Xây dựng "thế trận" toàn dân giữ rừng

  • 07:40 | Thứ Năm, 14/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện các nội dung trong tiểu dự án 1, thuộc dự án 3 của “Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025”, thời gian qua, chính quyền và các chủ rừng tại huyện Quảng Ninh đã giao khoán hàng chục nghìn ha rừng cho người dân bảo vệ, tạo nên “thế trận” toàn dân giữ rừng...   
 
Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, mục tiêu của tiểu dự án 1 là tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng (BVR) bền vững vùng ĐBDTTS-MN, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
Người dân bản Cổ Tràng (xã Trường Sơn) tuần tra, bảo vệ rừng.
Người dân bản Cổ Tràng (xã Trường Sơn) tuần tra, bảo vệ rừng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tiểu dự án 1 sẽ hỗ trợ khoán BVR các loại rừng cho cộng đồng, hộ gia đình vùng ĐBDTTS; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng phòng hộ, trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ ĐBDTTS tham gia BVR, khoanh nuôi tái sinh... Theo dự kiến, nguồn vốn thực hiện tiểu dự án 1 của cả nước là trên 13.800 tỷ đồng.
 
Huyện Quảng Ninh có gần 98.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng tự nhiên có trên 78.000ha, rừng trồng gần 13.000ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng gần 7.000ha, độ che phủ rừng đạt 71,5%.
 
Trước đây, công tác quản lý, BVR còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng BVR mỏng. Bên cạnh đó, đời sống của người dân gần rừng còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm... đã gây áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý, BVR.
 
Thực hiện tiểu dự án 1, các chủ rừng, địa phương tại huyện Quảng Ninh đã và đang lập hồ sơ, khoán rừng cho người dân. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh Nguyễn Xuân Quế cho biết: “Theo kế hoạch, huyện Quảng Ninh thực hiện khoán trên 15.000ha rừng tự nhiên cho người dân xã Trường Sơn và Trường Xuân quản lý, bảo vệ. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quảng Ninh 9.000ha, UBND xã Trường Sơn 3.600ha, Lâm trường Trường Sơn 1.700ha, Lâm trường Khe Giữa 719ha. Trung bình mỗi hộ dân được nhận 30ha rừng, mỗi ha được hỗ trợ 400.000 đồng/năm. Đến nay, các chủ rừng đã và đang thực hiện việc khoán rừng cho người dân”.
Nhiều người dân tham gia BVR cùng lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh.
Nhiều người dân tham gia BVR cùng lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh.
BQLRPH huyện Quảng Ninh đang quản lý, bảo vệ trên 52.000ha rừng. Do diện tích rừng của đơn vị rộng, trữ lượng gỗ lớn, địa hình phức tạp, lực lượng BVR mỏng nên rừng nơi đây vẫn còn bị xâm hại. Nhằm góp phần BVR ở khu vực này, từ đầu tháng 6/2023, tiểu dự án 1 đã hỗ trợ cho đơn vị khoán được 7.000ha rừng cho 25 hộ dân trên địa bàn. Mỗi hộ gia đình cử một người trực tiếp về ăn, ở, làm việc tại các trạm BVR của ban, bình quân mỗi hộ sẽ nhận được 7,3 triệu đồng/tháng.
 
Anh Hồ Xuân Sang, người dân ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn hiện đang “công tác” tại Trạm BVR số 7 (thuộc BQLRPH huyện Quảng Ninh) phấn khởi: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Để có cái ăn cho cả gia đình, tôi phải vào rừng xẻ gỗ về bán. Nhưng từ khi được khoán rừng, tôi đã có công việc ổn định, thu nhập khá, lại có cơ hội chuộc lỗi với rừng”. Không chỉ tham gia cùng lực lượng BVR, anh Sang còn tích cực vận động bà con trong bản, xã tham gia công tác BVR, nắm bắt thông tin liên quan đến rừng để báo lại cho đơn vị.
 
Trạm BVR số 7 hiện đang bảo vệ trên 11.000ha rừng. Từ khi trạm được bổ sung thêm lực lượng, công tác BVR nơi đây đỡ vất vả hơn. Trạm phó Trạm BVR số 7 Nguyễn Văn Luân chia sẻ: “Trước đây, trạm chỉ có 6 viên chức nhưng tuần nào cũng phải đóng gùi đi rừng. Có những chuyến đi mất 5-6 ngày, giáp tận biên giới nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình hình. Từ khi được bổ sung thêm 5 lao động từ người dân bản địa thông qua tiểu dự án 1, chúng tôi đã tăng số lần đi kiểm tra rừng lên gấp đôi, công tác tuyên truyền cũng ngày càng hiệu quả nên tình trạng phá rừng đã giảm hẳn”.
Với “thế trận” toàn dân giữ rừng, rừng trên địa bàn huyện Quảng Ninh được bảo vệ tốt hơn.
Với “thế trận” toàn dân giữ rừng, rừng trên địa bàn huyện Quảng Ninh được bảo vệ tốt hơn.
Phó Giám đốc BQLRPH huyện Quảng Ninh Lê Anh Năm cho biết: “Nhằm xây dựng “thế trận” toàn dân giữ rừng, ban đã tập trung khoán rừng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nhờ đó, người dân không những tham gia giữ rừng mà còn tuyên truyền, vận động toàn dân cùng tham gia BVR. Từ khi được bổ sung thêm lực lượng, đơn vị đã tăng cường tần suất kiểm tra, chốt chặn trên rừng; đồng thời phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tham gia BVR. Nhờ đó, tình trạng phá rừng trên địa bàn đã giảm hẳn so với trước”.
 
Thực hiện tiểu dự án 1, UBND xã Trường Sơn đã khoán trên 3.600ha rừng cho bà con các bản bảo vệ. Mỗi ha rừng khoán, cộng đồng bản nhận được 400.000 đồng/năm. Từ khi nhận khoán BVR, người dân đã tích cực tuần tra, kiểm soát nên rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
 
Năm 2022, các cơ quan chức năng huyện Quảng Ninh đã phát hiện, lập biên bản 86 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, tịch thu 11,513m3 gỗ các loại và nhiều phương tiện, thu nộp ngân sách trên 288 triệu đồng từ phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản tịch thu. Từ đầu năm 2023 đến nay, số vụ vi phạm giảm mạnh, với 22 vụ được phát hiện, xử lý.

Trưởng bản Cổ Tràng Nguyễn Văn Bền cho biết: “Cả bản hiện đang quản lý, bảo vệ trên 1.200ha rừng. Để giữ rừng hiệu quả, bản đã thành lập 8 tổ BVR và giao địa bàn quản lý cho từng tổ. Mỗi tổ đi kiểm tra rừng ít nhất 2 lần/tháng. Ngoài ra, người dân trong bản còn trồng thêm các loại cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng để nâng cao thu nhập, làm giàu thêm cho rừng. Hiện, 84 hộ dân đều tham gia vào các tổ giữ rừng, được chấm công và nhận hỗ trợ theo quy định. Nhờ có chính sách khoán rừng nên ý thức BVR cũng như đời sống của bà con trong bản được nâng lên đáng kể”.

Ông Nguyễn Xuân Quế chia sẻ thêm: “Để xây dựng “thế trận” toàn dân giữ rừng, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền, chủ rừng tiếp tục khoán rừng cho người dân bảo vệ theo tiểu dự án 1 của chương trình. Bởi khi người dân xem rừng như là tài sản của mình, mang lại những lợi ích thiết thực nên họ sẽ bảo vệ hiệu quả. Chúng tôi cũng đã tăng cường lực lượng vào trực tại các chốt, phối hợp với chủ rừng để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm rừng trái phép”…
Xuân Vương

tin liên quan

Toàn tỉnh có 45 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp

(QBĐT) - Theo thống kê của Liên minh hợp tác xã tỉnh, hiện toàn tỉnh có 45 HTX tiểu thủ công nghiệp với 361 thành viên.

Toàn tỉnh có 140 dự án chậm tiến độ

(QBĐT) - Qua đợt rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, hiện có 761 DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, trong đó có 140 dự án chậm tiến độ. 

Xây dựng 72 vườn mẫu nông thôn mới và 39 khu dân cư kiểu mẫu

(QBĐT) - Thực hiện chương trình xây dựng NTM, phong trào xây dựng vườn mẫu NTM và khu dân cư NTM kiểu mẫu đang được các địa phương tích cực triển khai.