Mùa bão lũ

  • 08:50 | Thứ Ba, 17/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mẹ tôi thường nói: “Khi nào có gió bấc tràn về là quê mình hết bão con ạ!”. Ngày xưa, khi chưa có đài, báo, tivi dự báo thời tiết, các cụ cứ nhìn vào cây cỏ ống mọc dưới đồng hoặc lũy tre làng là biết tình hình mưa bão trong năm.
 
Nếu cây cỏ ống, lá non trên đọt thắt lại thì tháng đó sẽ có bão về. Mỗi đốt cỏ ống bị thắt lại là có một cơn bão. Hình như loài cỏ cây cũng biết thu mình lại để tránh gió. Loài cỏ năn sống dưới nước cũng vậy. Khi nào cây cỏ năn ống nhỏ, nhiều đốt thì năm đó lụt nhỏ, năm nào thân to, đốt dài, lớn nhanh thì lụt lớn. Loài cỏ năn cũng biết phồng lên, vươn mình trên mặt nước để khỏi bị ngâm thối.   
 
Bình thường các mụt măng mọc xa bụi tre mẹ để hưởng dinh dưỡng đất đai và ánh nắng mặt trời. Khi có dấu hiệu bão to thì những mụt măng mọc sát vào thân cây mẹ, nép mình vào giữa bụi tre để được chở che. Những cây tre mẹ vặn mình đứng sát bên nhau, hiên ngang, bất khuất, kiên cường chắn gió để bảo vệ những đứa con nhỏ của mình. Tình mẫu tử của loài tre cũng lớn lao như tình cảm của con người vậy.
 
Sau cơn bão bao giờ cũng là những trận mưa lớn. Mưa “xối bùn”. Tôi nhớ khi còn nhỏ, hoàn lưu của cơn bão năm 1960 gây nên một trận lụt. Lụt to lắm. Hồi đó, đê điều chưa được gia cố như bây giờ. Làng tôi là cái rốn nước của cả ba con sông. Phía Nam là hai con sông Son và sông Nan hợp lưu ở chợ Mới. Phía Bắc là con sông Rào Nậy từ trên các xã: Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Tân (TX. Ba Đồn ngày nay) đổ về.
 
Nước réo sùng sục. Tiếng trống báo động thúc giục liên hồi. Người làng náo loạn như chạy giặc. Tiếng bò rống, lợn kêu. Tiếng người la hét, hối thúc nhau bốc lúa gạo, lương thực, của cải lên “tra”(*). Bố tôi đi dạy học ở xa không về được. Ông nội tôi lúc đó đã ngoài bảy mươi. Ông dắt con bò đực của hợp tác xã lên trú lụt trên Động Lòi. Động Lòi là hai quả đồi nằm sát nhà ga Minh Lệ.
Minh họa: Minh Quý
Năm 1963, bố tôi làm được cái nhà ngói đầu tiên trong xóm. Ngày lụt bão, nhiều gia đình, nhà cửa còn tạm bợ đến nhà tôi xin ở nhờ, trú lụt. Họ là những nhà nghèo khó. Có khi mẹ phải cho họ khoai lát, khoai củ, gác ở trên tra. Gạo cơm không có, chứ khoai thì nhà tôi nhiều lắm. Ông nội tôi vỡ hoang, phát những bụi dứa dại dưới vùng Giếng Đồng để trồng khoai. Những củ khoai tây to bằng cái bình vôi dùng để nấu lắng(**), bữa trưa trong mùa mưa sa nước sỉa. Gọi là khoai tây nhưng thực chất là giống khoai lang, vỏ màu vàng nhạt, ruột vàng sậm như củ nghệ cái. Giống khoai này nổi tiếng rất bùi, và thơm, ngon. Tiếc rằng ngày nay đã mất giống.
 
Có một năm vỡ đê, cá trên nguồn về nhiều lắm. Những cặp cá chưng, cá lúi, cá mè kẻ, cá gáy thường xoắn xuýt bên nhau. Người lớn đi trên bờ cứ thấy có đụn nước xoáy là cầm nơm nhảy xuống úp. Thế nào cũng nơm được một cặp cá gáy. Khi nước rút, chúng tôi đi chăn bò thường cầm theo cái giỏ và một cái tô hay cái rá. Chúng tôi tát cạn những hầm tròn. Cá ngạnh sao mà nhiều thế. Chúng giương những bộ râu trên mặt nước như những chiếc cần ăng ten. Những con cá ngạnh bụng tròn căng, đầy trứng. Người bắt không khéo, bị ngạnh đâm vào đau đến nhức xương.
 
Năm 1983, tôi đang tại ngũ ở Trường hạ sĩ quan xe tăng 1 thì nghe tin trận bão rất to tàn phá quê hương. Cả làng tôi có rất nhiều nhà bị sập và tốc mái. Nhà trường phát động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ đồng bào miền Trung. Tôi dành toàn bộ số tiền phụ cấp hạ sĩ quan và tiền bán rau tăng gia, ủng hộ cho đồng bào bị lũ lụt. 
 
Năm 1985, tôi ra quân, trở lại ngành giáo dục. Anh bạn cùng lớp hồi học cấp 3 đang làm hiệu trưởng ở xã tôi. Năm đầu tiên về làng, tôi đón ngay một trận lụt lớn. Hai chúng tôi cùng bí thư chi bộ ở lại bám trường. Chúng tôi lấy lạt tre cật buộc bàn ghế lại với nhau, rồi rinh gạch, đá đè lên. Một ngày, một đêm, ba người ngồi trên ba nóc tủ nhịn đói. Bên dưới là sóng đánh dập dềnh. Củi, gỗ trên nguồn và một số nhà cửa, trâu bò, lợn gà trôi qua sân trường xuống cửa Gianh.
 
Ngày hôm sau, một giáo viên văn mới chèo thuyền đến ứng cứu. Tôi cầm lái chèo thuyền về nhà. Thấy hai vợ chồng anh cu Lẫn với 6 đứa con nheo nhóc đang bám trên nóc nhà kêu cứu. Tôi vòng lại chở cả nhà anh lên Động Lòi. Nước chảy mạnh, khung cầu sắt thời Pháp thuộc, phía bờ Nam cầu Minh Lệ trôi đi một đoạn.
 
Năm 2010, cơn lũ lịch sử đổ bộ vào miền Trung. Quảng Bình là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Thống kê toàn tỉnh có 33 người chết, 22 người bị mất tích. Riêng xóm tôi có 2 người chết.
 
Ngày nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo và người già cô đơn không nơi nương tựa đã được xây những ngôi nhà 2 tầng vượt lũ. Đơn sơ thôi nhưng cũng có nơi mà tránh lụt. Trung bình cứ 5 hộ thì có 1 ngôi nhà  từ 2 gác trở lên. Thôn nào cũng có đội phòng, chống lụt bão, thiên tai. Đặc biệt cả xã được trang bị mấy chiếc thuyền máy để di chuyển người dân đến nơi an toàn. Tình làng nghĩa xóm đã được nhân lên gấp bội.
 
Những năm gần đây, hiện tượng trái đất nóng lên, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường. Những cơn siêu bão xuất hiện với tần suất dày thêm. Những vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng đã làm chết nhiều người.
 
Một mùa mưa lũ nữa lại đến. Những người dân trên quê hương tôi lại kiên cường, bất khuất, sống dũng cảm, sống đầy tình nghĩa như những cây tre Việt Nam. Người Việt Nam chúng ta, những con người bao dung, nhân hậu, “lá lành đùm lá rách”,  “bầu ơi thương lấy bí cùng”...
Hoàng Minh Đức  
 
(*) Cái giàn gác của người miền Trung.
(**) Bữa ăn phụ sau khi ngủ trưa dậy.                                                                             

tin liên quan

Mấy ngả nhớ thương

(QBĐT) - Thu đã cuối mùa rồi
Lá bồi hồi rơi rụng
Vạt cỏ xanh lúng túng 
Dang tay đỡ sắc vàng 

Nét văn hóa dân gian độc đáo từ đồng dao và trò chơi trẻ thơ

(QBĐT) - Lớn lên ai cũng biết đồng dao là những bài văn vần được hát để hòa điệu theo các trò chơi và tạo nên nét độc đáo của nó. 

Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở xã Trọng Hóa

(QBĐT) - Chiều 14/10, tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức báo cáo kết quả xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Trọng Hóa.