Nét văn hóa dân gian độc đáo từ đồng dao và trò chơi trẻ thơ

  • 07:43 | Thứ Hai, 16/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lớn lên ai cũng biết đồng dao là những bài văn vần được hát để hòa điệu theo các trò chơi và tạo nên nét độc đáo của nó. Cũng vì theo nhịp điệu chơi mà câu đồng dao phần nhiều cắt nhịp ngắn 2/2 hoặc 3/3 theo vần giản đơn lặp đi lặp lại, như: Dung dăng/dung dẻ/dắc trẻ/đi chơi/qua cửa/nhà trời/lạy cậu/lạy mợ... Cũng có khi đồng dao theo thể loại lục bát nhưng khi hát vẫn cắt nhịp 2/2, như: Con mèo/con chó/có lông/heng tre/có mắt/nồi đồng/có quai.
 
Trò chơi và hát đồng dao không chỉ là thỏa mãn nhu cầu vui chơi của trẻ mà còn góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều được tiếp thu và thực hành một hệ thống trò chơi sẵn có do các thế hệ trẻ em trước truyền lại. Những sáng tạo đã làm cho trò chơi và lời hát đồng dao có sự thay đổi được phù hợp. Điều đó đối với trẻ như không khí, như cơm ăn, như nước uống.
 
Hàng trăm bài đồng dao của hàng trăm trò chơi ghi nhớ được, hoặc trong đề tài sưu tầm các nhà nghiên cứu đã giúp cho chúng ta thấy tầm giá trị mỗi trò chơi, mỗi bài đồng dao đem đến cho mỗi đối tượng của lứa tuổi bắt đầu nhận thức thế giới bên ngoài những điều thú vị. Có trò chơi dành cho trẻ ba, bốn tuổi, thì bài đồng dao cũng phù hợp với tuổi, chủ yếu là do người lớn hát để trẻ hát họa theo như khi ngồi đu võng: Chi chi/chành chành/mạ văn/đi chợ/thằng nớ/ở nhà/bắt gà/làm thịt/ bắt vịt/mà nuôi/con ruồi/có cánh/cái nánh/có gai/con nai/có sừng/bánh chưng/thì ràng/bánh đàng/thì ngọt/roi mót/thì đau...
 
Có trò chơi cho trẻ sáu, bảy tuổi hoặc chín, mười tuổi thì các bài đồng dao chỉ sự nhận biết của tư duy cũng tăng lên, như: Con gà cục tác cục ta/hay đứng vườn cà, hay chạy rong rong/Má gà thì đỏ hồng hồng/cái mỏ thì nhọn, cái mồng thì tươi/cái chân hay đạp hay bươi/cái cánh hay vỗ lên trời gió bay. Hoặc những đồng dao đã được ca dao hóa như: Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Thậm chí có những trò chơi gọi là trò chơi cho trẻ, nhưng cả người lớn tham gia chơi, hát mà vẫn đồng điệu.
 
Chúng tôi về điền dã nhiều vùng quê, gặp các cụ già, ngồi bên nhau cùng hát đồng dao. Các cụ bảo: "Không biết những trò chơi ấy, những bài vè ấy xuất hiện từ lúc nào. Khi chúng tôi ở tuổi thiếu niên đi chăn trâu cắt cỏ cũng đã chơi, đã hát đến quên ăn quên ngủ rồi!".
 
Có nghĩa là khi xuất hiện các cộng đồng con người thì cũng là khi các trò chơi cho trẻ lại bắt đầu ra đời. Sức diệu kỳ của thế giới trẻ thơ được phản ảnh rất đầy đủ qua từng nét vui chơi, ca hát, sinh hoạt mà mỗi trò chơi luôn gợi ra những suy nghĩ, đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cần giải đáp bởi những bí ẩn của chơi và hát. Bởi không hiểu vì sao như vậy lại cuốn hút trẻ mê say.
 
Với đồng dao thì mỗi trò chơi có mỗi cách hát. Lời trong hát đồng dao thường hát rất dễ dàng, giúp các em phát triển vốn từ, phát âm chuẩn lời. Lời hát giúp trẻ phát triển nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, giúp trẻ thêm yêu mến thiên nhiên cảnh vật và con người quê hương. Chơi chuyền có bài hát chơi chuyền. Chỉ một trò chơi chuyền mà có nhiều cách hát đồng dao. Ví dụ: Khi chuyền thẻ, nâng quả bồi cao thì hát chậm nhịp hai tiếng: Qua cầu/lặn sỏi/chuối đỏi/như ma/hà thum/hùm tha... Khi chuyền thẻ nhanh, nâng quả bồi thấp thì hát nhịp ba tiếng như trẻ vùng Roòn vẫn hát: Té xuống ao/nhào xuống vũng/nghe cái tủm/núm cái thẻ/nẻ cái thủm/sang tay này/chuyền tay kia...
 
Có những bài hát cất lên không rõ nghĩa nhưng trẻ em vẫn nhập tâm vẫn hát khi chơi. Nhiều khi nghe rất phi lý nhưng lại có lý vì đó là trẻ thơ. Ví dụ khi hát chơi trốn tìm: Chấp me/che muống/chấp me/cuống sắc/chấp me/sắc ngạnh/chấp me/ngạnh hầu/chấp me/hầu rút... Hoặc như trẻ thơ với trò chơi kéo cưa lừa xẻ nhịp 2/2 để cho trẻ hát tạo nhịp như đang lao động: Kéo cưa/lừa xẻ/ông thợ/nào khỏe/thì ăn/cơm vua/ông thợ/nào thua/thì về/bú mẹ...
 
Nhờ đồng dao qua truyền khẩu mà in đậm giá trị văn hóa phi vật thể trong dân gian. Có thể trò chơi có cải biến khác nhau nhưng bài đồng dao thì luôn gắn với trò chơi, nói cách khái quát là “Trò chơi nào đồng dao nấy” .
 
Hoặc như chơi trốn tìm, tất cả cùng hát một bài hát kéo dài để vừa đủ thời gian cho người trốn cũng như thời gian cho người tìm khi bịt kín mắt. Ví dụ: Trống mái/thả cái/đi ăn/tìm cho/chăn ngăn/trọi ba/chục trọi/ăn đụa/thò le/thò tày/vác trày/đi hoại/con tau.
 
Mỗi bài đồng dao phụ họa một trò chơi bao giờ cũng có một kết cục bất ngờ, như vừa thách đố, như vừa khích khí, như vừa thúc giục, nhanh thì được, chậm thì mất. Bởi thế, nghiên cứu tính khoa học của vô số trò chơi, chúng ta có thể xếp ra theo từng loại như:
 
- Trò chơi cần mưu trí xét đoán: Chơi trốn tìm, chơi đoán đồ vật, chơi cướp cờ, chơi đánh khoọc...
 
- Trò chơi cần sự tháo vát khéo tay: Chơi xoáy vụ, chơi ném thia lia, chơi đánh khăng, chơi đánh thẻ, chơi phóng tiêu, chơi rước đèn...
 
- Trò chơi đọ sức, gợi ý nghĩa lịch sử: Chơi đánh mộc, chơi đánh phết, chơi đấu roi, chơi đánh vật, chơi đánh giặc giả, chơi truyền tin mật...
 
- Trò chơi khám phá, gợi tò mò: Chơi thả diều, chơi chạy chong chóng, chơi đố lá, chơi bịt mắt đánh trống, chơi bịt mắt bắt dê...
 
- Trò chơi luyện giác quan và mua vui: Chơi chọi gà, chơi chọi trâu lá mít, chơi pháo đất, chơi đếm sao, chơi thi nói nhanh...
 
- Trò chơi mang yếu tố tín ngưỡng: Hát gọi rệp (trẻ dân tộc Chứt), chơi cầu đồng roi, chơi sai đồng vung, chơi xuội chuồn tịt (trẻ Đồng Hới)...
 
Nhưng không phải trò chơi nào cũng có đồng dao. Bởi thế khi trò chơi cần phụ họa thì đồng dao xuất hiện.
 
Dụng cụ trò chơi cũng hết sức đơn giản, một nắm thẻ, một quả cà, một nắm ốc biển, một lỗ đất, một vạch chỉ giới hạn, mấy đồng xu… là có thể hình thành trò chơi không mệt, không chán.
 
Còn như địa điểm chơi với trẻ thì vô cùng sinh động, có thể ở sân nhà, một góc làng, đầu bờ ruộng, nơi mặt ao, bên dòng nước chảy..., chỗ nào cũng có thể tập họp lại để chơi để hát.
 
Ngày nay, các trò chơi của trẻ không phong phú như ngày trước, đơn điệu như đu quay, như bập bênh nơi các vườn chơi cố định. Từ thực tế ấy để chúng ta thấy tầm quan trọng của trò chơi dân gian, nó chứa đựng cả một nền văn hóa của dân tộc. Ý nghĩa hơn, là đã thay người lớn làm công tác giáo dục một cách không cầu kỳ, sinh động và mau hiệu quả.
 
Đáng tiếc là, ngày nay trò chơi dân gian đáng quý đang ngày mai một và có nguy cơ thất truyền. Chính những dịp Trung thu, dịp Tết, về trò chơi dân gian đậm chất trẻ thơ càng là dịp lưu truyền để các em chơi và ôn lại, nhưng rất ít nơi quan tâm. Điều đó trước hết đặt ra cho những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ cần phải suy nghĩ và lưu tâm để có những phương án cho việc bảo tồn, gìn giữ trò chơi cho trẻ thơ.
Văn Tăng

tin liên quan

Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở xã Trọng Hóa

(QBĐT) - Chiều 14/10, tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức báo cáo kết quả xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Trọng Hóa. 

Nhớ đàn cá rô đồng ngược nước...

(QBĐT) - Những cơn mưa xối xả buông trắng xóa trên những mái ngói, tán cây, rơi xuống mặt đường lênh láng, thành dòng…

Lục bát xế chiều

(QBĐT) - Sau hơn 50 năm "thâm canh" văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ký, phóng sự), tác giả Kim Cương bất ngờ muốn "đổi gió" chuyển sang "mần" thơ, mà lại chuyên "mần" thơ lục bát.