Hồi ức "Nằm đếm trời sao"

  • 07:24 | Thứ Sáu, 03/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyện văn chương nhiều khi như là cái duyên, tôi và anh Hải Kỳ biết nhau từ năm 1980. Khi ấy, lớp Ngữ văn khóa 1980-1984, Trường đại học Sư phạm Huế phần lớn là những học sinh phổ thông hoặc tốt nghiệp phổ thông một hai năm mới vào đại học, còn anh Hải Kỳ và một số anh chị khác đã làm công tác giảng dạy rồi mới vào đại học. Năm đầu anh ngoại trú, qua năm thứ hai anh vào ký túc trong cư xá cùng với sinh viên. Sau khi tốt nghiệp đại học, một số nơi đã mời anh ở lại Huế công tác nhưng anh đã quyết định trở về Đồng Hới giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu.
 
Nhà giáo, nhà thơ Hải Kỳ tên thật là Trần Văn Hải, sinh năm 1949, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Quê ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, anh định cư ở phường Bắc Lý và công tác giảng dạy tại Trường THCS Nam Lý, TP. Đồng Hới; sau cơn bạo bệnh, được gia đình hết lòng cứu chữa nhưng không qua khỏi, anh mất năm 2011.
 
Hải Kỳ đã xuất bản 5 tập thơ: Ngọn gió đi tìm (1987-tái bản năm 2001), Đồng vọng (1989), Nằm đếm trời sao (1997), Đối thoại lục bát (1999), Giấc mơ (2009). Tập thơ Nằm đếm trời sao do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 1997, với 48 bài; có lẽ đây là tập thơ ra đời nhân dịp sinh nhật lần thứ 48 của anh.
Ảnh bìa tập thơ Nằm đếm trời sao.
Ảnh bìa tập thơ Nằm đếm trời sao.

Người ta nói rằng, thơ Hải Kỳ là thơ tình yêu. Đúng là thơ tình yêu, nhưng không chỉ tình yêu đôi lứa mà chúng ta thấy ở trong đó có cả tình yêu quê hương, đất nước và con người.

Tình yêu quê hương đậm nét nhất trong Nằm đếm trời sao có lẽ là hình ảnh một miền quê ven biển: Ở quê anh cồn cào biển cả/Mùa thu về dâng ngọn gió nồm lên (Gió đồi thông). Miền quê ấy, đã chắp cho anh đôi cánh ước mơ và nguồn cảm xúc để tạo nên những dòng thơ suối chảy ngọt ngào. Với anh, quê hương không chỉ là những ngôi nhà, những con đường quen thuộc mà cả bầu trời, ngọn gió cũng mang hơi ấm của tình quê.

Xưa nay người ta nói đến làng, có ai nói làng trên biển bao giờ? Ấy vậy mà, với Hải Kỳ lại có đấy! Làng trên biển trong thơ anh thật là đẹp: Ở làng biển kỳ con nước sinh/Trong thần thoại biển đêm làng thành hai nửa/Làng Đất bếp lập lòe ánh lửa/Làng Nước ngoài khơi chói lóa ánh đèn (Đêm làng Đất làng Nước).

Anh thật tự hào với một Nhật Lệ nên thơ: Có biển, có buồm căng ngọn gió, có rừng phi lao xanh biếc, có đồi thông che ánh nắng mặt trời, có hàng dừa nghiêng mình soi bóng, có “Những ngôi nhà bên biển nằm im”. Tất cả tạo nên chuỗi kỷ niệm: Giờ đã lớn bỗng nhớ về quá khứ/Tuổi học trò gội nắng tóc vàng hoe/Bao kỷ niệm nuôi lòng ta xanh mãi/Trên cánh chuồn chở nắng chớm thu kia (Ơi bóng mát của ngày thơ dại). Thời gian có đi qua, mái tóc đã ngả màu sương khói, nhưng tấm lòng và cảm xúc của nhà thơ vẫn xanh mãi với quê hương, với bạn bè và đặc biệt là tấm lòng thành kính với mẹ.

Ngọn gió chiều nay đưa con về với mẹ, hay đưa mẹ về với con, con cũng không biết nữa, chỉ biết lòng con thương nhớ mẹ vô cùng.

Mẹ ơi! Đâu những ngày xưa, gió chiều lạnh, con về bên mẹ, tình mẹ thương con ấm cả mùa đông? Đâu những ngày xưa, tuổi ấu thơ, con theo chuồn chuồn nghịch nắng, mẹ thương con mẹ mắng, con dỗi hờn làm mẹ không vui?... Ôi! Còn đâu những ngày xưa ấy? Nhớ một mùa thu đã xa… (Gió trong chiều). Câu thơ trải dài ngắt hơi thành từng đoạn như một lời kể lể, tỉ tê, hối hận với mẹ về tuổi ấu thơ đường đột và giờ chỉ còn trong ký ức.

Còn với vợ, anh cảm thấy mình như người có lỗi: Mong vợi cho em được chút nào/Suốt đời đi ngược gió hanh hao/Nắng mưa anh chẳng chia gì được/Để hóa bây giờ em sốt cao (Em ốm).

Tình yêu là chủ đề chính trong tập thơ. Tình yêu ấy không chỉ dừng lại ở những cảm xúc chân thành sâu lắng, mà với một tâm hồn nghệ sĩ, anh đã vượt ra khỏi cái hiển hiện để đến với tình yêu đôi lứa bằng cả trái tim khát khao nồng cháy: Ta về nằm đợi sao bay/Cho vơi thân xác cho đầy tâm linh/Cho không còn nhớ là mình/Hình như có một người tình đếm sao (Nằm đếm trời sao).

Đọc thơ Hải Kỳ, tôi có cảm giác mình như trẻ lại, trẻ để được yêu, yêu cho tâm hồn khoáng đãng và bớt đi bao chuyện nhỏ nhặt đời thường. Nhớ thời còn là sinh viên, chúng tôi cũng đã từng nghe nhà thơ Xuân Diệu nói trong một giờ lên lớp: “Ra đường thấy người đẹp không nhìn là dại, nếu không muốn nói là ngu” đó sao? Vả lại, yêu đơn phương mới đẹp, mới mộng mơ, mới bồi hồi thổn thức.

Tình yêu trong thơ Hải Kỳ cũng thế, anh say đến mức si tình: Dù anh chẳng được yêu/Dù em rồi không nhớ Anh còn nguyên một chiều/Tìm em trời dông gió (Khúc chiều). Vẫn biết rằng: Nàng nể tình tôi chỉ nhận hờ/Mỗi khi tôi viết tặng bài thơ/Những vần mong nhớ nàng lơ đãng/Tôi lại chờ trông đến ngẩn ngơ (Tôi tặng nàng thơ).

Nằm đếm trời sao là tập thơ đề cập nhiều khía cạnh về tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, tấm lòng thành kính với mẹ, thủy chung với vợ, da diết rạo rực trong tình yêu đôi lứa, sự cảm thông sâu sắc với những đứa trẻ dị tật bẩm sinh, những đứa trẻ không cha không mẹ... (Hà Nội đêm thơ từ thiện). Nhìn chung trong hoàn cảnh nào, viết về một đề tài nào, thơ Hải Kỳ cũng thể hiện cảm xúc sâu lắng mà chân thành, sôi nổi mà khát khao rạo rực.

Trương Đình

tin liên quan

Con đường quê

(QBĐT) - Con đường uốn khúc quanh co
Xanh xanh màu cỏ lơ ngơ cánh chuồn
Giao mùa gió thổi du dương
Trên cành so đũa trắng ngần màu hoa

Niềm tự hào danh hương của các "thi lão"

(QBĐT) - Năm 2023, Câu lạc bộ (CLB) thơ làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) tròn 30 tuổi. 

Người cao tuổi tỉnh đoạt giải C tại liên hoan "Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc" năm 2023

(QBĐT) - Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Đinh Minh Thử cho biết: Tại lễ tổng kết, trao giải liên hoan "Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc" năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức, đoàn Quảng Bình đã đoạt giải C.