Tạo "sức bật" cho nghệ nhân, vận động viên thể thao thành tích cao

  • 07:40 | Thứ Năm, 19/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “Trả lương” cho nghệ nhân, “tặng thuốc bổ" và đãi ngộ cho vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao là những nội dung của Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND do HĐND tỉnh khóa XVIII ban hành ngày 2/10/2023. Đây là sự quan tâm, ghi nhận của tỉnh đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và VĐV thể thao thành tích cao, tạo động lực quan trọng để các nghệ nhân không ngừng nỗ lực gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa và các VĐV tiếp tục bứt phá, chinh phục những đỉnh cao mới!

Tiếp sức cho văn hóa truyền thống

Vinh dự và ấm lòng là tâm trạng của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Thành Lộc, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) khi biết được thông tin bắt đầu từ tháng 1/2024, ông sẽ được hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng với mức 700.000 đồng/tháng. “Thế là sau hành trình rất dài, giờ tôi cũng được “nhận lương”. Dù mức “lương” vẫn còn khiêm tốn nhưng tôi cảm thấy vinh dự và ấm lòng bởi sự quan tâm của tỉnh đối với nghệ nhân chúng tôi. Cùng với “tiền lương” hàng tháng thì nghị quyết của tỉnh cũng quy định cụ thể các mức thù lao cho việc tham gia truyền dạy và thực hành, trình diễn văn hóa phi vật thể. Đây là sự động viên khích lệ rất lớn để chúng tôi yên tâm gắn bó với “nghề tay trái” nhưng đã chiếm trọn sự quan tâm cùng rất nhiều công sức, tâm huyết!”, ông Lộc chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc (người đi đầu) tại lễ hội Cầu ngư xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).
Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc (người đi đầu) tại lễ hội Cầu ngư xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).
Trong số những nghệ nhân, một gương mặt nổi bật không chỉ bởi tình yêu đối với những di sản của quê hương mà còn là sự dấn thân, quên mình vì mục tiêu chung, đó là Nghệ nhân nhân dân (NNND) Phạm Thị Niếu. Sinh năm 1941 tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch), cùng với những năm tháng tham gia công tác tại địa phương, bà đã cống hiến trọn đời mình cho những giai điệu, lễ hội truyền thống quê nhà.
 
Những năm qua, hoạt động của câu lạc bộ (CLB) còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp, bà đã gom góp tiền thưởng của danh hiệu NNND và lương hưu để mua sắm nhiều dụng cụ biểu diễn với trị giá gần 25 triệu đồng. Các hoạt động truyền dạy hay tham gia lễ hội với sự tham gia của 50 thành viên CLB, bà và các thành viên luôn cố gắng gom góp thêm kinh phí để tổ chức hiệu quả.
 
NNND Phạm Thị Niếu hiện được hưởng lương hưu nên theo quy định của nghị quyết, bà sẽ không được nhận chế độ hỗ trợ hàng tháng. Thay vào đó, bà sẽ được hưởng mức hỗ trợ khi tham gia truyền dạy văn hóa phi vật thể 800.000 đồng/buổi. Khi nhận được thông tin, bà rất vui. “Tỉnh mình còn khó khăn nhưng quan tâm hỗ trợ được là tốt rồi! Phần tôi và các thành viên CLB vẫn sẽ tiếp tục cố gắng truyền dạy, biểu diễn và đón nhận tấm lòng của con cháu đóng góp cho CLB để ngày càng hoạt động tốt hơn!”.
Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu, xã Nhân Trạch, Bố Trạch.
Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu, xã Nhân Trạch (Bố Trạch).

Nghị quyết số 58 quy định hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng đối với NNND là 1.000.000 đồng/người; NNƯT là 700.000 đồng/người; hỗ trợ NNND tham gia truyền dạy văn hóa phi vật thể 800.000 đồng/buổi và NNƯT là 500.000 đồng/buổi; nghệ nhân tham gia thực hành trình diễn, bảo tồn, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể là 150.000 đồng/người/buổi.

Với sự quan tâm thiết thực của tỉnh thông qua Nghị quyết số 58  những nghệ nhân làng biển Nhân Trạch, Cảnh Dương, quê lúa Lệ Thủy, Quảng Trạch hay vùng cao Minh Hóa sẽ được đồng hành, tiếp sức, để các làn điệu múa bông, chèo cạn, ca trù, hò khoan, hò thuốc… mãi vang xa và được nối dài qua các thế hệ!

Điểm tựa tin cậy

Lường Thị Thảo (SN 1999) là một trong những gương mặt xuất sắc của thể thao thành tích cao tỉnh nhà trong những năm qua. Thảo hiện là kiện tướng, VĐV tuyển quốc gia môn đua thuyền Rowing. Tại SEA Games 31, Thảo đã cùng đồng đội vượt qua nhiều đối thủ để mang về tấm huy chương vàng đầu tiên của VĐV Quảng Bình. Tại ASIAD 19, cùng với 3 VĐV, Thảo đã giành huy chương đồng tại nội dung 4 nữ 2 mái chèo, là 1 trong 3 huy chương đồng của đua thuyền Việt Nam. Đây được xem là tích đáng quý bởi các đối thủ của Việt Nam tại ASIAD đều rất mạnh.
 
Thảo cho biết, thời gian qua, thi đấu trong màu áo của Quảng Bình, Thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh. Về những nội dung của Nghị quyết số 58, Thảo chia sẻ: “Những năm gần đây, các VĐV, trong đó có tôi, đạt thành tích cao trong thi đấu đã được tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời, là nguồn động viên rất lớn. Trong điều kiện tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, Nghị quyết số 58 càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với VĐV thể thao thành tích cao. Riêng đối với VĐV nữ còn được hưởng thêm 20% định mức hỗ trợ chế độ đãi ngộ. Tôi rất cảm ơn bởi sự chăm lo của tỉnh và sẽ nỗ lực cố gắng luyện tập, thi đấu để đạt nhiều thành tích hơn nữa!”.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao khen thưởng các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 32.
Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao khen thưởng các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 32.
Những chia sẻ của Lường Thị Thảo cũng là tâm trạng chung của các VĐV thể thao thành tích cao được hỗ trợ theo Nghị quyết số 58 bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2024. Với mức chi hỗ trợ thuốc bổ, thực phẩm chức năng từ 300.000-1.500.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ chế độ đãi ngộ từ 2.000.000-8.000.000 đồng/người/tháng tùy theo quy mô giải và mức độ đạt giải của các VĐV, riêng VĐV nữ hưởng thêm 20% định mức chi tương ứng của chế độ đãi ngộ sẽ góp phần động viên, khích lệ các VĐV yên tâm luyện tập, cống hiến cho thể thao tỉnh nhà và đất nước.
 
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: Ngoài những quy định của Trung ương về việc tôn vinh, phong tặng danh hiệu và khen thưởng một lần, các nghệ nhân chưa có chính sách hỗ trợ thường xuyên, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết được ban hành sẽ động viên, khích lệ các NNND, NNƯT an tâm cống hiến, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
 
Đối với VĐV thể thao thành tích cao, đây là những người lao động đặc thù, với những phẩm chất, kỹ năng được hình thành qua khổ luyện, có khả năng thi đấu đạt thành tích cao trên các đấu trường quốc tế và quốc gia. Trong điều kiện các chế độ tiền công, tiền thưởng cho VĐV hiện nay còn hạn chế thì việc quy định mức hỗ trợ sẽ giúp các VĐV thể thao thành tích cao chuyên tâm tập luyện và nỗ lực cống hiến, đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa, mang vinh quang về cho Tổ quốc và quê hương.
 
Đại biểu tham dự kỳ họp đã thống nhất cao với dự thảo nghị quyết và biểu quyết thông qua Nghị quyết số 58 có hiệu lực kể từ tháng 1/2024.
 
Quảng Bình hiện có 1 NNND và 8 NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 70 VĐV thể thao thành tích cao thuộc biên chế của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, trong đó có 30 VĐV nữ. Những năm qua, tỉnh đã có sự quan tâm đối với các nghệ nhân và VĐV, tuy nhiên, vẫn còn những bất cập. Nghị quyết số 58 góp phần xây dựng chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nghệ nhân và VĐV yên tâm cống hiến, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương và tiếp tục tỏa sáng trên đấu trường thể thao trong nước, quốc tế!
Ngọc Mai

tin liên quan

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh gặp mặt hội viên nữ

(QBĐT) - Sáng 18/10, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu hội viên nữ nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Xây dựng mô hình kiểu mẫu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền"

(QBĐT) - Sáng 17/10, tại Trung tâm văn hóa xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới), Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình kiểu mẫu: "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền". 
 

Con về chiều nay

(QBĐT) - Xưa mệt mỏi con về tìm mẹ
Mẹ ôm con, lặng lẽ xoa đầu.