Thơ chọn-Lời bình:

Hình tượng mẹ hiếm hoi và đặc biệt trong thơ Hoàng Vũ Thuật

  • 07:48 | Chủ Nhật, 10/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(Viết tặng chị)
(QBĐT) - Vườn xưa                                        
Con nhớ hoài lời mẹ
mẹ sẽ về quê thăm mảnh vườn mùa này 
                                           e chừng cỏ mọc
dây trầu mùa hạ thiếu nước héo khô
hai lăm năm như ngày hôm qua mỗi khi 
                                                chị ra vườn
con muốn khóc
dáng chị như mẹ ngày xưa
sao con không cõng mẹ một lần ngó từng 
                                                         ngọn lá
bầy ong vàng như hoa đang bay
chị ơi đừng ra vườn lúc chóng mặt
chị không nói gì mà nước mắt con lăn 
                                                   xuống đất
lòng nhàu hơn cỏ mà mảnh vườn
                                       cứ buôn buốt xanh.
19/3/2020
 Hoàng Vũ Thuật 
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Lời bình: 
Con nhớ hoài lời mẹ
mẹ sẽ về quê thăm mảnh vườn mùa này 
                                           e chừng cỏ mọc
dây trầu mùa hạ thiếu nước héo khô
(Vườn xưa)
Đây là khổ đầu trong bài thơ “Vườn xưa” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Đọc lên thấy rưng rưng, ký ức mẹ ùa về; dẫu mỗi người đọc rưng rưng theo mỗi cách khác nhau, “lát” ký ức mỏng, dày khác nhau. Đọc ba câu thơ trên đã biết tác giả-người sinh ra ở Quảng Bình viết về mẹ của mình-một người mẹ Quảng Bình.
 
Bắc miền Trung, từ Hà Tĩnh trở ra không dùng từ “e”. Người mẹ nào cũng tảo tần, dâng hiến, dẫu là mẹ sinh thành, “mẹ” ẩn dụ của miền Trung hay “mẹ” đất nước. “Dây trầu mùa hạ thiếu nước héo khô”, chỉ người phụ nữ mới có thể làm hết những việc có tên và không tên.
....
hai lăm năm như ngày hôm qua mỗi khi 
                                              chị ra vườn
con muốn khóc
dáng chị như mẹ ngày xưa
sao con không cõng mẹ một lần ngó từng 
                                                         ngọn lá
bầy ong vàng như hoa đang bay
(Vườn xưa)
Bài thơ này, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sáng tác vào năm 2020. Tôi mơ hồ nghĩ, có thể mẹ ông đã về miền mây trắng 25 năm, có nghĩa là mất năm 1995. Mảnh vườn chỉ còn chị chăm nom, “dáng chị như mẹ ngày xưa”. Con gái thường giống mẹ từ những điều dễ nhận diện trên khuôn mặt, dáng đi... đến những điều khó nhận diện hơn là nết ăn, nết ở.
 
Nhìn chị ra vườn nhà thơ nhớ mẹ. Chắc chắn, cơn gió ký ức ùa về. Nhà thơ ân hận. Đọc câu thơ “sao con không cõng mẹ một lần ngó từng ngọn lá”, tất cả các người con đều tự ân hận. Lúc mẹ còn sống đã làm mẹ phật lòng, phật ý, rằng chưa kịp báo hiếu mẹ những điều tưởng như giản đơn nhất.
 
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”. Câu thơ này tôi chưa biết tác giả là ai, nhưng nó là một thông điệp. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thấm thía, đọc lên thương cha mẹ vô cùng.
...
chị ơi đừng ra vườn lúc chóng mặt
chị không nói gì mà nước mắt con lăn 
                                                     xuống đất
lòng nhàu hơn cỏ mà mảnh vườn 
                                      cứ buôn buốt xanh
(Vườn xưa)
Hoàng Vũ Thuật là một nhà thơ của sự sáng tạo thi ca. “Hoàng Vũ Thuật không đi theo con đường tiền nhân. Ông lạ hóa bản thể, tự khai phóng và chạm trổ sinh lộ cho riêng mình, đem sinh mệnh cho những vần thơ tươi ròng cuộc sống” (Nguyên Tô: Gió nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người). Không chỉ con đường tiền nhân đâu, “sinh lộ” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật khác cả với những nhà thơ đương đại, trước hết là cùng thế hệ ông.
 
Cho đến nay, Hoàng Vũ Thuật đã công bố 18 tác phẩm thơ và 1 tập phê bình và tiểu luận. Ông chung thủy với thơ như chung thủy với chính mình và quê hương. Thơ ông ít viết về những đề tài cụ thể, như: Gia đình, mẹ, anh, em, con cái... Tôi đã cố tìm xem ông viết nhiều về mẹ không? Bài thơ “Vườn xưa” đề “viết tặng chị”, là ẩn cảm về mẹ, là trường hợp rất hiếm.
 
Có lẽ, trong số các nhà thơ nói chung và nhà thơ Quảng Bình nói riêng, Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ viết ít về đề tài cụ thể, trong đó có đề tài mẹ. Trong số các nhà thơ Quảng Bình và gốc Quảng Bình nhà thơ Nguyễn Hữu Quý là trường hợp đặc biệt. Ông đã công bố trường ca “Chín cơn mưa và mẹ”, (Nhà xuất bản QĐND, năm 2020) và tập thơ “Đừng kể công cho mẹ”, (NXB Hội Nhà văn, năm 2021) gồm 33 bài.
 
Nhiều cũng là đặc biệt, ít cũng là đặc biệt.
 
Trong tập thơ “Ngôi nhà cỏ”, (NXB Hội Nhà văn, năm 2010), nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nhắc đến mẹ, cha: “Tôi có tất cả/giọng nói mẹ cho/mẹ tôi được bà ngoại cho chin mươi năm trước/tôi thở/hơi thở cha tôi/cùng tiếng khóc đầu đời”, (Tôi).
 
Hoàng Vũ Thuật là người giàu tình cảm, nhưng kín đáo. Tư duy thơ của ông nằm giữa ranh giới của ý thức và vô thức, chứa đựng nhiều giá trị chiêm nghiệm. Tôi không cùng cách gọi “thơ trí tuệ”, “thơ triết lý” khi nói về thơ ông. Bởi thơ chỉ bật lên khi trong tim đã đầy cảm xúc, sống kỹ lưỡng với chính mính và cuộc đời. Ông là “cây cỏ” trong muôn vàn “sắc cỏ”; là “con đường nhỏ” gặp “con đường lớn”.
...
Con đường nhỏ lặn vào con đường lớn
Nếp nhà xưa ngơ ngác nếp nhà nay
Chỉ tiếng lá không thể nào đổi khác
Cùng sao đêm thầm thĩ chuyện gì đây?
(Làng)
Tôi đã từng theo nhà thơ Hoàng Vũ Thuật về thăm vườn xưa, nhà xưa, nơi ông cất tiếng khóc chào đời ở xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Từ đường cái quan, rẽ phải, qua một đoạn cánh đồng là đến. Thời điểm tôi đến cũng khoảng tháng 4. Bên trái cánh cổng vào nhà xưa của ông cũng có giàn hoa mướp, nở vàng tươi. Lũ ong hút mật ríu ran, bao ngọn tre xanh trước nhà vờn gió. Tất cả thật xưa, thân thuộc.
 
Quê hương là cả khoảng trời ký ức, với bất cứ người nào sinh ra và lớn lên ở quê. Giàn hoa mướp, đám cỏ trong vườn, tiếng cu gù...luôn sống mãi, là những âm thanh khó có thể mất trong trái tim mỗi nhà thơ, đi theo nhà thơ, dù sống ở đâu, lập nghiệp nơi đâu. Hoàng Vũ Thuật không phải là ngoại lệ.
...
Tiếng cu gù bong bóng nổi mưa the
Chum nước gáo dừa mẹ về lui cơn khát
Chó vu vơ sủa bóng mình trên vách
Nỗi buồn tựa cửa ngóng chờ ai...
(Tiếng cu gù giữa trưa Hà Nội).
Hoàng Vũ Thuật ít làm thơ về mẹ (cũng có thể do ông chưa công bố hoặc tôi chưa được đọc), nhưng “hình tượng mẹ” lồng lộng trong hình bóng quê hương Quảng Bình ở nhiều bài thơ trong 18 tập đã xuất bản. Đọc “Vườn xưa” và gặp hình ảnh “mẹ” được ông nhắc đến trong các bài thơ khác, đã đầy lên khắc khoải, “trong hữu hạn kiếp người”-như một câu thơ ông viết.
Ngô Đức Hành
 

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Áo dài truyền thống tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, đây là trang phục không thể thiếu trong các dịp lễ trọng đại của quê hương, đất nước.

Áo dài truyền thống, nguồn cảm hứng của hội họa

(QBĐT) - Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với chiếc áo dài truyền thống, trở thành biểu tượng thẩm mỹ kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại, là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong văn học nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật.

Tình khúc tháng ba

(QBĐT) - Về nghe khúc hát tháng ba
Sóng reo bờ bãi gió đùa xôn xao
Hàng dừa xòe lá vẫy chào
Chiều quê thấp thoáng một màu xanh trong