Đồng Hới thơ

  • 07:25 | Thứ Ba, 24/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(Đọc Tuyển tập thơ Đồng Hới, NXB Nghệ An, 2023)        
(QBĐT) - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Quảng Bình, TP. Đồng Hới là mảnh đất nên thơ, giàu truyền thống cách mạng. Con người và cảnh sắc nơi đây thật đáng trân trọng, hấp dẫn! Từ xưa đến nay có rất nhiều bài thơ ca ngợi mảnh đất này. Việc ra đời Tuyển tập thơ Đồng Hới do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới cùng Nhà xuất bản Nghệ An đứng tên xuất bản là một sự kiện văn hóa mang nhiều ý nghĩa.
 
Đọc tuyển tập, chúng ta thấy hiện lên một Đồng Hới bằng thơ xinh đẹp, với nhiều chiến tích anh hùng. Vua Lê Thánh Tông, vua Thiệu Trị và các danh nhân Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khuyến đã đến đây và để lại thơ hay. Đại thi hào Nguyễn Du gần bốn năm làm quan Cai bạ tại Quảng Bình, ở cạnh dòng sông Nhật Lệ với biết bao nỗi niềm đã lắng vào thơ. Trên con đường kinh lý Bắc-Nam, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà thơ nổi tiếng từng đi qua hoặc nghỉ lại nơi này.
 
Tuyển tập thơ Đồng Hới cho chúng ta biết sự hiện diện của họ hết sức đông đảo. Đó là: Tố Hữu, Lê Đức Thọ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Việt Phương, Cẩm Lai, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Tế Hanh, Lữ Huy Nguyên, Bằng Việt, Trần Phương Trà… Đó là các nhà thơ quê Quảng Bình khi gần, khi xa vẫn sâu nặng tình cảm với Đồng Hới, như: Xuân Hoàng, Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật, Văn Lợi, Lê Thị Mây, Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đặng Thị Kim Liên, Lý Hoài Xuân, Thái Hải, Hoàng Bình Trọng, Diệp Minh Luyện, Lê Đình Ty, Lê Xuân Đố, Xích Bích, Mai Văn Hoan, Nguyễn Văn Dinh, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Hữu Quý,…
Bìa cuốn Tuyển tập thơ Đồng Hới.
Bìa cuốn Tuyển tập thơ Đồng Hới.

 

Đó là những người con rể Quảng Bình có nhiều kỷ niệm với Đồng Hới, như: Hồ Ngọc Ánh, Hoàng Phủ Ngọc Tường…

Một số vị lãnh đạo tỉnh, TP. Đồng Hới từng có thơ đăng báo, in sách cũng có mặt trong tuyển tập này, như: Cổ Kim Thành, Lại Văn Ly, Thái Bá Nhiệm, Trần Dzụ, Thanh Sơn, Phan Viết Dũng, Trần Công Thuật…
 
Ban tuyển chọn cho biết: Tiêu chí chọn tác phẩm đưa vào tuyển tập là những bài có chất lượng khá trở lên, gắn với con người Đồng Hới hoặc địa danh thuộc Đồng Hới.
 
Chúng ta sẽ bắt gặp ở đây hình ảnh mẹ Suốt anh hùng: “Một tay, lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày’’ trong thơ Tố Hữu. Hình ảnh nữ Anh hùng Trần Thị Lý trong thơ Xuân Hoàng:
 
       “Đất nước bỗng lừng danh Trần Thị Lý
         Hai trận gan liền, hai tấm huân chương
         Cô gái nhỏ giao liên trên trận địa
         Lập công đầu; tuổi trẻ sáng quê hương’’
                                        (Cô gái sông Lũy)
 
Thêm nữa: Anh hùng Nguyễn Thị Khíu trong thơ Hồ Ngọc Diệp; Anh hùng Trương Pháp trong thơ Nguyễn Xuâm Chàm; em bé bảo Ninh trong thơ Nguyễn Văn Dinh… Họ là những người tiêu biểu cho người dân Đồng Hới trong cuộc chiến đấu với giặc Mỹ.
 
Qua thơ, chúng ta sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp huyền ảo của Đồng Hới, như Nhật Lệ trong thơ Lý Hoài Xuân ngày tái ngộ:
                      “Bập bềnh ru ngọn sóng
                        Điệu hát tình lênh đênh
                        Nhật Lệ trăng huyền thoại
                       Sóng vỗ, trào tim anh!
                        Anh đến bóng lung linh
                        Miên man nồm Đồng Hới
                        …
                        Huyền thoại đêm Nhật Lệ
                        Em hát vầng trăng chao…”
                         (Huyền thoại trăng Nhật Lệ)
 
Từ nhiều góc độ, nhìn, nghĩ và cách cảm, cách liên tưởng khác nhau, mỗi nhà thơ có một Đồng Hới (biểu trưng) bằng thơ riêng!
 
Đồng Hới nhân hậu đáng yêu trong thơ Xuân Hoàng, Văn Lợi, Xích Bích, Đặng Thị Kim Liên, Văn Lạc, Hoàng Hiếu Nghĩa… Đồng Hới ngọt ngào sâu lắng trong thơ Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật, Trần Nhật Thu… Đồng Hới bi hùng trong thơ Lê Thị Mây, Thái Hải, Lê Xuân Đố…; hư thực trong thơ Mai Văn Hoan, Nguyễn Hữu Quý, Văn Tăng…; hoài niệm trong thơ Hà Nhật, Thái Ngọc San, Ngọc Khương; trắc ẩn nỗi niềm trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, Diệp Minh Luyện, Phan Đình Tiến…
 
Văn hóa ẩm thực Đồng Hới cùng những sinh hoạt văn hóa truyền thống được nhà thơ Ngô Minh, Đỗ Hoàng… tâm đắc đưa vào thơ.
 
Các tác giả thơ chuyên nghiệp và không chuyên, mỗi người khai thác một khía cạnh đời sống theo cảm xúc của mình. Từng sự kiện lịch sử đều để lại các dấu ấn trong thơ, như: Sự kiện Bác Hồ về thăm Đồng Hới; sự kiện Mỹ ném bom hủy diệt Đồng Hới; sự kiện chia tỉnh Bình Trị Thiên, con em Quảng Bình trở về Đồng Hới… người mất, người còn… chia ly, đoàn tụ…nước mắt, nụ cười ẩn chứa trong từng câu thơ! Qua thơ, bạn đọc thêm thấu hiểu tình đất, tình người Đồng Hới, những vẻ đẹp tâm hồn của con người Đồng Hới xưa và nay…
 
Gần hai trăm bài thơ trong Tuyển tập thơ Đồng Hới là di sản văn hóa, là món quà tinh thần cho những ai yêu thơ, yêu mến Đồng Hới! Đây là sự kiện hiếm có về cuộc hội ngộ của những người làm thơ có thơ về Đồng Hới!
 
Hoan nghênh lãnh đạo TP. Đồng Hới đã quan tâm, cho ra đời tuyển tập thơ quý giá này!
                                                                                                  
 Lý Hoài Xuân

tin liên quan