Ước mơ của mẹ là gì? (*)

  • 08:09 | Thứ Bảy, 28/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi chưa bao giờ hỏi mẹ về ước mơ, về hy vọng. Cho đến một ngày, khi dẫn mẹ đi ngang qua trường làng, nhìn mẹ đưa ánh mắt dõi theo từng tốp học trò nhỏ vui đùa bên cạnh người giáo già, trong đôi mắt đã ngập tràn bóng chiều của bà loang loáng nước. Khi ấy, tôi chợt nhận ra: Đã rất lâu rồi, tôi đã quên mất rằng mẹ cũng từng có những ước mơ của riêng mình.
 
1. Khi tôi lên 10, mẹ đổ bệnh. Đó là những tháng ngày gian khó nhất của gia đình khi mà hàng tháng, mẹ phải vào Huế chạy chữa thường xuyên. Nhà neo người, có những bận, mẹ phải dắt theo cả đứa con gái nhỏ-là tôi-đi tàu chợ, rồi ngược xuôi các bệnh viện lớn nhỏ của thành phố. Mẹ địu tôi trên chiếc xe đạp còm cõi lên tới ga Mỹ Trạch, rồi cả hai mẹ con lại ngồi lắc lư trên con tàu chợ ám màu xám xịt.
 
Trên con đường xa ngái ấy, mẹ đã kể cho tôi nghe về những ngày thơ bé, ngày tôi chập chững bước đi đầu tiên, về những ước mơ hồn nhiên của tôi ngày lên 5, lên 7. Nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ mẹ kể về mình. Đã có lần tôi vô thức hỏi mẹ về những ước mơ riêng tư, mẹ chỉ mỉm cười, rằng mẹ không có ước mơ và giờ, chỉ mong mau chóng lành bệnh, để tôi không còn cảnh ngược xuôi cùng mẹ theo những chuyến tàu chợ. Nói rồi, ánh mắt mẹ thả trôi ra bên ngoài cửa sổ, đôi mắt loang loáng nước nhìn ánh hoàng hôn vụt trôi giữa tiếng còi tàu lạnh lẽo.
 
Khi cuộc sống chộn rộn với bao nỗi lo cơm áo, mẹ chưa bao giờ nghĩ về những ước mơ của riêng mình nhưng suốt đời lại vun vén cho ước mơ của con trẻ. Cũng là người mẹ ấy, chưa một lần tạm quên đi tất cả để sống cho mình mà lấy niềm vui của những đứa con là tất cả nguồn sống. Nhiều năm trước, trong những ngày tháng chật vật nhất của mình, đã có lúc tôi có ý định bỏ cuộc trên hành trình thực hiện ước mơ từ ngày còn thơ bé.
 
Nhưng, chính mẹ, người phụ nữ suốt cuộc đời lam lũ, khổ nhọc lại là người duy nhất bền bỉ động viên tôi giữ lấy niềm đam mê, nuôi lớn ước mơ của mình. Mẹ bảo, dù khó khăn đến đâu, điều duy nhất không được phép từ bỏ là hy vọng, là đam mê, là ước mơ của chính mình. Ngay thời điểm ấy, tôi vẫn chưa từng biết “hy vọng, đam mê và ước mơ” của mẹ là gì!?
 
2. Tôi gọi những người mẹ tại Làng trẻ em SOS Đồng Hới là những người mẹ đặc biệt và “giàu có”. Sự giàu có không đến từ vật chất, tiền tài mà là tình cảm được vun vén trong những tháng ngày sống giữa vô vàn yêu thương. Họ, vốn là những người phụ nữ cô đơn: Không chồng, không con, không có được một tổ ấm bé nhỏ như bao người phụ nữ bình thường khác. Chưa một lần làm mẹ nhưng sau tất cả những lóng ngóng ngày đầu, họ chăm sóc cho những đứa trẻ xa lạ bằng tất cả sự dịu dàng, yêu thương như thể những người phụ nữ đã từng mang nặng, đẻ đau.
 
Chắc chắn rằng khi họ quyết định rời quê hương, bước chân vào làng trẻ, đặt lên vai mình trách nhiệm chăm sóc cho những đứa trẻ không ruột rà, máu mủ không chỉ đơn thuần là tìm kiếm cho bản thân một công việc. Họ đang tìm cho mình một tổ ấm, nơi có những đứa trẻ gọi mình bằng mẹ.
Tàu qua núi.  - Tác giả: Nguyễn Hải
Tàu qua núi. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong một “ngôi làng” đặc biệt, tổ ấm của họ cũng đặc biệt không kém khi những số phận bất hạnh, côi cút đã nương tựa vào nhau, sưởi ấm nhau bằng tình mẫu tử chân thành. Những mảnh ghép tưởng chừng không vẹn toàn ấy lại tìm đến nhau, lắp ghép vào đời nhau để tạo nên một bức tranh gia đình ngập tràn sắc màu hạnh phúc. Ngày nối đêm trôi đi, bằng tất cả tình yêu, mong mỏi được bù đắp phần nào cho những đứa trẻ bất hạnh, những người mẹ đã đồng hành cùng chúng đi qua tháng ngày khó nhọc nhất với bao bận ốm đau, những lần khát sữa.
 
Thời gian dần trôi, với những người mẹ đặc biệt ấy, những đứa trẻ mồ côi, không ruột thịt chính là tất cả niềm hy vọng. Họ vun vén cho cuộc đời vốn không vẹn tròn của chúng, chăm chút cho những ước mơ của chúng lớn lên, vượt ra khỏi bất hạnh của số phận rồi vỡ òa hạnh phúc ngày chúng đến tuổi trưởng thành, rời xa mái ấm. Ước mơ của những người mẹ cũng theo bước chân đi xa của lũ trẻ.
 
3. Ngày bà ngoại tôi mất, mẹ tôi cứ ôm lấy di ảnh của bà rồi khóc mãi không thôi. Bao nhiêu nước mắt của đau đớn, nhớ mong và hối tiếc cứ thế thi nhau tuôn rơi trên gương mặt khắc khổ. Trong những tiếng nấc nghẹn, tôi cứ thấy mẹ không ngừng nói lời xin lỗi bà. Đến một ngày, khi bình tâm lại, mẹ kể rằng, ngày còn sống, bà dành tất cả tình thương, bao nhiêu kỳ vọng vào mẹ-đứa con gái duy nhất của bà.
 
Nhưng khi cuộc sống thiếu thốn đủ bề, mẹ đã không thể trở thành niềm tự hào như bà hằng mong mỏi. Hóa ra, tất cả người mẹ trên thế gian này đều như nhau, đều đặt trọn niềm tin yêu và hy vọng vào những đứa con của mình. Hóa ra, vì con, những người mẹ vĩ đại ấy đã quên mất chính mình cũng từng có một thời tuổi trẻ tràn đầy ước mơ và cũng đã từng là tất cả hy vọng của một người mẹ vĩ đại khác.
 
Như tất thảy mọi con người trên thế gian này, người mẹ nào cũng đã từng có những ước mơ được vun bồi từ một tuổi thơ đẹp đẽ, một thời thiếu nữ nhiều hoài bão. Nhưng, khi những đứa con ra đời, bao nhiêu nỗi lo cơm áo đè nặng, ước mơ ấy được vun vén lại cho con trẻ. Khi con còn bé nhỏ, ước mơ của mẹ là được thấy con khỏe mạnh lớn lên. Khi con đến tuổi trưởng thành, mẹ chỉ có một ước mong lớn lao là cuộc đời con không phải đi qua những ngày sóng gió. Ước mơ của mẹ cùng con lớn lên, mọi khổ đau, hạnh phúc đều gói ghém vào cuộc sống của những đứa con thơ bé. Bởi với mỗi người mẹ, con là tài sản, là báu vật vô giá!
 
Khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta mặc sức tung tẩy với những ước mơ của mình mà quên mất rằng mẹ cha ta cũng từng có những ước mơ. Chúng ta vô tâm, chúng ta quên lãng và chúng ta bỏ mặc những ước mơ riêng tư nhưng không hề bé mọn ấy. Để đến lúc nhận ra, cha mẹ đã bạc phơ mái đầu!
Diệu Hương
 
(*) Tít bài được lấy cảm hứng từ ca khúc “Ước mơ của mẹ”, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền.
 

tin liên quan