Láng giềng gần

  • 07:50 | Chủ Nhật, 25/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào một ngày cuối xuân năm 1968, bà nội và ba tôi có việc đi vắng. Tôi ở nhà tha thẩn chơi bên mẹ. Mẹ tôi ngồi may nón trước cửa ngôi nhà hầm, kiểu nhà nền đào chìm dưới đất để tránh bom đạn Mỹ. Bỗng mẹ tôi ôm bụng đau quằn quại. Dù là một đứa trẻ, nhưng tôi nhận thức được mẹ đang chuyển dạ.
 
Bà tôi hay nói, mẹ khi sinh tôi nhanh lắm. Quả đúng vậy, mẹ tôi vừa ôm bụng mặt xanh tái, vừa nhìn tôi chỉ sang nhà bác láng giềng ở cách một cái hố bom. Tôi chạy chưa kịp đến cái hố bom thì đã nghe tiếng khóc oa oa. Tôi ngã sấp bên miệng hố bom, khóc thét. Bác gái láng giềng đang nuôi chồng ốm, vội chạy ra. Tôi vừa khóc vừa nói, mẹ cháu đẻ em! Một vụ “đỡ đẻ” bất đắc dĩ đã xảy ra, với “bà đỡ” là người đàn bà còm nhom, trên tay chỉ có cái kéo dụng cụ nghề nón và cuộn chỉ. Nhưng cuối cùng vẫn: “Mẹ tròn, con vuông”.
 
Bà tôi về, ôm lấy bác láng giềng vừa khóc vừa nói, đúng là: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần không có chị thì nhà tôi nguy khốn". Tôi lần đầu tiên hiểu “trực quan” về câu tục ngữ này. Bởi bà tôi, dù mù chữ nhưng là cái “kho” của ca dao, tục ngữ hàng ngày.
 
Lại một câu chuyện khác. Năm 1971, nhà tôi đã chuyển về ở xóm Chùa. Ngôi nhà ba tôi mua lại vốn gốc nhà giàu, nên nền đất cao lắm. Trong khi láng giềng xung quanh nền rất thấp. Năm ấy mưa lớn, nhà nào cũng bị ngập lụt. Đặc biệt, có nhà một thầy giáo làng thấp nhất, nước đã lút chân giường. Trong khi vợ thầy đang ở cữ. Thầy cứ ra đứng bên hồi nhà, nước ngang thắt lưng, nhìn sang nhà tôi mắt ngấn lệ, miệng muốn nói điều gì đó…
 
Ba tôi hiểu ý, nhưng quay lại nhìn bà tôi ái ngại. Phong tục quê tôi, cho người khác ở cữ trong nhà là một điều đại cấm kị. Người càng cổ xưa càng kiêng cữ mạnh, nên bà tôi là một trở ngại. Rất đột ngột, bà tôi chỉ vào ba tôi nói lớn: “Láng giềng không cứu lúc ni thì cứu lúc mô? Mi không lo chạy sang còn đứng đó chi nữa?”. Ba mẹ tôi mừng lắm. Thế là ông thầy cõng vợ con, ba mẹ tôi chuyển nồi đất, than lửa sang. Ông thầy cứ ôm lấy bà tôi khóc. Bà lại bỏm bẻm nhai trầu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần, tui có việc chi không nhờ thầy trước thì nhờ ai? Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà!".
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Bà tôi với con cháu thì rất khắt khe, lễ giáo. Nhưng với láng giềng bà thường rất dễ dãi, luôn sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện không vừa ý. Một ông láng giềng có thói quen hay đào bụi, lấn đất, mẹ tôi bực bội lắm. Bà tôi trấn an, có lấn cả đời cũng chỉ nửa đường bừa là cùng. Đó là thói quen xấu, nhưng ông ấy có điểm tốt là nhiệt tình. Nhà mình neo người, họ hàng ở xa, lỡ khi cháy nhà, ốm đau, không nhờ ông ấy thì nhờ ai? Tình làng nghĩa xóm luôn là một thứ tình cảm rất thiêng liêng, họ là những người ở ngay cạnh chúng ta, dù có chuyện vui, buồn hay những lúc trắc trở thì họ cũng là người giúp đỡ chúng ta nhanh nhất.
 
Không chỉ những lời giáo huấn hàng ngày như vậy, mà cả “kho tàng” tục ngữ ca dao mà bà đọc, hát ru cũng ngấm sâu vào tâm trí anh em chúng tôi. Những câu nói về sự cần thiết phải gìn giữ tình cảm láng giềng: Bán anh em xa mua láng giềng gần; nước xa không cứu được lửa gần; hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng; nghe con, lon xon mắng láng giềng; cơm ăn chẳng hết thì treo/Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng; đôi bên là kẻ thuộc quen/Trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau…
 
Tuy nhiên, cũng có những câu ca dao nói lên việc khi tình cảm láng giềng bất ổn: Trăng lên khỏi núi trăng nghiêng/Ta muốn vui chung với bạn, sợ láng giềng mỉa mai; miệng lằn, lưỡi mối nào yên/Xa nhau cũng bởi láng giềng dèm pha; gà béo thì bán bên Ngô/Gà khô bán bên láng giềng…
 
Nhưng nào phải chỉ người Việt ta coi trọng quan hệ láng giềng. Nhờ đọc sách, tôi mới hiểu người nước ngoài cũng không kém: Một người láng giềng tốt là người mỉm cười với bạn qua hàng rào, nhưng không trèo qua nó-Arthur Baer; không có người nào đủ giàu có để sống mà không cần đến láng giềng của mình-tục ngữ Đan Mạch; đừng cười lúc nhà láng giềng của bạn đang cháy-tục ngữ Litva...
 
Còn nhớ cách đây 30 năm, tôi phá cái “lều” của mình để xây nhà cấp bốn. Thật bất ngờ, cả nhà bác láng giềng tự động chạy sang giúp. Thì ra phong tục ở quê bác ấy là vậy. Cứ hễ nhà nào có làm nhà là hàng xóm tự nguyện đến giúp, xong ai về ăn cơm nhà ấy. Săn được con thú, cả xóm đều được ăn.
 
Ngày nay, vùng tôi ở đã thành khu phố, nhà cửa sát nhau, ai cũng kín cổng cao tường. Nhà bác ấy tuy vẫn sống tình cảm láng giềng, nhưng cũng đã “giữ kẽ”, không gần gũi như xưa nữa.
 
Sống trong thành phố, đô thị ngày nay, có lẽ không phải ai cũng hiểu được, đúng nghĩa về cụm từ “tình làng nghĩa xóm” mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến. Làng xóm đối với người Việt Nam là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người. Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa, là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đã dần làm phai nhạt đi cái tình, cái nghĩa trong mối quan hệ hàng xóm với nhau.
 
Đó là những trăn trở khi tôi ngồi viết những dòng tản văn này.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. 

Ngọn lửa Lâm Thủy

(QBĐT) - Lâm Thủy lạnh lắm không
biên thùy ấm áp
đốt lửa lên cất cao tiếng hát
quân dân

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22

(QBĐT) - Sáng 23/2, tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024.