Nhớ đàn cá rô đồng ngược nước...

  • 13:40 | Thứ Bảy, 14/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những cơn mưa xối xả buông trắng xóa trên những mái ngói, tán cây, rơi xuống mặt đường lênh láng, thành dòng rồi đổ ra con kênh lớn theo đường định sẵn chứ không ào ào ngập những cánh đồng, xóa dần triền đê xanh xanh để thành biển nước mênh mông… Có lẽ, không một ai trong làng tôi những năm 90 có thể tưởng tượng được đồng quê sẽ đổi thay nhiều đến như vậy. Con đường quen thuộc vẫn ngày ngày đi về bây giờ là phố xá với những nhà cao tầng, biệt thự, công viên..., nhìn những dòng nước chảy, lại nhớ đàn cá rô đồng ngược nước băng băng.
 
Làng tôi thuộc xã Lý Ninh, Đồng Hới trước đây, là một vùng nông nghiệp với nhiều cánh đồng màu mỡ nối tiếp với nhau trải dài bên dòng sông Rào uốn lượn. Vì ở phía Nam giáp với làng Diêm Điền nên còn có tên gọi là xóm Nam. Bao nhiêu thế hệ sinh ra và lớn lên đều gắn liền với những mảnh vườn xanh, lũy tre và đồng ruộng.
 
Sông Rào-một cái tên rất đặc biệt bởi vừa có thể là sông, cũng có thể là rào bởi được chia cắt làm đôi bằng một con đê để ngăn nước mặn từ sông Lũy vào, giữ cho một nửa là nước ngọt phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Những cánh đồng Mũi Đôộng, Mũi Vàng, Chá Côộc, Chá Rôộng… bao quanh không biết được đặt tên tự bao giờ, chỉ biết chúng tôi lớn lên bằng khoai sắn và hai mùa lúa chín thơm nồng cùng đầy ắp cá tôm từ dòng sông quê mang lại.
 
“Tháng bảy nước nhảy qua bờ”, nước lên rồi, đi bắt cá thôi! Người làng tôi thường nói như vậy mỗi khi mưa bắt đầu kéo dài ngày qua ngày, nước lớn dần san phẳng những cánh đồng. Người lớn lại chuẩn bị các loại dụng cụ, như: Nơm, đó, rớ… và đồng thanh: “Hú hụ đi nơm” mỗi khi đi ngang ngõ nhà hàng xóm ra những cánh đồng ngay phía trước làng, lũ trẻ chúng tôi lon ton chạy xúm xít đi theo. Anh em tôi thường theo chân ba “đi coi nước lên” và chuẩn bị để đi cất rớ (vó) mùa nước lớn. Rớ mà ba tôi dùng là loại rất lớn, cũng phải 4-5m2, khâu “quai rớ” cũng là một nghệ thuật cần kinh nghiệm sao cho 4 thanh tre dài nhỏ gọi là “gọng” căng đều 4 góc, một thanh tre dài khoảng 4m làm “bạ” quai chặt vào đỉnh làm nhiệm vụ nâng toàn bộ cánh rớ lên.
 
Chọn nơi có nước lớn, gần dòng chảy và đặt. Mùa lũ không cần đợi lâu, chỉ cần đặt xuống tầm 1 phút là dùng sức cất lên. Mỗi lượt luôn hồi hộp mong chờ tiếng động của cá, tôm… cho đến đầy xô lại chuyền về nhà, trẻ em làm nhiệm vụ vận chuyển thoăn thoắt. Quê tôi lũ chưa bao giờ ngập đến nhà cửa, chỉ san phẳng cánh đồng thành chiếc gương khổng lồ làm nổi bật những dáng người nhỏ bé xa xa...
 
Nhiều loại cá từ sông ngược nước lên, từ các khe miền núi xuôi xuống cánh đồng, như: Chép, mè, trôi, diếc... mập bụng đầy trứng, nhưng đặc biệt nhất vẫn là cá rô đồng. Cứ nơi nào có dòng nước chảy thì có cá, cá tìm các lạch nước nhỏ mà ngược lên, chen chúc nhau thành hàng. Cá rô có khả năng "đi bộ phi thường" băng qua những con đường làng, nép vào những đám cỏ… thân tròn mẩy, vàng óng và căng bụng trứng.
 
Rô đồng là loài cá có đặc điểm đẹp về tạo hình, mạnh mẽ và với sức sống rất bền bỉ. Ngay cả những buổi đi học về trong mưa, đi bộ dọc đường, chúng tôi vẫn bắt được những con cá rô đồng theo dòng nước lên còn mắc cạn. Bắt cá rô đồng thường dùng đó để đặt vào các khe có dòng nước, hay dùng nơm ở những nơi nước nông… Cá rô ngon nhất là nướng trui dầm nước mắm, có ớt tươi, tỏi giã nhỏ; cá kho nghệ, canh chua đều ngon...
 
Trẻ con thời ấy không biết học từ đâu nhưng ai cũng giỏi bắt cá, những buổi chăn trâu cắt cỏ ngày hè hay mùa lũ nước lớn đều có những cách bắt cá riêng. Cứ rong ruổi trên các cánh đồng theo dòng nước và con cá, con tôm. Mang vào tận giấc mơ với tiếng cười khoan khoái cùng lũ bạn dầm mưa, dãi nắng trên cánh đồng.     
 
Chúng tôi lớn lên, trưởng thành thì những cánh đồng dần thu hẹp dần thay vào đó là phố xá mọc lên, làng trở thành đô thị. Những con đường đầy cỏ thay bằng đường rải nhựa rộng thênh thang. Những cánh đồng giờ là công viên, con sông Rào được cải tạo thành dòng sông có hai bờ với cây xanh và đèn điện chiếu sáng. Không còn đi làm đồng áng, thay vào đó là thong dong đi thể dục mỗi sáng… và đàn cá rô đồng ngược nước cũng biến mất. Đó là quy luật tất yếu của sự phát triển.
 
Mưa lại trắng bầu trời. Một cuộc điện thoại của người bạn thuở nhỏ ở phương xa: "Có còn đi bắt cá mùa lũ không?". Lại mênh mang nhớ đàn cá rô đồng đang ngược nước băng băng.
Nguyên Sa

tin liên quan

Lục bát xế chiều

(QBĐT) - Sau hơn 50 năm "thâm canh" văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ký, phóng sự), tác giả Kim Cương bất ngờ muốn "đổi gió" chuyển sang "mần" thơ, mà lại chuyên "mần" thơ lục bát. 

Triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Ngày 13/10, tại khu Di tích Hoàng thành Thăng Long (TP. Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Quảng Bình, đại tá, nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức khai mạc triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chủ đề "Giai điệu hòa bình vang mãi bốn phương".

Lâm Thủy, mái trường mến yêu

(QBĐT) - Bênh-xuênh vang núi rừng
Tuổi học trò áo trắng
Lâm Thủy miền biên giới
Ấm áp tình bạn tôi.