Nơi gìn giữ, khơi nguồn văn hóa

  • 06:58 | Thứ Sáu, 27/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh đã tập trung đổi mới hoạt động nhằm thu hút số người đến tham quan, đọc sách, tìm hiểu văn hóa, lịch sử… Các đơn vị đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện chuyển đổi số, từng bước đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và bạn đọc.
 
Tạo sức hút với công chúng
 
Để thu hút khách tham quan, những năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã nỗ lực đổi mới hoạt động, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, triển lãm; thực hiện kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tại các huyện trên địa bàn tỉnh: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.
 
Điểm nổi bật của bảo tàng là có không gian đẹp, thoáng đãng, tư liệu, hiện vật phong phú tập trung vào các chủ đề chính là tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Quảng Bình, được sắp xếp theo các thời kỳ, giai đoạn. Đây được xem là kho tư liệu khổng lồ cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về quê hương Quảng Bình.
 
Vì vậy, bảo tàng đã tạo được được sức hút với người dân, nhất là học sinh ở các trường học đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Nổi bật là nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hiện vật trong các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Thông qua những hiện vật cụ thể được trưng bày, người xem cảm nhận được truyền thống anh hùng, vẻ vang của người dân Quảng Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Hồ An Phong đánh giá cao công tác trưng bày, bảo quản hiện vật ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đánh giá cao công tác trưng bày, bảo quản hiện vật ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Chị Phạm Thị Tươi (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cho hay: Trong chuyến du lịch Quảng Bình cùng gia đình hồi tháng 8/2023, chị đã đưa các con đến thăm Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình. Chị rất ấn tượng với không gian trưng bày và sự phong phú của hiện vật, tư liệu, nhất là các hiện vật về văn hóa, lịch sử. Chị đã ghi chép lại những thông tin cần thiết để phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa dân gian.
 
Thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với MobiFone Quảng Bình triển khai bảo tàng số Quảng Bình (đợt 1). Bước đầu phần mềm đã đưa không gian bảo tàng lên nền tảng số; xây dựng 3 không gian triển lãm ảo với các chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuộc đời và sự nghiệp”, “Quảng Bình, 30 năm đổi mới, phát triển”, “65 năm Quảng Bình làm theo lời Bác”.
 
Việc xây dựng bảo tàng số sẽ tận dụng tối đa những ưu thế vượt trội của công nghệ số nhằm phục vụ nhu cầu của công chúng, giúp khách tham quan tiếp cận gần hơn với các hiện vật. Từ đó, phát huy hiệu quả giá trị của các hiện vật, tư liệu hiện đang được trưng bày tại bảo tàng. Hoạt động ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng là bước tiến quan trọng, tạo dấu ấn trong công tác chuyển đổi số của ngành Văn hóa-Thể thao, góp phần cụ thể hóa việc triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh là địa chỉ tin cậy để người dân, khách tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử tài nguyên thiên nhiên Quảng Bình. Nếu được đầu tư xứng tầm, bảo tàng và thư viện sẽ là địa chỉ văn hóa, du lịch, giáo dục truyền thống có sức hút đối với khách tham quan góp phần phát triển du lịch và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Mặc dù đạt những kết quả nhất định, nhưng trên hành trình phát triển, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động. Hiện tại, đơn vị có 28.070 hiện vật, tư liệu trưng bày và lưu giữ song chưa có đủ nguồn kinh phí để thực hiện số hóa. Bảo tàng chưa có phòng trưng bày chuyên đề và phòng trưng bày về cuộc đời sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số công trình, hạng mục đã xuống cấp.

Để thư viện là điểm đến hấp dẫn

Trước thực trạng văn hóa nghe nhìn "lấn dần" văn hóa đọc như hiện nay, Thư viện tỉnh đã có những cách làm linh hoạt nhằm khơi dậy, lan tỏa tình yêu đọc sách trong mỗi người dân. Ngoài việc xây dựng nguồn tư liệu, sách, báo phong phú, đơn vị còn hình thành các không gian đọc sách thân thiện, nhất là phòng đọc dành cho thiếu nhi.
 
Để bắt kịp xu thế, đơn vị đã tích cực ứng dụng CNTT, triển khai chuyển đổi số nhằm phục vụ nhu cầu bạn đọc. Từ năm 2021, đơn vị đã mua bản quyền truy cập điện tử của Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh với hơn 2.500 bản sách điện tử và liên kết trang điện tử của Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật; quản lý, phục vụ hơn 2.000 tài liệu được số hóa; lưu trữ, phổ biến hơn 2.000 tài liệu số được cấp từ dự án Bill Gates và tự số hóa hàng năm của đơn vị để phục vụ bạn đọc. Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã xây dựng được 85 tủ sách cơ sở, quản lý 5.195 thẻ đọc, tổng số lượt bạn đọc trung bình là 56.100 lượt/năm.
 
Ông Lê Văn Sỹ (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) một trong những bạn đọc gắn bó với thư viện cho hay: Sách trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Vì vậy, ngay sau khi nghỉ hưu (2019), ông dành nhiều thời gian đến thư viện để đọc sách và mượn sách về nhà đọc. Nhằm lan tỏa tình yêu, niềm đam mê đọc sách đến với con cháu, mỗi lần đến thư viện, ông luôn dẫn theo các cháu. Dần dần, các cháu của ông cũng mê sách và trở thành bạn đọc thường xuyên của thư viện.
 
Ông Lê Văn Sỹ cho biết thêm: Điểm nổi bật ở Thư viện tỉnh là cán bộ, nhân viên luôn thực hiện tốt nhiệm vụ làm cầu nối giữa sách và bạn đọc. Họ rất nhiệt tình, cởi mở, sẵn sàng giúp bạn đọc khi cần tra cứu thông tin, lựa chọn sách, giới thiệu sách hay, sách mới. Thư viện cần đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tạo khuôn viên và nhất là việc thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế phát triển chung hiện nay. Ngoài ra, thư viện cần có thêm những không gian mở, có thể mở các dịch vụ, như: Cà phê, giải khát hay tạo những điểm “check-in” … nhằm xây dựng không gian đọc sách thân thiện, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ở các độ tuổi khác nhau.
 
Thực tế cho thấy, công tác chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là hết sức cần thiết song vì thiếu kinh phí nên việc số hóa tài liệu thư viện còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị chưa đồng bộ. Hệ thống máy tính, máy chủ nhằm triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã xuống cấp; chưa tạo được các không gian đọc bắt mắt, tiện lợi và khuôn viên xanh, đẹp để thu hút bạn đọc.
 
Trên hành trình phát triển, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh cần được đầu tư nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đồng bộ và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số. Từ đó, tạo tiền đề để các đơn vị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, con người Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay.
 
Trong buổi làm việc với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh (tháng 9/2023), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong yêu cầu Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động mang tính chuyên đề phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của dân tộc, chú trọng công tác chuyển đổi số và nghiên cứu xây dựng phòng trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… Đối với Thư viện tỉnh, cần xây dựng đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó chú trọng xây dựng phần mềm quản lý thư viện số, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thư viện cần đầu tư thêm đầu sách và tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm khơi dậy, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ…
Nh.V

tin liên quan

Lục bát tặng mẹ

(QBĐT) - Tháng mười
khẽ bước lẹ làng
Trong vườn sắc biếc
dịu dàng hương bay.

Nâng cao năng lực hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm văn hóa-văn nghệ cơ sở

(QBĐT) - Ngày 26/10, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức lớp tập huấn phương pháp tổ chức, điều hành hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm văn hóa-văn nghệ cơ sở cho hơn 150 học viên là công chức văn hóa-xã hội các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Mẹ ơi

(QBĐT) - Cả đời vay nắng nợ mưa
Thân tròn bóng nón ngả trưa nâu sồng
Bây giờ một chấm mộ cong
Cỏ may nghi ngút hương đồng mẹ ơi!