Thơ là hơi thở

  • 08:35 | Chủ Nhật, 18/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bản hòa âm khải hoàn của đất nước, không thể phủ nhận vai trò vị thế của tiếng nói thơ. Ngôi vị “ngọn cờ đầu trong thơ ca cách mạng” của Tố Hữu khó có thể phủ nhận, bởi phong cách thơ trữ tình chính trị trộn không lẫn, bởi cảm hứng say mê, và đặc biệt là cảm xúc chân thành của nhà thơ-chiến sĩ này.
 
Nhìn gần hơn, ở Quảng Bình, ta gặp trường hợp Đất treo đầu súng (2020). Thi tập là ăm ắp suy tư thao thức được tượng hình hóa bằng những câu thơ chân mộc, như những trang nhật ký chiến trường và nhật ký hậu chiến của Hoàng Đình Bường, một sinh viên Văn khoa xếp bút nghiên cùng bao chàng trai ra trận, nếm mật nằm gai nơi chiến địa cũng là tử địa-đất xé ruột kêu trời/người nhìn người đỏ mắt, và rồi sống sót lạ lùng… phát khóc trở về.
 
Là lời gan ruột của một chính nhân cũng là chứng nhân một thời hoa lửa, nên thơ trong tập thơ này giàu sức lay động ám ảnh, củng cố trong người đọc hôm nay thức nhận xác tín về chiến tranh và hòa bình, về thân phận tâm hồn cốt cách của con người Việt Nam, những con người “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa… sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”, như cách xiển dương của nhà thơ Huy Cận.
 
Khi thơ đặt vào tình thế phục vụ chiến tranh và cổ vũ chiến đấu, thì tất yếu đòi hỏi “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Nhưng, khi thơ “trở về đúng nghĩa trái tim… máu thịt đời thường”, thì vóc nhà thơ có lẽ chỉ cần trùng khít tương thích với cái tôi nghệ sĩ thành thực của họ mà thôi. Trong tình thế nào thì thơ cũng rất cần đến phẩm tính tự nhiên chân thành. Chính cái thi tính này gây tạo sức sống của thơ, sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại của thơ.
 
Buồn cũng là một tài sản. Bởi nói như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì “đôi khi thèm một nỗi buồn mà không có”, tức thèm nỗi buồn sâu, nỗi buồn đủ độ. “Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” (Tô Thùy Yên). Mọi tiếng thơ riêng tư chắt ra từ những cái tôi nghệ sĩ mênh mông sâu thẳm thì tự chúng đủ khả năng vẽ nên những nhịp đập của trái tim đồng bào và xu hướng khát vọng chung của đồng loại: Khát vọng hạnh phúc.
 
Chẳng hạn, thi tập Mùa Bạch Diệp của Bạch Diệp mở ra một “khu vườn tận hiến”, một “cánh đồng thơm tho”, nơi em “yêu và đau như bổn phận”, “như ân điển cứu chuộc”. Em vừa riết róng nhiệt cuồng vừa dịu dàng thì thầm kể câu chuyện giọt sương/vũ điệu nước mắt/ngàn triệu năm ngóng đợi mặt trời/để chết đi trong giấc mơ hạnh phúc. Và khách tri âm như “nghe lời kinh cất lên từ những trang thơ”.
 
Hay, Trần Thị Huê lâu nay ít nhiều ám dụ được người đọc bằng những tác phẩm tạm gọi là thơ-bản-năng. Ẩn ức libido nén căng cơ thể chật chội đã bung vỡ, tượng hình những dòng thơ lạ, cấu xé đặc đêm. Chị trải nghiệm tưởng tượng nụ hôn với que tăm: trong căn phòng biệt lập/que tăm sống chật/xâu nụ hôn vờ (Với). Đến lượt, chị lại trải nghiệm tưởng tượng cuộc cọ xát giữa da thịt mình với sóng biển nhấp nhô hòn lửa mặt trời... Thơ chị như là sự bung cởi những ẩn nén bản năng, những trái ngang số phận.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Tập thơ mới nhất của chị-Thế giới ngủ trong đường viền-vẫn là cách thơ ấy, nhưng có phần đằm tĩnh hơn, khi mà chủ thể thơ đã phần nào trở nên điềm nhiên bình thản trước mọi được mất trò người. Thế giới lành lặn nhìn qua khung trắng/lộ rõ khuôn mặt trái nghĩa và câm (Khuôn mặt trái nghĩa). Đọc thơ Huê, đừng cố công thông diễn tường minh, mà hãy cùng chị trở giấc bước ra khỏi đường viền thế giới, bằng bước đi của chiếc lá non/dẫu lá non bị gặm cụt (Phơi ngược nắng).
 
Hay, Phan Văn Chương thủy chung trung thành phát huy sở trường của mình với những hình tượng thơ được kiến tạo bởi nhãn quan phồn thực. Bài thơ Cây đức tin là một cái nhìn thẳm sâu nhân bản đối với những vị linh mục, những con người linh hồn thuộc về Chúa/thân xác cánh đồng khô. Nhà thơ đưa ra những so sánh liên tưởng bất ngờ thú vị, hữu hình hóa cái vô hình, cụ thể hóa cái trừu tượng: tiếng chuông/giọt nước mắt/xanh hàng cây đức tin. Với Còng gió và anh, lia quét cái nhìn phồn thực lên cơ thể thế giới, Phan Văn Chương tạo dựng được những thi ảnh đẹp và lạ: “váy chiều đăm đắm”, “hơi thở nóng bừng eo lưng mặn nước”, “ánh nhìn biếc xanh rong rêu tóc xõa”, “biển căng tròn sau mỗi vòng tay”...
 
Thế giới luôn bày ra trước con mắt phong tình, con mắt thèm yêu khát sống của tác giả như người con gái đang độ rạo rực trinh nguyên. Phan Văn Chương hoài niệm tinh thần Phục hưng, tinh thần Thơ mới với một cách-thơ mới. Cái nhìn vũ trụ chồng quyện cái nhìn phồn thực đưa đến những hình tượng thơ đẹp một vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại.
 
Có nghĩa, thơ nên là hơi thở nhẹ của ngôn từ, tuy nhiên, thơ hồn nhiên tự nhiên khác với thơ đơn giản thật thà. Hồn nhiên tự nhiên là một biểu hiện đắc đạo của thơ, lúc này thơ tưởng như vô chiêu nhưng thực ra là sự xuất chiêu của một nội lực sung mãn thâm hậu. Và thơ phải luôn đi về phía mới.
 
Hoàng Thụy Anh vừa quyết liệt kiến tạo cái nhân vị đàn bà của mình, để tận hiến và tận hưởng từng sát-na hiện sinh, vừa nỗ lực khai phóng một cách thơ khác, để kháng cự lại những cách thơ nhàm nhảm sáo giả. Thơ về thơ thì đã có nhiều, nhưng thơ mượn chuyện anh anh em em để trữ tình-tự sự về thơ thì quả hiếm gặp. Mỗi khúc rời trong Người đàn bà sinh ra từ mưa vừa là tuyên ngôn, vừa là sản phẩm sáng tạo, mà giữa tuyên ngôn và sản phẩm sáng tạo dường như ít có khoảng cách. 67 khúc rời nhưng liền mạch nhất quán không quẩn lặp, cho thấy dung lượng cảm hứng lớn, cường độ suy tư mạnh, và đặc biệt là khả năng thực hành sáng tạo phong nhiêu của chủ thể thơ…
 
Khoảng cách là bài thơ được nhà thơ Hải Kỳ hoàn thành tại Trại sáng tác Nhật Lệ năm 2010. Thi phẩm là một thăng hoa đột phá của thi sĩ trên buổi đầu tự phá vỡ đối xứng để làm mới phong cách đã định hình của mình: Ở khoảng cách lá và sao/thấy vô số những giọt lửa/xa xanh lấp lánh tinh cầu/diệp lục//Ở khoảng cách cây và thinh không/thấy sắc xanh trong/mơ mộng/sau thẳm sâu/là màu đen/với những hố vũ trụ kinh hoàng/trống rỗng//Ở khoảng cách cây và thời gian/thấy sự trưởng thành viên mãn/của Đất và Trời/trong ruột gỗ//Ở khoảng cách tôi và người/thấy mình nhỏ bé/trong cách đo. Đây là một suy tư chiêm nghiệm triết lý về cái gọi là khoảng cách, về vũ trụ, về nhân sinh, về cái hiện tồn và cái trống rỗng. Vũ trụ vốn dĩ hồn nhiên. Mọi khoảng cách chỉ là tương đối, phụ thuộc vào chủ quan của từng cách đo. Mà, có ý nghĩa gì không, cái sự đo ấy.
 
Tôi là kẻ khác-tên một tiểu thuyết của nhà văn người Na Uy Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) gợi dẫn và củng cố trong ta xác tín, rằng mỗi nghệ sĩ là một phong cách cá nhân, một cá tính sáng tạo đơn nhất, không lặp lại. Thơ là hơi thở. Thơ là tự sự của tâm hồn. Hãy tự do tự tin tự chủ viết câu chuyện của tâm hồn mình theo cách của mình. Bản lĩnh thơ là đây mà bản sắc thơ cũng là đây.
Hoàng Đăng Khoa

tin liên quan