Chuỗi liên kết sản xuất - "chìa khóa" nâng cao giá trị nông sản

  • 07:59 | Thứ Năm, 04/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện chuỗi liên kết (CLK) trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
 
Những mô hình liên kết hiệu quả
 
Về thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh hôm nay, có thể thấy rõ "bức tranh" nông nghiệp mới theo xu hướng hiện đại hóa. Khắp các cánh đồng của thôn, thay vì những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chằng chịt bờ thửa như trước đây là hình ảnh những thửa ruộng “thẳng cánh cò bay”. Những con đường giao thông nội đồng lầy lội mỗi khi mưa gió đã được nâng cấp, các loại máy móc phục vụ nông nghiệp vào đến tận bờ ruộng.
 
Nhiều năm nay, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lộc Long đã trở thành điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân. Từ năm 2021, HTX đã liên kết với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình và Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh thực hiện CLK và bao tiêu sản phẩm lúa. Riêng vụ đông-xuân 2023-2024, HTX liên kết với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình sản xuất giống lúa DV108 trên diện tích 40ha và liên kết với Công ty TNHH Thành Đạt sản xuất giống lúa Đài Thơm 8 trên diện tích 20ha.
Mô hình trồng lúa theo chuỗi giá trị tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lộc Long, xã Xuân Ninh (Quảng Ninh).
Mô hình trồng lúa theo chuỗi giá trị tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lộc Long, xã Xuân Ninh (Quảng Ninh).
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thơm cho biết, tham gia CLK sản xuất và bao tiêu sản phẩm, người dân chỉ tập trung sản xuất còn công ty cung ứng giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Khi tham gia CLK, nông dân chỉ cần chuyên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, giá cả. Thị trường lên thì giá lên, còn thị trường xuống thì vẫn bán theo giá sàn ở hợp đồng. Các giống lúa tham gia CLK đều là giống chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng nên thu nhập của người dân cũng cao hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) liên kết đều thu mua lúa tươi ngay tại ruộng nên người dân tiết kiệm được chi phí bao bì, không phải mất công phơi lúa, cũng như không còn lo mưa gió sau mỗi mùa gặt. Việc sản xuất theo CLK không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.
 
Nhiều năm nay, HTX Măng giang Trường Xuân đã trở thành địa chỉ tin cậy liên kết và bao tiêu sản phẩm măng giang cho bà con trong xã. HTX được thành lập vào tháng 9/2023 gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng măng và tiêu thụ sản phẩm.
 
Giám đốc HTX Nguyễn Viết Tâm cho biết, trung bình mỗi tháng, HTX thu mua hơn 3 tấn măng tươi từ các thành viên và người dân trên địa bàn. Hiện, HTX cung ứng ra thị trường hai dòng sản phẩm là: Măng chua và măng dầm tỏi ớt Trường Xuân. Các sản phẩm đã được đăng ký, công bố chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trên thị trường.
 
Thực hiện dự án “Liên kết chuỗi giá trị măng Trường Xuân”, tháng 11/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã liên kết với HTX Măng giang Trường Xuân thực hiện mô hình sinh kế “Trồng tre Điền Trúc lấy măng” tại bản Hang Chuồn-Nà Lâm và bản Khe Ngang, xã Trường Xuân. Trên diện tích 4ha, người dân được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Đến thời điểm hiện tại, diện tích tre đã sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
 
Tạo động lực phát triển nông nghiệp bền vững
 
Thời gian qua, huyện Quảng Ninh luôn quan tâm, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình liên kết, hợp tác; ưu tiên thu hút các DN đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị có sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu là nông sản có thế mạnh của địa phương. Tại nhiều xã, thị trấn, các hộ nông dân đã chủ động, tích cực tham gia và thành lập HTX, tổ hợp tác, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
 
Vụ đông-xuân năm 2023-2024, các HTX trên địa bàn huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh và Công Ty TNHH MTV Cây giống Bắc Trung Nam thực hiện 22 CLK sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa với diện tích 625ha; tập trung ở các xã Vạn Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Lương Ninh, Gia Ninh, Duy Ninh với các giống lúa chủ lực: DV108, PC6, HN6, VNR20, QS88…

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa DN và người dân hiện nay được coi là giải pháp để bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, làm thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, giảm chi phí và sức lao động, thuận tiện cho việc từng bước cơ giới hóa các khâu sản xuất, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang duy trì hiệu quả CLK măng ở xã Trường Xuân, CLK kiệu ở xã Võ Ninh, CLK sen ở xã Duy Ninh và nhiều CLK lúa tại các địa phương. Năm 2023, huyện thực hiện CLK sản xuất lúa với diện tích 376ha, trong đó sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp với tiêu thụ sản phẩm với diện tích 81ha.

Các mô hình sản xuất theo chuỗi tại HTX đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với DN, kết nối nông dân với nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, tuân thủ nội dung hợp tác giữa các bên.     
 
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp, huyện đã bố trí nguồn vốn sự nghiệp từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai hỗ trợ cho các HTX xây dựng CLK sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2028 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng xây dựng và duy trì các CLK sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, đã giúp người dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy tiềm năng đất đai, lao động của địa phương.
Lan Chi

tin liên quan

Công ty CP tập đoàn FLC đứng đầu danh sách nợ tiền thuế tại Quảng Bình

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh vừa ban hành Thông báo số 1029/TB-CTQBI công khai danh sách 49 doanh nghiệp nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

"Căng buồm" đón "gió" du lịch

(QBĐT) - Để đón "làn gió" du lịch 2024 đầy sôi động, hấp dẫn, Quảng Bình đã sẵn sàng với những sản phẩm du lịch đang ngày càng được nâng cao chất lượng, đa dạng hóa, chất lượng dịch vụ được chú trọng, nâng tầm và đặc biệt, các sản phẩm, dịch vụ mới hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm khó quên. Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy đến Quảng Bình thôi! 

"Check-in" cánh đồng điện gió

(QBĐT) - Những cánh quạt gió khổng lồ xen giữa đồi cát điệp trùng, len giữa những hồ nước tự nhiên trong vắt. Khung cảnh tuyệt đẹp và lãng mạn ấy là địa điểm "check-in" lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến vùng đất nắng vàng, biển xanh.