Đọc "Dạ khúc" của Trương Vĩnh Hạnh

  • 07:20 | Thứ Tư, 01/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1976, thầy giáo Trương Vĩnh Hạnh được học và nghe Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Trọng Luận phân tích bài ca dao lục bát Tát nước đầu đình. Ông nói đến nay chưa một nhà phê bình nào cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp nghệ thuật của câu ca dao “Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Ông phân tích hay đến nỗi Trương Vĩnh Hạnh từ đó say mê làm thơ lục bát.
 
Từ ngày biết làm thơ, sau tập Thơ trẻ in chung, Trương Vĩnh Hạnh đã xuất bản được 3 tập thơ: Độc thoại, Tình biển, Sông khát.Dạ khúc là tập thơ thứ 4 của anh do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2023. Tập thơ gồm 52 bài thơ lục bát. Với cấu trúc mới mẻ, Trương Vĩnh Hạnh đã chịu khó tìm tòi, thay đổi biến tấu, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc trong một số câu, một số bài, nhằm đáp ứng kỳ vọng của người đọc. Bài thơ Tìm gồm tám câu, cứ mỗi cặp câu lục bát sóng đôi, lại gợi nên một trường liên tưởng, mang tính triết lý: “Xin người đừng trả cho tôi/Cái nhành hoa phượng qua rồi ngày xưa/Dấu chiều chìm khuất trong mưa/Còn mong nỗi nhớ đong đưa cuối ngày”.
 
Đó là chuỗi nhớ, chuỗi ký ức ngày xưa, cái tuổi học trò, kỷ niệm trao nhau một chùm hoa phượng. Hình ảnh ẩn dụ, kỷ niệm của mùa thi, những dòng lưu bút trước lúc ra trường. Đó là ánh chiều bị chìm khuất trong trong cơn mưa để lại niềm mong, nỗi nhớ khi màn đêm buông xuống. Có lẽ tâm trạng của nhà thơ khi đã về già vẫn còn day dứt, bâng khuâng nhung nhớ cái tuổi mộng mơ, một thời tuổi trẻ.
Bìa tập thơ Dạ khúc.
Bìa tập thơ Dạ khúc.
 
Trong bài Nhặt lại, anh đã viết: “Tôi về nhặt lại tháng giêng/Vầng mơ hoa cải đào thiền trước sân//Em thương ngoái lại-Dấu chân/Dáng xưa đầu ngõ, chân vân đợi chờ". Từng cặp một, câu lục và câu bát xoắn xít bên nhau. Trong các cặp câu lục bát ở trên luôn bảo đảm có sự cân đối hài hòa giữa các thanh âm thông qua quy tắc bằng trắc. Các tiếng thứ 2,4,6 của câu lục trong Dạ khúc của Trương Vĩnh Hạnh là bằng-trắc-bằng thì các tiếng thứ 2,4,6,8 trong câu bát là bằng-trắc-bằng-bằng. Trong 52 bài thơ có đến 48 bài tuân thủ hoàn toàn theo quy tắc ấy.
 
Trương Vĩnh Hạnh viết về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng tập trung nhất vẫn là về mẹ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ kính yêu và tình yêu quê hương, đất nước.
 
Trong bài thơ Mẹ, Trương Vĩnh Hạnh đã viết: “Một đời đi sớm về trưa/Lưng còng mẹ cõng nắng mưa vai gầy/Đồng sâu, đồng cạn nước đầy/Giêng hai buốt gió, thu ngày bão giông”. Hay trong bài Lời mẹ ru: “Thời gian lặng lẽ cứ trôi/Cho con thẩm thấu những lời mẹ ru/Ầu ơi ngọn gió mùa thu/Về trời hoa cải, hoa mua nặng lòng”. Ai lớn lên cũng có cái nhớ đằm sâu tiếng kẽo cà kẽo kẹt của tiếng võng đưa, gió mùa thu mẹ ru con ngủ.
 
Mẹ của Trương Vĩnh Hạnh mất sớm. Anh lớn lên ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) nhưng dạy học rồi bám trụ ở làng Cù Lạc, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Anh nên duyên với cô thôn nữ ở miền sơn cước đẹp người, đẹp nết. Mỗi khi nhìn thấy bóng dáng tảo tần của vợ, anh lại nhớ đến người mẹ đã khuất núi ở quê nhà: “Trông em thấy mẹ ngày xưa/Thưa dần mái tóc nắng mưa tảo tần/Ngược xuôi mùa vụ xoay vần/ Chợ phiên đò dọc biết xuân là gì” (Tháng ba nhớ mẹ và em)
 
Hình tượng cây tre Việt Nam tuy đã được nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Thép Mới, Nguyễn Duy khai thác, tôi vẫn rất yêu hai câu thơ của Trương Vĩnh Hạnh khi nói về người vợ của mình: “Yêu thương tre vít ngọn cong/Lá rơi vẽ một đường vòng bờ mi” (Tre xanh).   
 
Khi về thăm quê Bác, anh có bài Tiếng võng làng Sen: “Con về thăm Bác làng Sen/Giữa trưa tiếng võng chao nghiêng đất trời”. Và cũng từ tiếng võng này tác giả đã liên tưởng tới những lời ru của người mẹ đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho Bác Hồ bay đi bốn phương trời tìm đường cứu nước: “Nghe từ tiếng võng làng Sen/Nuôi Người chí lớn-Vĩ nhân trên đời”. Trong bài Ngày xuân đọc thơ Bác, với 8 cặp câu lục bát sóng đôi tác giả đã nhắc đến công ơn trời biển của Bác Hồ. Cứ mỗi cặp là mỗi liên tưởng đến một bài thơ của Bác: “Hồ Chí Minh-Hồ Chí Minh/Tên Người là cả niềm tin rạng ngời//Thơ ngọc lóng lánh ở đời/ Giao thừa triệu triệu tim người chờ mong”.
 
Anh đã vinh hạnh có nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày hội đua thuyền trên dòng Kiến Giang: “Thân quen quân phục bạc màu/Minh anh, trí tuệ-Non Mâu vút trời/Lòng như trẻ nhỏ thiếu thời/Mõ tre trống giục vợi vời thuyền đua/Dõi theo đắm đuối nhịp khua/Trên dòng sông Lệ nắng mưa nao lòng/Kiến Giang hồn mẹ xanh trong/Bến quê Hạc Hải mênh mông sóng òa” (Đại tướng thăm quê).
 
Trương Vĩnh Hạnh viết nhiều bài tả thực về phong cảnh ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, như: Sông quê, Lên núi Thần Đinh, và nơi anh sống đến trọn đời, như: Nàng tiên Phong Nha, Lục bát sông Dinh. Đa số thơ lục bát của Trương Vĩnh Hạnh thường là nhịp chẵn 2/2/2 ở câu lục và 2/2/2/2 ở câu bát. Cũng có bài anh dùng 3/3 ở câu lục và 4/4 ở câu bát. Một vài bài được cách tân hình thức: “Một ngày!một ngày!/một ngày/Vén câu hư ảo gió mây tự tình/Một ngày lỗi nhịp con tim/ Thiên di/con chữ/ngược tìm bóng xưa” (Một ngày).  
 
Hy vọng tập thơ Dạ khúc của anh sẽ làm phong phú thêm dòng thơ lục bát ở quê nhà.
 
                                                                                            Hoàng Minh Đức 

tin liên quan

Nghệ sỹ Lê Đức Thành đoạt giải nhất cuộc thi ảnh "Vẻ đẹp Việt Nam" tháng 10

(QBĐT) - Cuộc thi ảnh "Vẻ đẹp Việt Nam" tháng 10/2023 với chủ đề "Chân dung cuộc sống" đã tìm ra ngôi vị quán quân là nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Đức Thành, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

Phát hành 3 ấn phẩm về Đồng Hới

(QBĐT) - Hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Đồng Hới và 20 năm thành phố trực thuộc tỉnh, TP. Đồng Hới phát hành 3 ấn phẩm về Đồng Hới năm 2023.

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tiếp nhận, trưng bày gần 400 tư liệu, hiện vật

(QBĐT) - Sáng 30/10, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức tiếp nhận, trưng bày hiện vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cùng các nhà sưu tập tư nhân hiến tặng.