Hãy sống như một đóa hoa

  • 07:07 | Thứ Tư, 06/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng ba không chỉ là “mùa con ong đi lấy mật”, mùa của hoa bưởi, hoa gạo, hoa xoan… khoe sắc mà còn là dịp để mỗi người bày tỏ, trao gửi yêu thương, lòng biết ơn đến “một nửa thế giới” là những người bà, người mẹ, người chị… Phụ nữ được ví như những bông hoa đẹp. Họ luôn lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái và tỏa sáng trong muôn mặt của đời sống xã hội.
 
1. Nhà văn nổi tiếng thế giới Maksim Gorky từng nói: “Không có mặt trời thì hoa không nở, không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Không có phụ nữ thì không có tình yêu và không có người mẹ thì nhà thơ và anh hùng đều không có”. Chẳng ai sinh ra trên đời này lại không gắn bó với những người phụ nữ và người quan trọng nhất, gần gũi nhất chính là mẹ.
 
Thật khó để có thể đo lường được sức mạnh và giới hạn của một người phụ nữ khi làm mẹ. Chỉ một đôi bàn tay, mẹ “cân” hết mọi việc để nuôi con khôn lớn, lo đủ cái ăn, cái mặc và cả chuyện học hành của con. Thế nên nhiều người ví mẹ như “siêu nhân” vì việc gì có mẹ, khó mấy cũng thành. Ngay từ nhỏ nhiều người thuộc lòng bài thơ “Bàn tay mẹ” của nhà thơ Tạ Hữu Yên với những câu thơ giản dị nhưng rất chân thực về hình ảnh người mẹ: “Bàn tay mẹ/Bế chúng con/Bàn tay mẹ/Chăm chúng con/Cơm con ăn/Tay mẹ nấu/Nước con uống/Tay mẹ đun/Trời nóng bức/Gió từ tay mẹ/Con ngủ ngon/Trời giá rét/Cũng từ tay mẹ/Ủ ấm con… Từ tay mẹ/Con lớn khôn”. Thi phẩm này được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành tác phẩm cùng tên và là một trong những ca khúc về đề tài thiếu nhi hay nhất của âm nhạc Việt Nam.
 
Mẹ mang con “chín tháng mười ngày”, nuôi con từ thuở trứng nước, hy sinh vô điều kiện để con khôn lớn, trưởng thành. Nhiều người mẹ, nhất là ở vùng nông thôn chưa bao giờ nghĩ đến việc tận hưởng niềm vui trong các dịp lễ, Tết, kể cả những ngày của riêng mình như Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) dẫu họ vẫn kể cho con cái nghe về lịch sử những ngày đặc biệt ấy.
 
Ngày qua ngày, mẹ cần mẫn với công việc trong nhà, ngoài ruộng, lo chợ búa, cơm nước để chăm sóc cho các con và gia đình. Thiên chức làm mẹ, làm vợ vô tình trở thành rào cản người phụ nữ bước ra ngoài xã hội. Họ chỉ biết “thức khuya, dậy sớm” một đời tần tảo chăm chồng, nuôi con.
 
Dẫu là “thân cò” nhưng mẹ lại có sức sống rất mãnh liệt, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để mang lại sự bình yên cho người thân của mình. Thế nên, trong kho tàng văn học Việt Nam mới có những câu thơ hay, như: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông” (Thương vợ của nhà thơ Tú Xương) để nói lên những vất vả, sự hy sinh của người vợ.
 
2. Nếu người phụ nữ Việt Nam ngày xưa bị ràng buộc bởi “tam tòng, tứ đức” không thể quyết định số phận của mình, cam lòng chấp nhận “phận gái 12 bến nước, trong nhờ, đục chịu”… thì ngày nay, vai trò của người phụ nữ rất lớn trong gia đình và xã hội. Họ vừa gìn giữ, phát huy bản chất của người phụ nữ xưa “công, dung, ngôn, hạnh”, vừa trang bị cho mình những tố chất mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Phụ nữ đẹp nhất trong tà áo dài truyền thống.
Phụ nữ đẹp nhất trong tà áo dài truyền thống.
Trước đây, người ta cho rằng “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, bởi số phận người phụ nữ ngày ấy hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng và gia đình chồng. Ngày nay, câu nói đó không còn phù hợp. Phụ nữ thời hiện đại biết nắm giữ và quyết định vận mệnh của chính mình. Họ chịu nhiều áp lực từ cuộc sống hơn nam giới bởi vừa thực hiện “thiên chức” làm vợ, làm mẹ, vừa tham gia phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội. Song họ vẫn “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và là người “nhóm lửa”, “giữ lửa” hạnh phúc trong gia đình.
 
Phụ nữ ngày nay không còn “đầu tắt, mặt tối” lo chuyện bếp núc mà họ luôn phấn đấu tự chủ về công việc, tài chính để khẳng định vai trò, vị trí của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không ngừng học tập để có tri thức văn hóa, sẵn sàng đối mặt với áp lực và tìm cách vượt qua khó khăn, thử thách.
 
3. Phụ nữ được gọi là “phái đẹp”. Đẹp ở đây không chỉ ở nhan sắc, mà cốt lõi vẫn là phẩm chất, gắn liền với tài năng, đức hạnh. Nàng Kiều của Nguyễn Du đẹp bởi sở hữu cả sắc và tài. Sắc thì “nghiêng nước, nghiêng thành” đến hoa “ghen”, liễu “hờn” lại thông minh xuất chúng, có tài “cầm, kì, thi, họa”.
 
Ngày còn thơ, tôi vẫn thường nghe các bà, các mẹ ru cháu, con bằng những câu, như: Một thương tóc bỏ đuôi gà/Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/Ba thương má lúm đồng tiền…” hay “Trúc xinh trúc mọc bờ ao/Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh/Trúc xinh trúc mọc đầu đình/Em xinh em đứng một mình cũng xinh”... Chuẩn mực thẩm mỹ, đức hạnh mà người ta gắn cho người phụ nữ là “thắt đáy lưng ong, má lúm, mắt bồ câu, lời ăn tiếng nói dịu dàng, đoan trang, hiền hậu…".
 
Điều đó thể hiện rất rõ trong những câu ca dao, như: “Tóc ngang lưng nửa chừng em bối/Để chi dài bối rối dạ anh”, “Những người thắt đáy lưng ong/Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”, “Miệng cười như thể hoa ngâu/Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”…
 
Theo thời gian, những chuẩn mực về vẻ đẹp của người phục nữ có sự thay đổi. Họ chỉ thực sự đẹp khi là phiên bản tốt nhất của chính mình mà không phải ép mình vào những “khuôn vàng, thước ngọc” như ngày xưa. Phụ nữ đã thoát khỏi những định kiến cổ hủ để vươn lên và không có ai thay thế được vai trò của họ, bởi phụ nữ là một nửa của thế giới.
 
Có câu nói rất hay rằng: “Phụ nữ hãy sống như một đóa hoa, chẳng vì ai mà nở, cũng không vì ai mà tàn”. Thế nên, phụ nữ hãy là “phái đẹp” chứ nhất định không là “phái yếu” để không chỉ là người xây tổ ấm trong mỗi gia đình mà còn đóng góp tích cực cho xã hội.
                                                                   Nh.V

tin liên quan

Lan tỏa rộng rãi hình ảnh Năm Du lịch quốc gia 2024

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Cục đã có văn bản gửi tới Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2024.

Việt Nam cử 111 đại biểu tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới tại Nga

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới năm 2024 với thông điệp hòa bình, hội nhập và phát triển. Qua liên hoan lần này, Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, cũng như những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội sau hơn 45 năm thống nhất đất nước và hơn 30 năm đổi mới.

"Đồng hành" bảo tồn nghệ thuật hát Kiều Quảng Kim

(QBĐT) - Trước nguy cơ hát Kiều bị mai một, thời gian qua, xã Quảng Kim (Quảng Trạch) đã nỗ lực để bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của quê hương. Trong đó, việc đưa hát Kiều vào trường học với sự "đồng hành" của các nghệ nhân được xem là một bước đột phá.