Niềm tự hào danh hương của các "thi lão"

  • 07:27 | Thứ Hai, 30/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2023, Câu lạc bộ (CLB) thơ làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) tròn 30 tuổi. Ba mươi năm có đủ thăng trầm, nếu không sâu nặng thi hứng danh hương, chắc các “thi lão” ở đây không trụ vững để đồng hành đến hôm nay. Ngần ấy thời gian, CLB đã in 5 tập thơ, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Ban Chủ nhiệm đã tuyển chọn thơ của các thành viên sáng tác trong 5 năm, in sách làm quà tặng tinh thần cho bà con ở quê và xa quê. Đây là dịp để các thi hữu ôn cố tri tân, thêm gắn bó với quê hương. Tập thơ thứ 6 này có tên “Thi hứng danh hương”, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.
 
Vào đầu sách ta gặp ngay nhà thơ Đỗ Thành Đồng, Phó Chủ nhiệm CLB. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thơ anh dồi dào về tư duy, thi ảnh và ngôn ngữ: Con ru mạ ngủ đêm nay/tre cong nhạc lẩy trăng gầy võng đưa/Mạ nằm dưới bóng sao thưa/và đôi mắt lửa con vừa nhóm lên. Xưa nay, mạ ru con là lẽ thường, nhưng con ru mạ, thì Đỗ Thành Đồng là người đầu tiên: Con ru muối chảy trong lòng/con ru cánh vạc nằm trong cánh cò/ngủ đi rát lạnh cơn ho/ngủ đi chiếc bóng đang dò dẫm đi. Sau ngày xa mẹ, anh mang vào người sự mất mát lớn nhất: Con giờ sấp ngửa lá đa/sân chùa cũng rụng sân nhà cũng rơi/Mạ về nhặt lá mạ ơi/cho con xếp lại một trời xa xưa (Ru mạ).
 
Cùng với đó, anh còn gửi tới người đọc 12 khúc “Tự trào”, mỗi khúc như một sát-na tâm trạng. Ở “Tự trào I”, anh rủa nguyền những chiếc bẫy chuyên rình rập hại người, để đầy túi kẻ hám tiền: Bao năm gió nghĩa mưa tình/vẫn khô khốc tựa cái đinh giữa đường/cong người lật cú thê lương/biết đâu thiên hạ tai ương chỗ nào, thì ở “Tự trào II”, anh rất vui khi gặp nỗi buồn, vì đó là cái tổ cho những bài thơ ra đời. Với “Tự trào IV”, đứa trẻ xỏ mũi con trâu, nhà thơ xỏ mũi những câu thơ tình. Anh tự tin: Thơ tôi đằm dưới sình lầy/mà đầu cơ nghiệp mà đầy yêu thương.
Bìa tập thơ Thi hứng danh hương.
Bìa tập thơ Thi hứng danh hương.
 
Nhưng cái sâu xa hơn cả, neo đậu hơn cả, chính là: Thế gian vút tận thiên đường/tôi còn sáo trúc vấn vương đồng làng. Tiếng sáo là dư âm của tâm hồn thơ, điều đọng lại của một đời thơ giữa thế thái nhân tình. Tác giả Trần Văn Hiệp đã “Chạm” nhiều cung bậc: Sương khuya chạm rốn đêm hè/Nằm nghe lá thở môi nhè nhẹ sương/Giọt mưa chạm tia nắng hồng/Dựng nên bảy sắc cầu vồng lung linh/Thương nhau ta chạm niềm tin/Dẫu bao trắc trở đinh ninh một chiều. Và đây, trong “Hoài cổ chiều quê”, tác giả có cái nhìn rất gợi: Chiều nghiêng qua kẽ lá/Buông nốt nhạc êm trầm/Tiếng chiều rơi rất khẽ/Làn khói mái rạ quê/Nồi cơm thơm lúa mới/Đàn trâu khua mõ về/Ai đi trong nỗi nhớ/Bóng em hay bóng chiều…
 
Đỗ Thành Kim, cây bút từng có độ chín, ở bài “Nhịp thời gian”, anh viết: Mới xuân hừng hực sắc hương/Đã nghe tê tái rét buông mỏng dày/Bóc tờ lịch nhỏ cầm tay/Vơi đi một khắc vòng quay luân hồi/Sâu trong thăm thẳm đáy trời/Ta nghe rõ những nhịp đời sân si/Thời gian lau bụi trần đi/Cho ta thấy được những gì thế gian/Cõi trần được có mấy gang/Dụm dành nhân nghĩa mà mang về trời. Ở bài “Chỉ cần”, anh lại có cái nhìn đa diện về thế thái nhân tình: Chỉ cần một miếng cau xanh/Lá trầu têm quyện vôi thành đỏ tươi/Chỉ cần một ánh mặt trời/Thành ngàn tia nắng rạng ngời cỏ hoa/Chỉ cần một khúc dân ca/Thành làn gió mát tình bà đưa nôi/Chỉ cần một quả thị rơi/Là thành cô Tấm một đời thảo thơm/Chỉ cần một ánh mắt vương/Là thành duyên nợ yêu thương suốt đời/Chỉ cần chín bỏ làm mười/Là tình thêm thắm là đời như mơ.
 
Tác giả Đỗ Ngọc Lưu cũng để lại độc giả những tứ thơ ngọt ngào: Trải qua năm tháng dãi dầu/Nguồn sinh quê mẹ như bầu sữa tươi/Long lanh đáy giếng mây trời/Em còn gánh nước như thời thuở xưa? Thế rồi, người thơ cho ta xem bức tranh về một làng nón: Một trời rợp trắng nón bay/Làng quê Thổ Ngọa ôm đầy nhớ thương (Kỷ niệm giếng quê). Cùng đó, tác giả còn có những bài thơ đáng xem, như: “Ta về”, “Mắt ngọc”…
 
Tác giả Ngô Tiến Lợi cũng không hiếm những câu thơ hay, như: Sông quê con nước lớn ròng/Niềm thương lớn mãi đầy đong từng giờ. Chùm thơ của tác giả Nguyễn Thị Món nổi lên nhiều bài, như: “Tổ quốc tôi”; “Nhớ mẹ”. Đáng kể là bài “Tự cho phép”: Buồn hôm nay thôi nhé/Ngày mai hãy mỉm cười/Phải trở nên mạnh mẽ/Để ngăn dòng lệ rơi…
 
Với nguyên Chủ nhiệm CLB Trần Duy Nghiêm, một nhà giáo ngoại bát tuần, từng có nhiều thơ đăng các tạp chí văn nghệ, trong bài “Ba tấc”, ông viết: Ba tấc lưỡi chẳng nhớ lâu/Ba tấc đất nhận ra đâu mặt đời! Bài thơ vỏn vẹn chỉ hai câu nhưng đầy tính triết lý nhân sinh, khiến người đọc không dễ “bỏ qua”. Ở bài “Tìm thơ trong đá”, ông có cách viết về Bác vừa thành kính và đằm thắm: Chọn tấm đá Bác dùng làm bàn viết/Sử Đảng dày thêm, Người khuất non ngàn/Mặt đá nhẵn hay thời gian vô tận/Cho “Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
 
Và đây, những hình ảnh hết sức chân thực, gieo cấy vào tâm hồn người đọc nguồn cảm xúc về vị lãnh tụ kính yêu: Khăn ướt vắt vai Người ngồi trên đá/Viên cuội kì chân suối hát xôn xao/Đổ mồ hôi nhìn bóng Người đá lặng/Và để đời vào giấc ngủ chiêm bao/Cứ đọc“hòn đá to, hòn đá nặng”/Thơ ơi thơ vọng mãi đến ngàn năm/Đơn giản vậy mà quân thù run sợ/Bởi lòng dân nặng hai chữ kết đoàn.
 
Ở Trần Thị Ròn, tác giả đã cho ta thấy một hành trình dằng dặc của CLB: Trăng vừa đỉnh điểm người ơi/Ba mươi năm ấy đầy vơi quê nhà/Xoay vần thơ mãi đơm hoa/Lão thành khuất bóng trẻ hòa nhịp say/Nghiêng mình chao bút thơ bay/Sánh cùng bè bạn tháng ngày đã qua/Thơ làng chắp cánh vang xa/“Tuổi hai mươi” hát bài ca “Gió lào”/Thấm trong ký ức ngọt ngào/Ba mươi năm giữ phong trào danh hương (Đáng tự hào). Ở Bùi Thị Tâm, người con dâu Thổ Ngọa đến từ thành phố Cảng viết: Về quê nhớ cảnh nhớ người/Nhớ từng câu hát nhớ lời ví von/Nhớ khi lội suối trèo non/Chặt tre, đẵn nứa vui buồn có nhau (Dâng trào kỷ niệm).
 
Ở Nguyễn Thêm, cây bút gần 95 tuổi đời: SƠN trang thi phú bậc đàn anh/HÀ điểm huyền mi tựa bức tranh/CẢNH thú thơ ca lan núi Phượng/THỔ bồi văn hiến thoáng bờ Gianh (Bát danh hương). Với Chủ nhiệm CLB Hoàng Văn Thiết, anh điểm ngay vào quê hương của mình: Quê tôi Thổ Ngọa nón bài thơ/Ai đến hân hoan với sắc cờ/Lòng người thiện mỹ say tình nghĩa/Đường nón hào hoa đẹp mộng mơ (Thổ Ngọa quê tôi).
 
Và, khá bất ngờ, ta gặp một cái tứ thật trẻ trung ở “Một đường cong”: Tôi yêu một đường cong/Thấm sâu vào tận tụy/Ôi đường cong kỳ vĩ/Mà dung dị nhường nào/Một đường cong ước ao/Ngất ngây mùi hương bưởi/Đường cong mềm như suối/Mãi chảy vào tâm can/Một đường cong chứa chan/Cả hồn thơ trong sáng/Một đường cong duyên dáng/Nở nụ hoa cho đời/Một đường cong rạng ngời/Cả bầu trời thương nhớ.
 
Cuối sách, ta đến với nhà giáo, nguyên Chủ nhiệm CLB Nguyễn Hùng Tiến. Da diết tình yêu quê hương, ông viết: Về đây lòng những thiết tha/Tình quê đọng mãi không nhòa trong tôi/Đừng về! Ở lại người ơi/Câu ca xưa mãi trọn lời hôm nay/Mẹ già thơm miếng trầu cay/Em thơ trong mắt đọng đầy ước mơ/Xa rồi từ những ngày xưa/Mái tranh quyện khói, gió mưa lay rèm (Tình quê). Ở bài “Mừng xuân 2023”, ông bày tỏ mong ước: Muôn hoa rực rỡ chào xuân/Vui cùng cánh én bay gần bay xa/Giao thừa sáng rực pháo hoa/Mặc cho cơn rét lướt qua vội vàng/Xin dâng một nén tâm nhang/Nguyện cầu đất nước, xóm làng phồn vinh/Mong cho khắp các gia đình/Anh em hòa thuận, hiếu tình đẹp tươi/Cầu mong khắp cả đất trời/Mưa hòa, gió thuận lòng người yên vui.
 
Mấy nét cùng “Thi hứng danh hương”, để nói rằng, thơ của CLB càng trải qua năm tháng càng đằm, càng đáng đọc và suy ngẫm. Xin chúc các “thi lão” ở đây luôn sống cùng thơ, vì thơ, để danh hương Thổ Ngọa theo những cánh thơ bay khắp miền đất Việt mến yêu.
Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Thơ chọn-Lời bình: Con nghĩ về mẹ

(QBĐT) - Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý ngoài những bài thơ viết về chiến tranh, về Trường Sơn khá thành công, ông lại có một mảng thơ viết về mẹ khá xúc động.

Cùng âm nhạc, đưa hình ảnh Quảng Bình vươn xa

(QBĐT) - Đầu tháng 10 vừa qua, ca sĩ Thi Phượng, người con của mảnh đất Quảng Bình đã cho ra mắt MV ca nhạc "Quảng Bình quê ta ơi" nhân kỷ niệm 60 năm ca khúc đặc biệt này ra đời (1964-2024) và 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024). 

Hoài niệm Quảng Bình

(QBĐT) - Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu bài thơ Hoài niệm Quảng Bình-mảnh đất lưu dấu nhiều kỷ niệm trong đời làm báo của ông.