Tháng tám mưa sa nước sỉa

  • 08:03 | Thứ Sáu, 13/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đầu tháng tám âm lịch năm nay trời lại nắng. Đôi vợ chồng trẻ ở cạnh nhà tôi đêm bật điều hòa vù vù. Cô hàng xóm người sơn cước về làm dâu, giọng điện thoại oang oang với mẹ già ở quê, rằng sao trên mình mưa to mà dưới con không có một giọt…Sáng và trưa gió nam vẫn rào rạt, hắt từng hơi nóng vào khe cửa, chiều lại có nồm hiu hiu. Lúa vụ tám cũng vừa thu hoạch xong, người ta đốt đồng, khói lên mù mịt. Thời tiết cứ như đang hè. Quê tôi có lẽ là nơi bộc lộ “tính khí” của biến đổi khí hậu nhất.
 
Làng tôi là một vùng đất nhỏ, được bao bọc bởi ruộng đồng, sông hói. Tiếng là ruộng đồng nhưng đa số chiêm khê mùa thối, nhiều nơi nhiễm mặn nước sông Gianh. Người đi làm đồng về chân bám phèn vàng quạch. Dân quê tôi chủ yếu sống bằng nghề nón lá. Bởi vậy, trong trận đói năm 1945, bà tôi nói rằng, dẫu có tiền lận trong túi áo, thì cũng không đào đâu ra thức ăn, khiến số người không qua khỏi lớn nhất trong vùng.
 
“Tháng tám mưa sa nước sỉa”, đó là câu nói cửa miệng bằng tiếng địa phương của mẹ, mà tôi hay nghe thuở ấu thơ mỗi khi mùa mưa đến. Mưa sa, hẳn dễ hiểu rồi, nhưng cũng cần nói thêm về “nước sỉa”, ấy là muốn nói nước dềnh lên, như mặt nặng mày nhẹ, hờn giận lâu với con người.
 
Mưa. Mưa trắng trời trắng đất. Mưa hết ngày này sang ngày khác. Mưa tầm tã, đến dầm dề. Bốn bề tiếng cóc nhái kêu rền rỉ. Những con “ện oạng” (ễnh ương) no nước, phồng cái bụng trắng hếu, cất lên những âm thanh đối đáp nhau “ện-oạng” đinh tai nhức óc. Mỗi lần ện oạng kêu, những đứa trẻ vô tư chúng tôi lại còn đồng thanh "nhái" chúng, cho đến khi người lớn gắt gỏng mới thôi.
 
Bà tôi nói, hồi xưa ện oạng kêu nhỏ hơn bữa ni. Cha tôi cười, không phải mạ ơi, nay Mỹ ném bom nhiều, nên hố bom chi chit gần nhà đầy nước, không phải như ngày xưa ện oạng nằm ở ruộng xa. Nón lá làm ra không đi bán được, mưa nhiều lên mốc, bà phải quạt than xông. Ai cũng chép miệng thở dài mong trời mau tạnh. Bà tôi lại thống thiết cất giọng ca dao ru cháu nhỏ:
Con ơi tháng tám ngày ba
Trời làm nước sỉa mưa sa đói lòng
Đói lòng thuận vợ thuận chồng
Cháo rau đắp đủ mặn nồng bên nhau.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Tháng tám là kỳ giáp hạt lớn nhất trong năm, nên bất cứ người mẹ, người vợ nào cũng phải lo cất trữ. Mẹ tôi bảo cha bắc thang trèo lên gác, mở chum, xúc lúa, khoai khô để dành “ngày ba tháng tám” xuống. Nhìn thúng lúa, thúng khoai bà tôi lại chép miệng: “Ơn Đảng, ơn Bác đem lại cơn no áo ấm, chứ ngày xưa đói lắm, nỏ được như ri mô các cháu ạ!”. Nói là vậy, nhưng lúa khoai dự trữ đâu có được nhiều.
 
Mưa nát đất, chẳng trồng được rau cỏ gì để ăn kèm, ăn cơm khoai với cà mắm ngon miệng, càng tốn. Nhà lại người đông, nên lúc nào mẹ tôi cũng phải chắt chiu từng bữa khoai, cháo. Mẹ mong tháng tám qua thật nhanh, bởi sang tháng chín ít mưa, vườn đã có thể trồng được rau màu. Mẹ hay bảo tôi, con xem lịch thử tháng tám này hai chín hay ba mươi ngày? Nếu nghe tôi trả lời hai chín ngày, mẹ tôi mừng lắm. Anh cả nhìn tôi tủm tỉm nói, mẹ có cảm giác vậy thôi, chứ thêm một ngày đã chết ai.
 
Hồi nhỏ, tôi cứ tưởng chỉ có quê mình mới có “ngày ba tháng tám”. Lớn đi học, học bài thơ “Bữa cơm thường ở trong bản nhỏ” của Chế Lan Viên: “… Từ có Bác cuộc đời hửng sáng/Bát cơm thơm tháng tám ngày ba…” mới biết đất nước mình thời xa xưa đâu cũng vậy. Cái đói triền miên từ miền ngược đến miền xuôi, ngày này sang tháng khác, nhưng sự ám ảnh “ngày ba tháng tám” đã trở thành thơ, ca dao, tục ngữ.
 
Tháng tám, mới đầu mùa trăng nhưng sáng lắm. Nắng mặc nắng, không khí Trung thu hết sức rạo rực. Đường phố, bánh Trung thu bày ra nhan nhãn, gần như đang ế ẩm. Các siêu thị tổ chức trò chơi cho thiếu nhi để thu hút khách hàng. Cuộc sống đầy đủ, thậm chí là thừa mứa đang tràn đầy trên mỗi khuôn mặt, mỗi ngôi nhà, mỗi quán hàng và những chiếc xe bóng loáng.
 
Tôi tản bộ dưới trăng, lòng miên man cảm xúc. Đất nước ta ngày nay thay đổi quá nhiều. Công cuộc đổi mới đưa đời sống người dân lên cao từng ngày một. Nhu cầu “cơm no áo ấm” đã thuộc về dĩ vãng cùng với thế hệ đi trước. Lớp con cháu ngày nay, sống trong điều kiện đầy đủ, họ ngạc nhiên khi nghe ông cha nói về “ngày ba tháng tám” cũng là lẽ thường. Biến đổi khí hậu cũng đã thay đổi nhiều về quy luật tự nhiên. Vậy là hiện tượng “tháng tám mưa sa nước sỉa” hầu như ít xảy ra, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mừng lắm đấy mà cũng lo lắm đấy.
 
Tôi lang thang trên con đường rộng 35m đang làm dang dở, cùng với khu quy hoạch đô thị chiếm hết cánh đồng trước mặt làng. Đêm, tiếng máy móc thi công vẫn làm ầm ầm, bụi tung mù mịt. Lâu lắm rồi, chẳng biết là khi nào, tôi không còn nghe tiếng ếch nhái kêu, tiếng ễnh ương đối đáp nhau “ện-oạng” nữa. Tất cả đã biến mất do môi trường sống không còn, kể cả những năm, tháng tám có “mưa sa nước sỉa”.                                   
 Đỗ Thành Đồng

 

tin liên quan