Lục bát xế chiều

  • 08:20 | Thứ Bảy, 14/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau hơn 50 năm "thâm canh" văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ký, phóng sự), tác giả Kim Cương bất ngờ muốn “đổi gió” chuyển sang “mần” thơ, mà lại chuyên “mần” thơ lục bát. Anh mạnh dạn trình làng tác phẩm Lục bát xế chiều (NXB Thuận Hóa, 2023). Lục bát dễ làm nhưng làm cho hay cực khó. Đến tuổi xế chiều mà vẫn còn dám thử sức mình bằng thơ lục bát, phải là người dũng cảm lắm!       
 
Nội dung Lục bát xế chiều khá phong phú, đề cập nhiều lĩnh vực trong đời sống hiện tại. Ở bài viết này, tôi chỉ tập trung đi sâu tìm hiểu 3 mảng đề tài nổi bật: Tình cảm quê hương, tình thương đồng đội và tình yêu nam nữ.
 
Kim Cương cũng vừa mới cho ra mắt tập sách Quê tôi Cự Nẫm anh hùng (NXB Thuận Hóa). Lục bát xế chiều một lần nữa thể hiện tình cảm sâu nặng của anh đối với quê hương. Ngay trong bài mở đầu, tác giả đã thổ lộ: Chiều chiều ngồi trên triền đê/Trong lòng bỗng thấy nhớ quê hương mình!Cây đa, giếng nước, sân đình.../Bao nhiêu kỷ niệm ân tình không quên. Những cây đa, bến nước, sân đình… từ lâu đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam.
 
Tác giả nói hộ nỗi nhớ quê cho bao người cùng chung cảnh ngộ. Nỗi nhớ quê thường gắn liền với nỗi nhớ người thân, Kim Cương cũng không ngoại lệ. Những vần lục bát của anh viết về cha mẹ thật cảm động: Thương cha, thương mẹ ngày xưa/Con trâu đi trước, cày bừa theo sau/Suốt ngày, chân cắm bùn sâu/Bàn tay lạnh cóng, mong cầu nắng lên (Chiều đi bộ trên đồng làng). Kim Cương nghẹn ngào nhớ lại giây phút mẹ anh từ giã cõi đời. Dường như đây không phải là thơ, mà là những dòng nước mắt: Trời cũng nhớ mạ không nguôi/Trời chan nước mắt, thay lời tiếc thương! (Thương mạ); Còn đâu: Tiếng mạ à ơi/Còn đâu: Dịu ngọt/những lời mạ khuyên... (Mạ ơi!).
Tác giả Kim Cương.
Tác giả Kim Cương.

Với Kim Cương, nỗi nhớ quê còn gắn liền với nỗi nhớ chợ quê. Dù cho trải qua “mưa nắng dãi dầu”, nhưng chợ quê “luôn nối nhịp cầu yêu thương”. Một trong những “nhịp cầu yêu thương” đó là chợ quê gợi nhớ hình ảnh người mẹ nghèo, tần tảo bòn mót từng đồng bạc lẻ: Chợ quê giản dị thế thôi/Bó rau muống, bó mồng tơi, rau dền.../Mạ vừa ra hái sau hiên/Đem ra chợ bán, kiếm tiền nuôi con

Theo quy luật phát triển kinh tế thị trường, chợ quê ngày nay đã thay đổi ít nhiều. Giọng thơ lục bát của Kim Cương vì thế mà cũng thay đổi theo. Anh đưa vào thơ những từ ngữ rất “mới”, rất “hiện đại”, hiếm thấy trong thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng, như những từ “vượt sàn”, “đầu ra”, “đầu vào”: Đam, lươn, ốc, ếch, hến, hàu.../Lên ngôi đặc sản, giá cao vượt sàn!; Thương thay con hến, con ngao/Đầu ra không đủ, đầu vào hiếm hoi! (Chợ quê 2). Đó cũng là một  trong những cách làm mới thơ lục bát của anh chăng?
 
Nỗi nhớ quê trong Lục bát xế chiều không những gắn liền với người thân, với chợ quê mà còn gắn liền với bao kỷ niệm thời thơ ấu. Trong vòng 10 năm (từ 1954-1964), các trò chơi trẻ con ở làng quê Quảng Bình gần như y hệt nhau. Cũng: Đánh khăng, trọi vụ, tàu bay/Đánh thẻ, đánh trận… cả ngày quên ăn... (Tìm về tuổi thơ). Đọc thơ Kim Cương, tôi như đang sống lại tuổi thơ của mình: Ngày hè gặp một trộ mưa/Trần truồng, tắm cả buổi trưa quên về; Đánh khăng, trọi vụ, tàu bay/Đánh thẻ, đánh trận… cả ngày quên ăn...
 
Bên cạnh mảng thơ viết về quê hương, trong Lục bát xế chiều có mảng thơ viết về tình thương đồng đội khá ấn tượng. Có lẽ, trên thế giới từ xưa đến nay, hiếm có đất nước nào chịu cảnh chiến tranh tàn khốc, triền miên như đất nước Việt Nam. Nói như Chế Lan Viên: Mỗi trang sử đất này đều nặng máu cha ông. Đến lượt mình, Kim Cương đóng góp thêm những vần thơ gan ruột về đề tài này: Đồng đội ơi!Đang ở đâu?/Mà ta đợi mãi, quá lâu không về. Anh đặc biệt thương cảm những liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa biết được tuổi tên: Nhiều đứa nằm đó, "vô danh"/Đứa chưa biết mộ, lênh đênh khắp miền/Đứa được quy tập còn yên/Đứa còn giữa chốn hão huyền, rừng xanh! (Tháng 7 lại về). Anh nói với các bạn ở Vị Xuyên: Bạn nằm ở dãy "lò vôi”/Bạn còn đang ở trên "đồi thịt băm"
 
Trong Lục bát xế chiều có không ít những bài thơ tình. Thú thực, tôi hơi lấy làm lạ khi đọc những bài thơ tình của Kim Cương. Bởi cái tên Kim Cương nghe rất cứng rắn. Anh nghỉ hưu với quân hàm đại tá, thế mà vẫn còn hờn dỗi như chàng trai mười chín đôi mươi: Tưởng rằng, rằng sẽ mây mưa/Ngờ đâu, ta chỉ người thừa mà thôi! (Người thừa); vẫn còn tơ tưởng mấy nàng đang để “tóc thề”: Mưa đừng ướt áo em nghe/ Đừng làm rối mái tóc thề em tôi! (Mưa đến).
 
Trong kháng chiến chống Pháp, Hồng Nguyên có bài Nhớ, Hồ Vị có bài Lời quê sử dụng từ địa phương rất thành công. Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni: Dân chúng cầm tay lắc lắc:“Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!” (Nhớ-Hồng Nguyên); Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng,/Chừng chưa bưa lụt, nước còn cao/Khi hôm bộ đội hành quân tới/Trấn thủ dầm phơi chật cả sào (Lời quê-Hồ Vi).
 
Hiện nay, những “lời quê” như thế rất hiếm. Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại trong Lục bát xế chiều nào là: Ếch, đam, lươn, ốc, hến, hàu, ngao; nào là: đánh khăng, trọi vụ, đánh thẻ… Mật độ phương ngữ Bắc miền Trung cũng được tác giả sử dụng khá dày đặc: Chè xeng (chè xanh) một ly thiệt (thật) to/Trong ngài (người) có sức không lo chuyện gì; Hôm ni (nay) hoa hậu về làng/Bà con đứng đón/chật đàng (đường), chật cươi (sân)… Điều này góp phần không nhỏ tạo nên nét riêng lục bát Kim Cương.
 
Trong bài mở đầu, Kim Cương khẳng định dù ai có nói đông, nói tây: “Tui vẫn vui với đêm ngày bên thơ”. Tôi cũng có chung ý nghĩ ấy khi viết mấy dòng châm ngôn như sau: Cứ nói điều gan ruột/Hay dở có thời gian/Mong sao đừng Dù còn chút hơi tàn.
Mai Văn Hoan

tin liên quan

Nói hộ mùa thu

(QBĐT) - Nói hộ mùa thu bằng bài thơ nhỏ
cỏ may ghim vạt tím lên chiều
ký ức cõng mùi hương qua ngõ
vương thầm thì thức dậy một niềm yêu

Lâm Thủy, mái trường mến yêu

(QBĐT) - Bênh-xuênh vang núi rừng
Tuổi học trò áo trắng
Lâm Thủy miền biên giới
Ấm áp tình bạn tôi.

Triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Ngày 13/10, tại khu Di tích Hoàng thành Thăng Long (TP. Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Quảng Bình, đại tá, nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức khai mạc triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chủ đề "Giai điệu hòa bình vang mãi bốn phương".