạo sự tò mò, hứng thú và thôi thúc trong tôi. Còn nhớ, năm 1976, khi ấy tôi có quen với một người lái xe tải và ông đồng ý sẽ cho tôi dừng chân ở làng Cao Lao Hạ trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
 
Cảm xúc khi chạy trên con đường từ quốc lộ vào đến làng thực sự vẫn còn vương vấn mãi trong tôi. Tôi nhận ra từng cảnh vật thân quen mà bố tôi đã kể khi tôi còn bé, từng con đường, hàng cây, giếng nước… Tất cả thân quen, gần gũi như thể tôi cũng đã từng đến nơi chốn này.
 
- P.V: Ông ấn tượng nhất với tính cách nào của người Quảng Bình, và nhất là phụ nữ Quảng Bình?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Gặp gỡ nhiều người con Quảng Bình, những người bạn của bố tôi, những lần về quê nội…, trong tôi rất ấn tượng với tính cách của người Quảng Bình, sôi nổi, dân dã, chân thành hiếm có, đó là tính cách “lai” giữa 1/3 của vùng Bắc Trung bộ và 1/3 của vùng Nam Trung bộ. Đặc biệt, phụ nữ Quảng Bình lại càng có những cá tính khó phai mờ với sự mạnh mẽ, cứng cỏi...
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Bình.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Bình.
Tôi nhớ mãi một câu chuyện mà theo tôi thể hiện rõ nét nhất tính cách của người Quảng Bình. Cách đây khá lâu, khoảng năm 2003, tôi có dịp về Quảng Bình đến với một vùng quê, không may xe ô tô của tôi bị một xe máy va chạm từ phía sau làm vỡ kính. Sau khi Công an lập biên bản, người thanh niên gây ra tai nạn hứa sẽ đền bù thiệt hại với số tiền hơn mười mấy triệu, khá lớn lúc bấy giờ. Cậu ấy bảo tôi đợi để về nhà lấy tiền.
 
Tôi đồng ý và tạm nghỉ chân ở ngôi nhà của một chị làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Tôi nói với chị mình là đạo diễn Lưu Trọng Ninh… Thế nhưng, chị không tin và nói rằng, chị biết và đọc hết thông tin về gia đình tôi, nhất là bố tôi, nhà thơ Lưu Trọng Lư, nên không thể con trai của ông lại là tài xế được (?!) Và đạo diễn Lưu Trọng Ninh là người nổi tiếng lắm! Tôi bật cười và không thể thuyết phục để chị tin mình chính là đạo diễn Lưu Trọng Ninh, hai chị em trao đổi, chuyện trò thoải mái chân thành.
 
Những người dân xung quanh cũng thăm hỏi và kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của cậu thanh niên, đặc biệt không hề có ai cho rằng cậu sẽ bỏ trốn. Niềm tin đó đã thôi thúc tôi chờ đợi hơn 5-6 tiếng đồng hồ. Và cậu ấy đã quay lại… Cậu bảo nhà khó khăn quá, vay mượn hàng xóm, người quen cũng chỉ được ít tiền.
 
Tôi rất xúc động vì cậu đã thực hiện lời hứa của mình và tôi giật mình bởi đã đòi hỏi một điều quá vô lý, không thể thực hiện được. Vậy là, tôi không lấy tiền mà còn gửi cậu mấy trăm nghìn và rời đi.
 
- P.V: Dường như giọng Quảng Bình không hề là thử thách với ông?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Ồ đúng vậy, tôi không hề khó khăn khi nghe giọng Quảng Bình, bởi ngay từ nhỏ bố tôi đã nói giọng quê hương và kể cho anh em chúng tôi rất nhiều câu chuyện về quê nhà.
 
- P.V: Vậy, theo ông, tính cách nào của nhà thơ Lưu Trọng Lư được ông thừa hưởng mạnh mẽ nhất?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Di sản bố tôi để lại cho các con có lẽ gói gọn trong hai câu thơ: “Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ/Vì thương người lắm, mới say thơ”. Đó chính là "kim chỉ nam" để anh em chúng tôi hướng về trên con đường xây dựng sự nghiệp, khẳng định cái tôi của mình: Luôn vì con người, hướng về con người.
 
Còn nhớ hồi tôi còn nhỏ, khi học lớp 5, lớp 6, tôi thường bị mắng là sao lại học dốt Văn trong khi bố là nhà thơ lớn. Khi đó tôi có làm thơ và bố tôi vẫn hào hứng gọi tôi ra đọc thơ của mình cho bạn bố nghe. Sau đó, tôi chán không làm thơ nữa. Và lên lớp 7, tôi không có cảm nhận rõ rệt về các thể loại phân tích, bình luận, bình giảng... nên không còn hứng thú với thơ ca.
 
Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đi bộ đội và do nhiều cơ duyên không định trước tôi thi vào Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và phát hiện ra đam mê của chính mình. Từ đó, tôi dấn thân và cống hiến cho điện ảnh. Bố tôi là người rất đặc biệt, ông mơ màng trong thế giới riêng của mình. Trong nhà, ông là “người con thứ 9”, mẹ tôi nuôi 9 người con. Với các con, ông luôn để cho chúng tự do tìm con đường đi của chính mình, không can thiệp.
 
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (SN 1956) là con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông được biết đến với các bộ phim truyền hình và điện ảnh nổi tiếng, như: Canh bạc, Hãy tha thứ cho em, Ngã ba Đồng Lộc, Hoa cỏ may, Bến không chồng, Dốc tình, Thương nhớ ở ai...
- P.V: Kỷ niệm nào với bố khiến ông nhớ mãi?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Có lần bố cho tôi đi công tác cùng ở Thái Nguyên. Trước khi đi, mẹ tôi dặn đi dặn lại chú lái xe là khi về nhớ mang theo cái màn ngủ. Bởi hồi đó đi công tác phải chuẩn bị mọi thứ tư trang. Đến khi hoàn thành chuyến công tác về nhà, bố khoe mẹ về chiếc màn đã được mang về, và quên luôn cậu con trai đang ở lại Thái Nguyên...
 
Hay có lần bố tôi đi chiếc xe đạp Pơ-giô ra ngoài có công việc, khi về thấy ông đi bộ, mọi người hỏi xe đâu, ông mới ngớ ra là bỏ quên ở đâu đó rồi. Vậy là cả nhà ùa đi tìm tài sản quý giá của gia đình thời điểm đó.
 
- P.V: Trong các tác phẩm của ông, công chúng nhận thấy rõ tình cảm và sự thấu hiểu của ông dành cho từng mảnh đất con người, như: Bến không chồng, Ngã ba Đồng Lộc, Dốc tình… Nhưng với Quảng Bình, thật tiếc là ông chưa thực hiện bộ phim nào?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đây cũng là một điều đáng tiếc, day dứt, đau đáu trong tôi. Khi tôi hoàn thành bộ phim Ngã ba Đồng Lộc và được công chúng yêu thích, đánh giá cao. Một lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Quảng Bình hồi đó đã thốt lên: Sao anh không làm một bộ phim về Quảng Bình.
 
Trên thực tế, có một điểm đặc biệt là tôi thường viết kịch bản cho chính bộ phim của mình, nên tôi rất cần nhiều thời gian để xâm nhập thực tế, cần những người bạn, nhất là các bạn trẻ cùng tôi khám phá mảnh đất này để có được một kịch bản tốt nhất.
 
- P.V: Nếu thực hiện một bộ phim về Quảng Bình, ông sẽ lựa chọn đề tài nào? Sẽ tiếp tục là một đề tài về chiến tranh hay hậu chiến?
 
- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Không, tôi sẽ làm một bộ phim về người trẻ Quảng Bình. Ở họ có những khát khao, ý chí vươn lên và luôn thấm đẫm về tinh thần người Quảng Bình. Có lẽ, tôi sẽ về với vùng ven sông Gianh ở Tuyên Hóa để tìm kiếm ý tưởng cho tác phẩm của mình, tôi rất ấn tượng với đất và người nơi đây.
 
- P.V: Xin cảm ơn đạo diễn Lưu Trọng Ninh về những chia sẻ của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục mong chờ một bộ phim về Quảng Bình trong tương lai không xa!
Mai Nhân (thực hiện)

tin liên quan

Lan tỏa rộng rãi hình ảnh Năm Du lịch quốc gia 2024

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Cục đã có văn bản gửi tới Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2024.

Việt Nam cử 111 đại biểu tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới tại Nga

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới năm 2024 với thông điệp hòa bình, hội nhập và phát triển. Qua liên hoan lần này, Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, cũng như những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội sau hơn 45 năm thống nhất đất nước và hơn 30 năm đổi mới.

"Đồng hành" bảo tồn nghệ thuật hát Kiều Quảng Kim

(QBĐT) - Trước nguy cơ hát Kiều bị mai một, thời gian qua, xã Quảng Kim (Quảng Trạch) đã nỗ lực để bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của quê hương. Trong đó, việc đưa hát Kiều vào trường học với sự "đồng hành" của các nghệ nhân được xem là một bước đột phá.