Tình quê trong "Bến quê" của Hoàng Minh Đức

  • 08:02 | Thứ Hai, 23/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hoàng Minh Đức làm thơ, viết tùy bút, bút ký, tiểu luận-phê bình… nhưng truyện ngắn mới là sở trường của anh. Hoàng Minh Đức đã trình làng 4 tập truyện ngắn: Cổ tích thời nay, Phía trước những con đường, Sống giữa đời người, Chuyện người bỏ phố lên hang. Số giải thưởng mà anh nhận được hầu hết thuộc thể loại này, như các truyện: Đôi bàn tay nhỏ, Đi tìm một nửa, Nhân quả, Sống giữa đời người, Chuyện người bỏ phố lên hang. Bến quê là tập truyện ngắn thứ 5 của anh.
 
Phần lớn các truyện trong tập đã được một số báo và tạp chí Trung ương, địa phương lần lượt giới thiệu đến độc giả. Đề tài Bến quê khá phong phú, phản ánh nhiều mặt trong đời sống xã hội: Chiến tranh và hòa bình, sống và chết, thắng và thua, quá khứ và hiện tại... Xuyên suốt Bến quê là tình cảm của những người sống xa quê, đến tuổi xế chiều muốn trở về thăm quê, sống ở quê với những động cơ khác nhau nhưng đều có chung tình yêu quê hương; biết ghi nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà; biết trân trọng quá khứ... Phải chăng đó là lý do tác giả chọn nhan đề Bến quê đặt cho tập truyện ngắn này?
 Bìa tập truyện ngắn Bến quê.
Bìa tập truyện ngắn Bến quê.

Đã từng thử bút thể loại truyện ngắn, tôi thấy viết được một chuyện cho ra truyện là cực kỳ khó. Truyện ngắn là một thể loại văn học đòi hỏi người viết phải từng trải, có vốn sống dồi dào, xử lý tình huống linh hoạt, biến hóa; thật mà như bịa, bịa mà như thật. Đa phần các nhân vật trong truyện ngắn được tác giả lấy từ nguyên mẫu, nhào nặn lại rồi hư cấu thêm.

Không gian nghệ thuật trong truyện cũng chủ yếu dựa vào địa điểm, nơi chốn có thật ngoài đời được miêu tả qua lăng kính tác giả hoặc nhân vật. Không gian nghệ thuật chủ yếu trong Bến quê là vùng đất phía Nam huyện Quảng Trạch. Đó cũng là vùng quê thân thuộc của Hoàng Minh Đức. Những địa danh: Làng Minh Lệ, Rào Nan, Đá Đứng, hói Ngã Năm… thân thuộc, gần gũi với tác giả từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến tận bây giờ.

Vốn là đứa con sống xa quê đã mấy chục năm trời, bây giờ sắp bước qua ngưỡng 75, tôi khao khát được về quê sống những năm tháng cuối đời để tận hưởng “không khí nông thôn sạch sẽ, thoáng đãng, bình yên” nên tôi hết sức đồng cảm với một số nhân vật trở về quê trong Bến quê. Tôi hồi hộp dõi theo chuyến về quê khá đặc biệt của nhân vật Nguyễn Ngọc Chiến trong Âm vang ký ức. Ông Chiến thuộc Tiểu đoàn 12, đặc công, Quân Giải phóng. Trong một trận đánh, tiểu đội của ông bị địch thả bom hy sinh hết, chỉ một mình ông sống sót. “Ông cắm cổ chạy về phía dãy núi Trường Sơn, đến ngày thứ 5 thì gục xuống giữa rẫy sắn của người Tà Ôi”.
 
Từ đó, ông không còn nhớ gì về quá khứ nữa. Ấy thế mà nhờ cái máy cộng hưởng từ, ông nhớ ngay tên thật mình là Nguyễn Ngọc Chiến, vợ là Phan Thị Nụ, con trai là Nguyễn Ngọc Thắng. Thế là ông quyết định ngay lập tức tìm về quê cha, đất tổ. Điều đó chứng tỏ lòng yêu quê hương luôn tiềm ẩn trong tâm trí của ông. Xa quê mấy chục năm ròng, ông Chiến vẫn nhớ như in ngôi làng của mình: Nào là “cái đìa ông Chề, cái đập ông Đành”; nào là  “cánh đồng làng với những con đường quanh co mọc đầy dứa dại”
 
Bây giờ tất cả đã thay đổi, khiến ông không khỏi ngỡ ngàng. Ông hết sức ngạc nhiên khi bước vào ngôi nhà xưa, thấy trên bàn thờ có tấm ảnh của ông đặt bên cạnh tấm ảnh bà Nụ. Hàng xóm kể: Bà đã nhận được giấy báo tử của ông sau mùa xuân Mậu Thân năm 1968. Và chính bà cũng bị bom B52, hy sinh năm 1972 khi đang bốc vác những chuyến hàng lên xe trên đường Ba Trại. Truyện viết theo lối đồng hiện, xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại, được tác giả dẫn dắt hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. 
 
Ông Khởi trong Đại tá về hưu là một người đầy cá tính. Lên đến chức đại tá mà tài sản của ông khi về quê chỉ có “một chiếc ba lô với hai cái bao tải đựng đầy cây thuốc Nam”. Đơn vị định xây cho ông một ngôi nhà hai tầng ở quê nhưng ông từ chối. Huyện đội cử người về phụ giúp, ông cũng gạt đi. Ông dứt khoát không mắc điện, “ngày hè, ông chỉ phe phẩy cái quạt mo”. Với ý thức “cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp”, ông đã dồn hết tâm sức, tiền bạc bào chế thuốc Nam. Trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây cấm vận, thuốc Tây khan hiếm, thuốc Nam của ông đã góp phần cứu sống bao nhiêu sinh mạng. Nghĩa cử và tấm lòng của ông đối với quê nhà thật là cao đẹp! 
 
Những người xa quê trở về quê đóng góp tài sức của mình cho quê hương trong Bến quê không chỉ có ông Khởi, mà còn có ông Phạm Văn Hữu-một Việt kiều sống xa quê gần bốn mươi năm. Tác giả cho biết ông Hữu là một nhân vật có thật, từng sinh sống bên đồi Ông Tri ở làng Minh Lệ. Sau chuyến về thăm quê, ông bỏ hết vốn liếng của mình tích góp được mở Công ty phân bón vi sinh Thiên Nông “trên cồn cát hoang sơ chang chang gió Lào cát trắng”. Đóng góp của ông cho quê hương Quảng Bình thật đáng trân trọng. 
 
Tác giả Hoàng Minh Đức không chỉ kể mà còn đi sâu diễn tả tâm trạng của những người con xa xứ khi lần đầu tiên bước chân về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Đó là tâm trạng nhân vật Thi trong Bến quê. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tiếp đến chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, Thi mới có dịp về thăm nhà. Anh đi bộ một mạch đến bến đò ngang. Những kỷ niệm thời thơ ấu hiện ra trước mặt anh: “Con sông quê đêm hè mát rượi. Những làn sóng lao xao ì oạp vỗ vào bờ. Một mảnh trăng non gầy guộc treo lơ lửng cuối chân trời…”.
 
Phải nhập thân, hóa thân vào nhân vật, tác giả mới viết được những áng văn xuôi giàu chất trữ tình, giàu chất thơ đến như thế. Còn đây là tâm trạng của ông Thuấn trong Ngọc Lan. Ông đi một lèo ngót sáu mươi năm, khi trở về quê, ông cứ đứng: “nhìn trân trân ngôi nhà ngói ba gian đã mục nát, một vì kèo đầu hồi bị mối ăn đổ xuống. Trên nền nhà, một cây sung đội mái mọc lên”. Ông lắng tai nghe “mấy con chim sâu nhỏ kêu lích chích. Hai con chim chìa vôi xòe đuôi chuyền cành vụt đỗ, vụt bay, cãi nhau om sòm”… Cũng phải nhập thân, hóa thân vào nhân vật đến mức nào, tác giả mới viết những áng văn sinh động, sâu lắng, tinh tế đến như thế. 
 
Nhưng không phải ai về quê trong Bến quê cũng được hưởng “chùm khế ngọt” mà không ít trường hợp còn phải nếm trái đắng. Điển hình là trường hợp nhân vật Trần Hữu Vận trong Trận đánh cuối cùng. Vận là một thương binh làm kinh tế giỏi. Chi hội Cựu chiến binh do anh lãnh đạo được tặng bằng khen, giấy khen. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huân chương Chiến công, Huân chương Giải phóng… treo đầy nhà anh. Ấy thế mà chỉ một phút không kìm được cơn nóng giận (đánh con trai thằng Phe-một kẻ xảo trá, gian manh, cơ hội) mà anh bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tác giả suy ngẫm: Vận “không chết bởi những viên đạn bắn thẳng của thằng Mỹ mà bây giờ gục ngã bởi những viên đạn bắn cong từ nòng súng của những người từng là đồng đội của mình”. Đây là bài học xương máu không chỉ cho Vận mà cho tất cả mọi người.
 
Cũng không phải ai xa xứ trở về quê trong Bến quê đều có động cơ trong sáng như ông Khởi, ông Hữu. Nhân vật Đạm trong Số đỏ về quê với động cơ không lấy gì trong sáng cho lắm. Mặc dù anh ta có giúp xã nhà bán cái cánh đồng Bàu toàn cỏ năn, cỏ lác, bao năm trời bỏ hoang; giúp xã nhà lấy được tiền đền bù của Nhà nước khi đường dây 500kV chạy qua khu rừng… Nhưng chuyện anh ta tìm cách bán đi, mua lại mảnh đất hương hỏa ông bà để lại thì khó chấp nhận. Đạm còn xây lăng, xây miếu bề ngoài có vẻ hoành tráng nhưng bên trong thì hết sức tạm bợ để được đền bù giá cao, càng bộc lộ bản chất vụ lợi của anh ta. Tôi hơi tiếc khi đọc xong Số đỏ.
 
Giá như tác giả dẫn dắt câu chuyện kín hơn, Số đỏ sẽ hấp dẫn hơn. Người xưa từng khuyên: Làm văn chương phải nhớ “mạch kỵ lộ” (mạch văn không được lộ). Giá tác giả cứ làm như tay Đạm có trách nhiệm với tổ tiên ông bà thật, để đến đoạn kết bất ngờ phơi bày chân tướng của y thì hay biết chừng nào!       
 
Viết được một truyện ngắn cho thật hay là điều hết sức khó. Bởi vậy, tôi hết sức nể phục khi đọc Bến quê của Hoàng Minh Đức. Cùng với những cây bút Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Trương Thu Hiền, Trác Diễm…, Hoàng Minh Đức đã góp phần làm phong phú thêm nền văn xuôi Quảng Bình. 
 
Xin chúc mừng anh!    
                 Mai Văn Hoan 

tin liên quan

Họa sĩ Nguyễn Thành Phố và những mảng màu hồn nhiên

(QBĐT) - Những ai đã từng tiếp xúc, sẽ thấy ở ông một tính cách chân chất với tiếng cười sảng khoái, hồn hậu cùng một thế giới sắc màu xao động, hồn nhiên qua các tác phẩm hội hoạ. Ông là họa sĩ Nguyễn Thành Phố (1951-2023), quê quán xã Lý Ninh (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới hiện nay).

Mẹ tôi về lại tháng mười

(QBĐT) - Mẹ tôi đã về miền mây trắng nhưng mỗi khi tháng 10 về tôi như cảm thấy mẹ về lại với tháng mười. 

Chạm thu

(QBĐT) - Chạm vào làn gió nhẹ
Thầm thì hôn lên vai
Ngỡ như lời thỏ thẻ
Của mùa thật dịu êm...