Món ngon mùa giêng hai

  • 06:52 | Thứ Hai, 11/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày sương mù luôn mang lại cho cư dân làng biển nhiều niềm hy vọng. Cùng với tôm, cua, mực, cá lớn, nhỏ và niềm hân hoan trên gương mặt mỗi ngư phủ khi tàu cập bến là bầy khuyếc biển hồng hào, tươi rói. Từ bàn tay đảm đang, vén khéo của những bà, những mẹ và chị em làng chài, khuyếc biển biến thành nhiều món ngon mang đậm hương vị quê nhà!
 
Không phải là sơn hào hải vị, khuyếc biển là món ăn bình dân mà bất cứ gia đình nào cũng có thể yên lòng khoản đãi cháu con với nhiều biến tấu. Khuyếc tươi, thì dứt khoát phải làm hai món, là xào và nấu canh.
 
Bởi giá tiền rất rẻ nhưng giá trị dinh dưỡng cao, lại là nguồn hải sản sạch, con khuyếc không chỉ là món ăn của người làng chài, mà nơi phố thị, chị em nội trợ cũng rất ưa chuộng. Mỗi người sẽ có những cách chế biến khác nhau tùy khẩu vị, trong đó, cách chế biến của dân biển đơn giản nhưng mang lại hương vị độc đáo mà những cách làm khác, dù cầu kỳ, cũng khó lòng có được.
 
Để làm món khuyếc xào, nguyên liệu cần tươi ngon. Khuyếc tươi mang màu sắc hồng hào, thân hình bé nhỏ trong veo và lấp lánh, tưởng chừng như có thể nhìn xuyên qua được. Sau khi rửa sạch, chờ khuyết ráo nước, thì phi thơm hành củ, cho cà chua và dứa thái hạt lựu đảo đều, nêm nếm gia vị cùng hành lá, ngò, rau thơm… tùy khẩu vị.
 
Lúc này cho khuyếc vào chảo với mỡ hoặc dầu ăn chỉ vừa đủ tráng qua mặt chảo, dàn đều khuyếc rồi rưới hỗn hợp cà chua, dứa lên trên, đậy vung và cho lửa nhỏ um tầm 5-7 phút. Bí quyết nhỏ của người nội trợ làng biển là hạn chế động đũa trong suốt quá trình đun nấu bởi nếu con khuyếc được đảo đều như cách xào nấu thông thường sẽ không giữ được mùi vị thơm ngon.
Ảnh minh họa.
Khuyếc xào và rau mùa giêng hai, món ngon khó cưỡng.
Với món canh khuyếc cũng vậy. Các loại rau củ dùng để nấu canh cần được sơ chế và đun sôi trước, khuyếc được cho vào sau, lúc nồi đang sôi sùng sục. Nếu nấu chua me thì đây cũng là lúc đồng thời cho chua me thái nhỏ vào cùng hành ngò.
 
Đi cùng với canh khuyếc và khuyếc xào là món rau sống với các loại rau điển hình của mùa xuân, như: Cải cúc, cải mầm, xà lách, rau diếp…, đặc biệt là lá tỏi. Những ngày như bây giờ, mâm cơm của người làng biển có khi chỉ đơn sơ một chảo khuyếc xào hay nồi canh khuyếc xâm xấp nước ăn cùng rau sống và mớ cá nhỏ kho ớt xanh sóng sánh chút nước kho đậm đà. Cả gia đình vợ chồng, con cái quây quần bên mâm cơm, mời nhau món ngon đạm bạc rồi tấm tắc, hệt như khung cảnh “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” trong câu ca dao năm nào…
 
Mùa khuyếc đến và đi nhanh. Để lưu giữ lại hương vị món ngon dân dã cho những ngày sau, khuyếc biển được mang phơi. Khuyếc khô rang dầm mắm tỏi, trộn khế chua thái lát mỏng vắt nước hay vài múi bưởi chua tách nhỏ rồi cho ngò gai thái mịn là món ngon khó cưỡng. Ngày gió mùa về hay khi bận rộn không kịp chợ búa thì mang khuyếc khô nấu canh khế, canh bầu, mồng tơi, tập tàng… là những món ăn “truyền thống”. Bây giờ, khuyếc khô có thêm những “biến tấu” mới, như: Rim giòn, trộn cùng rong biển, xào ngô, rang cơm… hay ruốc bông đậm đà hương vị mới!
 
Khuyếc biển cũng là nguyên liệu của món ruốc quết. Qua nhiều công đoạn như muối, vắt, phơi khô, giã, đánh và phơi nắng nhiều tháng, ruốc quết sẽ chín, là gia vị đặc trưng của nhiều món ngon. Trong những công đoạn chế biến ruốc quết, giã ruốc là công đoạn vất vả nhất. Người giã ruốc phải “có nghề” mới có thể dễ dàng nhấc chiếc chày gỗ từ hỗn hợp ruốc quánh dẻo.
 
Mùa ruốc, âm thanh thình thịch vang lên khắp làng biển. Chỉ những nhà neo người mới giã ruốc một mình, còn thường giã ruốc sẽ có đôi, những cánh tay khỏe khoắn nâng lên hạ xuống, phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển như một vũ điệu. Ngày nay, làm ruốc quết đã đơn giản hơn vì có máy xay, nhưng ruốc giã từ cối gỗ có độ sánh dẻo, mịn màng vẫn là món ngon trong ký ức của nhiều người.
 
Giêng hai bây giờ không còn cảnh thiếu ăn, bữa cơm người làng chài đã có rất nhiều món ngon mới lạ, nhưng mùa khuyếc về, thì nhất định phải nấu nồi cơm lớn, mua rổ rau to, um chảo khuyếc ngon rồi í ới mời nhau. Bên hiên nhà lộng gió, những mùa khuyếc đi qua, dịu ngọt, thanh tao và ấm áp như tâm hồn người làng biển…
Diệp Đồng

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Áo dài truyền thống tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, đây là trang phục không thể thiếu trong các dịp lễ trọng đại của quê hương, đất nước.

Hình tượng mẹ hiếm hoi và đặc biệt trong thơ Hoàng Vũ Thuật

(QBĐT) - Hoàng Vũ Thuật là người giàu tình cảm, nhưng kín đáo. Tư duy thơ của ông nằm giữa ranh giới của ý thức và vô thức, chứa đựng nhiều giá trị chiêm nghiệm. 

Áo dài truyền thống, nguồn cảm hứng của hội họa

(QBĐT) - Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với chiếc áo dài truyền thống, trở thành biểu tượng thẩm mỹ kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại, là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong văn học nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật.